Indonesia tháng 3 mới ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên nhưng hiện quốc gia này chỉ đứng sau Trung Quốc, Iran ở châu Á về số ca tử vong do Covid-19. Indonesia ghi nhận 221 người chết, trong đó có 24 bác sĩ. Nguyên nhân chủ yếu là các nhân viên y tế ở quốc gia này không được trang bị thiết bị bảo hộ, khẩu trang đầy đủ trong quá trình chống dịch.
Y tá Novita Purwanti và các đồng nghiệp làm việc tại một trung tâm y tế công cộng ở thành phố Bandung, Tây Java, quá hiểu điều này. Họ gom tiền để mua áo mưa và kính bảo hộ bảo vệ bản thân trong quá trình làm việc.
"Chúng tôi đã khử trùng áo mưa để có thể tái sử dụng, trong khi chờ đồ bảo hộ từ cơ quan y tế. Tôi không thể mua mặt nạ N95 vì quá đắt và rất khó tìm", cô giải thích.
Novita Purwanti là một trong hàng nghìn nhân viên y tế ở tuyến đầu chống Covid-19 ở Indonesia nhưng lại không được bảo vệ.
"Tôi căng thẳng, không thể ngủ. Tôi luôn chạm vào bệnh nhân, mặc dù không biết chắc họ có phải là người mang mầm bệnh hay không", y tá Novita, bà mẹ có hai con nhỏ, kể.
Các chuyên gia y tế đang kêu gọi chính phủ hãy bảo vệ tốt hơn cho những người ở tuyến đầu chống dịch. "Nếu chúng ta không bảo vệ, bác sĩ và y tá sẽ chết, kéo theo các bệnh nhân chết nhiều hơn", Zubairi Djoerban, người đứng đầu lực lượng đặc nhiệm chống Covid-19 tại Hiệp hội bác sĩ Indonesia, nói.
Tại các bệnh viện ở thủ đô Jakarta, các đồng nghiệp của Novita chia sẻ những câu chuyện về việc nhân viên y tế tự mua khẩu trang hoặc ứng biến bằng cách mặc áo mưa thay cho đồ bảo hộ.
"Rất có khả năng chúng tôi sẽ trải nghiệm những gì đã xảy ra ở Italy, nơi 9,5% người nhiễm nCoV là nhân viên y tế. Nhưng nếu đồ bảo hộ vẫn không đủ đáp ứng, con số còn tồi tệ hơn ở Italy", ông Djoerban nói thêm.
Y tá Ninuk, 37 tuổi, là một trong những nhân viên y tế đầu tiên ở Indonesia chết vì Covid-19. Hồi cuối tháng 2, Ninuk nói với chồng rằng cô tin mình đã nhiễm nCoV trước khi Indonesia chính thức công bố ca dương tính đầu tiên. Cô qua đời vào ngày 12/3 tại bệnh viện mà không có bất kỳ người thân nào bên cạnh.
Arul, chồng của Ninuk, cho biết vợ anh không mang bất kỳ thiết bị bảo hộ nào khi làm việc tại một bệnh viện công ở thủ đô Jakarta.
Một nghiên cứu của Trung tâm mô hình toán học về các bệnh truyền nhiễm, trụ sở tại London, công bố tuần trước cho thấy ước tính 2% trường hợp nhiễm nCoV ở Indonesia được báo cáo. Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, số người mắc Covid-19 ở quốc gia này có thể đã là 89.000, chứ không phải trên 2.700 ca như công bố.
Thống đốc Jakarta Anies Baswedan cũng thừa nhận có thể một số người chết trước khi được xét nghiệm nCoV.
"Có thể một số thi thể chưa được xét nghiệm, hoặc đã được xét nghiệm nhưng kết quả chưa có", ông nói.
Trẻ em cũng nằm trong số những ca tử vong ngày càng tăng ở Indonesia, theo Hiệp hội Nhi khoa. "Chúng tôi đang cố gắng theo dõi các trường hợp", tiến sĩ Aman Pulungan, chủ tịch Hiệp hội, cho biết. "Ít nhất bốn trẻ em đã chết và đứa bé nhất mới 3 tuổi".
Theo nhiều chuyên gia, hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Indonesia đang đối mặt với những thách thức lớn trước đại dịch Covid-19. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Indonesia có trung bình một giường bệnh trên 1.000 người. Trong khi đó, trung bình số giường bệnh trên đầu người ở Trung Quốc gấp bốn lần, Hàn Quốc gấp 11 lần. Năm 2017, WHO công bố Indonesia trung bình chỉ có bốn bác sĩ trên 10.000 người. Tại Italy con số này gấp 10 lần, Hàn Quốc gấp 6 lần.
Indonesia cũng được đánh giá chậm chạp trong công tác ứng phó với dịch bệnh. Chỉ hơn một tháng trước, Bộ trưởng Y tế Terawan Agus Putranto cho rằng nước này chưa ghi nhận ca nhiễm nCoV nào nhờ "cầu nguyện". Khi Covid-19 bùng phát ở Vũ Hán, Indonesia vẫn mở cửa và mời chào khách Trung Quốc đến du lịch.
Từ giữa tháng 3, các ca nhiễm nCoV tăng vọt ở Indonesia khiến Tổng Giám đốc WHO, ông Thedros Adhanom, đã gửi thư yêu cầu Tổng thống Joko Widodo ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia. Indonesia hiện đã đóng cửa biên giới, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch, trong đó có thành lập Lực lượng phản ứng nhanh nhưng được cho là đã quá muộn.
Hiện thủ đô Jakarta là tâm điểm của dịch bệnh ở Indonesia với hàng loạt ca nhiễm mới. Trong những tuần gần đây, hàng nghìn người lao động nhập cư lo sợ virus lây lan đã rời thủ đô trở về quê hương, làm dấy lên lo ngại nCoV sẽ lan rộng ở quốc đảo này.
Đầu tuần này, Tổng thống Joko Widodo ban lệnh hạn chế đi lại, cách ly xã hội nhằm ngăn chặn dịch bệnh. "Chúng tôi vẫn muốn duy trì hoạt động kinh tế, nhưng mọi người phải thực hành cách ly xã hội, xa cách vật lý đó là điều quan trọng nhất", ông nói.
Các trường học và điểm giải trí ở Jakarta đã bị đóng cửa trong khoảng hai tuần, nhưng giao thông công cộng vẫn hoạt động để phục vụ người dân đi lại và làm việc.
Covid-19 xuất hiện ở 209 quốc gia và vùng lãnh thổ khiến hơn 1,4 triệu người nhiễm bệnh, trong đó trên 82.000 ca tử vong. Hiện Indonesia là quốc gia có số người tử vong nhiều nhất Đông Nam Á và 2.738 ca nhiễm, đứng thứ ba khu vực, sau Malaysia và Philippines.
Sơn Nam (Theo BBC)