"Mỗi cô gái chuyển giới đều muốn trở thành phụ nữ thực sự nhất có thể. Mong muốn ấy bao gồm cả việc được làm mẹ. Con đường để làm được điều này là cấy ghép tử cung, giống như ghép thận hoặc bất kỳ ca cấy ghép nào khác. Đây chính là tương lai. Chúng ta không thể dự đoán chính xác khi nào việc này sẽ xảy ra, nhưng sẽ sớm thôi. Chúng tôi đã lên kế hoạch và rất lạc quan về nó", bác sĩ Narendra Kaushik, người đang lập kế hoạch tiến hành ca cấy ghép tử cung cho một phụ nữ chuyển giới, nói.
Kaushik, hiện sống tại thủ đô New Delhi của Ấn Độ, cho biết cô gái đang rất hy vọng và mong sẽ có một em bé bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm (IVF).
Theo Daily Star, nội tạng cần thiết để người phụ nữ chuyển giới này mang thai sẽ được lấy từ một người hiến tặng đã qua đời, hoặc của một người đàn ông chuyển giới đã cắt bỏ cơ quan sinh sản.
Theo giáo sư Simon Fishel, các ca cấy ghép tử cung từng được tiến hành ở Đan Mạch nhưng từ phụ nữ này sang phụ nữ khác.
Ấn Độ hiện vượt Thái Lan, trở thành điểm đến cho cho các ca phẫu thuật chuyển giới. Bác sĩ Kaushik, chủ một bệnh viện chuyển đổi giới tính ở New Delhi, cho hay khoảng 20% khách hàng của ông đến từ nước ngoài. Nhiều người trong số đó đến từ Anh.
"Nhiều khách hàng nói với chúng tôi rằng bạn tình của họ thậm chí không nhận ra họ sinh ra là đàn ông", Kaushik nói, "Và đó là mục đích của chúng tôi, nhằm giúp họ có một cuộc sống như bất cứ phụ nữ bình thường nào. Chúng tôi hướng đến thẩm mỹ lý tưởng".
Cấy ghép tử cung, với chi phí hàng nghìn bảng Anh, vẫn được xem là một quy trình thử nghiệm. Theo hồ sơ y khoa thế giới, ca cấy ghép này từng được thử nghiệm một lần trong lịch sử cho Lili Elbe, một phụ nữ chuyển giới người Đan Mạch, năm 1931. Người phụ 48 tuổi - một trong những bệnh nhân chuyển giới đầu tiên - đã tiến hành ca phẫu thuật ở Đức với hy vọng sinh con cho hôn phu. Tuy nhiên, cô bị nhiễm trùng và qua đời do đau tim chỉ sau ba tháng.
Các nhà khoa học tin rằng về mặt lý thuyết, có thể giúp một phụ nữ chuyển giới mang thai bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm, khi trứng được thụ tinh bên ngoài rồi đưa vào cơ thể. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi một tử cung khỏe mạnh để đứa trẻ lớn lên và hoạt động cấy ghép phải mất nhiều năm, nếu không muốn nói là nhiều thập kỷ nữa, mới có thể trở thành hiện thực.
Hướng Dương (Theo Daily Star)