Tương xứng với tựa đề phim, Chuyện ma gần nhà mở ra với màn thi nhau kể chuyện ma của bốn người bạn trong một đêm họp mặt. Đi theo giọng kể của họ, những lời đồn quỷ dị trong chung cư, ngoài phố xá nơi đô thị lần lượt được hé mở.
Chưa kết thúc ngày đầu công chiếu (11/2), bộ phim thu về hơn 8,8 tỷ đồng doanh thu, cháy vé ở nhiều cụm rạp và trở thành phim có lượng vé đặt trước cao nhất lịch sử điện ảnh Việt. Nhờ sự quyết liệt trong kịch bản, sự tính toán về mỹ thuật và sự đầu tư cho diễn xuất, phim cho thấy bước tiến vượt trội của thể loại kinh dị của phim Việt.
Ma quỷ đúng nghĩa
Trước đây, phim kinh dị Việt Nam thường khiến khán giả hụt hẫng bởi yếu tố ma mị không đến nơi đến chốn. Sau nhiều màn hù dọa làm người ta tim đập chân run, phim hạ màn bằng lời giải thích ma quỷ chỉ đến từ cơn mơ hay hoang tưởng của nhân vật chính, hoặc mọi chuyện bí ẩn trong phim do con người gây ra, không phải do ma quỷ gieo rắc.
Từ góc độ này, Chuyện ma gần nhà là một ca lạ của dòng phim kinh dị Việt. Phim có ba tuyến truyện chính và một tuyến truyện phụ. Mỗi tuyến đều nhuốm màu u linh. Hai trong số đó thực sự tồn tại những vong hồn. Một câu chuyện khác đề cập bóng ma trong nội tâm nhân vật. Và câu chuyện còn lại nói về tà thuật phục vụ tội ác.
Không đơn thuần gây giật mình bằng hiệu ứng âm thanh hay các cú cắt - chuyển cảnh bất ngờ (jump scare), phim dẫn dắt, đưa đẩy nỗi sợ bằng tình huống ghê rợn, không gian tù mù và hình hài ám ảnh. Nhiều cảnh phim đánh mạnh vào thị giác và cảm giác của người xem, đủ sức làm họ phải bịt mắt hoặc hét lên trong rạp. Các chất liệu văn hóa tâm linh cùng các lời đồn ma quỷ đặc trưng của người Việt được chắt lọc và tận dụng tinh tế khiến mỗi phần truyện mang hơi thở đời sống.
Bộ phim cho thấy bước tiến của đạo diễn Trần Hữu Tấn so với hai phim trước - Bắc kim thang và Rừng thế mạng. Trong ba tuyến truyện chính, phần của Vân Trang trọn vẹn nhất, hấp dẫn nhất, xúc động nhất, lại dễ khiến người xem liên tưởng hoặc đồng điệu. Phần truyện của Khả Như khá bất ngờ và thú vị nhưng kết lửng lơ. Còn câu chuyện của nghệ sĩ Mạc Can, Huỳnh Thanh Trực rối rắm, thiếu mạch lạc.
Mỹ thuật ấn tượng
Chuyện ma gần nhà chiêu đãi khán giả bữa tiệc màn ảnh cuốn hút và đúng thể loại. Nhiều hình hài ma quỷ, cảnh tượng ghê rợn xuất hiện trong phim như người phụ nữ trào máu mắt, hồn ma không đầu mặc áo bà ba, cô gái lột da mặt... Đáng nói, loạt hình ảnh này được mô tả khá chi tiết thay vì chỉ lướt qua màn hình. Hiệu ứng thị giác chúng mang lại vô cùng hiệu quả.
Không gian nhà ở, chung cư, bàn thờ, nghĩa trang được dàn dựng bắt mắt, có tính đời sống nhưng không đánh mất ngụ ý điện ảnh. Ánh sáng hạn chế, màu phim hoài cổ, âm nhạc ma mị cộng hưởng với sự vắng bóng hoàn toàn của công nghệ thời 4.0 đã nhào nặn ra không khí đậm đặc kinh dị.
Hóa trang, phục trang, đạo cụ lên hình ấn tượng, minh chứng cho quá trình nghiên cứu và chuẩn bị đầy nghiêm túc, tỉ mỉ của đoàn phim. Qua đó, khán giả có thể đoán được niên đại của mỗi phần truyện dù phim không xác định rõ ràng.
Về phần kỹ thuật của phim, đáng tiếc nhất là lời thoại nhiều chỗ bị chỉnh quá tay, trở nên vang vọng khó nghe.
Diễn xuất thuyết phục
Với bản phim chiếu rạp, Chuyện ma gần nhà cho thấy sự thành công lớn ở khâu casting. Đạo diễn Trần Hữu Tấn đã đặt từng diễn viên vào vai diễn vừa vặn. Ở đó, có người phát huy sở trường quen thuộc, có người được khai thác khía cạnh mới.
Dù thuộc trường hợp nào, họ cũng hóa thân tốt vào nhân vật. Ở tuổi gần 80 đi lại khó khăn và cần người cõng, nghệ sĩ Mạc Can vẫn say sưa với nghề, diễn tự nhiên từ biểu cảm đến đài từ. Không còn chọc cười như bấy lâu nay, Khả Như lần đầu u ám và biến thái trên màn ảnh. Huỳnh Thanh Trực diễn sống động về hình thể, đời thường trong ánh mắt và vẻ mặt.
Nhưng nổi bật nhất là Vân Trang. Sau nhiều năm vắng bóng, cô giữ vững phong độ, biểu đạt sâu sắc dù kiệm lời thoại. Ở giai đoạn đầu của thai kỳ, nữ diễn viên không ngại lăn xả vì vai diễn, liên tục dính bùn đất, máu đạo cụ, lăn lê, trườn bò, chạy, bị ngã. Riêng với cảnh cuối, cô tạo nên điểm nhấn dễ lấy nước mắt khán giả.
Xem Chuyện ma gần nhà, ta cảm nhận được sự dụng công, tâm huyết và quyết liệt của êkíp phía sau màn ảnh, đồng thời cũng thấy được sự đổi khác tích cực trong công tác kiểm duyệt của ngành điện ảnh Việt Nam. Bộ phim đôi chỗ còn lấn cấn, chưa thỏa đáng nhưng là một sản phẩm đáng đồng tiền bát gạo cho khán giả.
Phong Kiều