Nội dung bài viết được trích từ cuốn sách Habit Dividends của tác giả Alvin, người Mỹ.
1. Tiêu tiền vào thứ giúp bạn tiết kiệm thời gian
Theo nghiên cứu của Daniel Kahneman, người đoạt giải Nobel về kinh tế, số liệu thống kê ông thu thập được cho thấy việc đi lại là điều mọi người không thích nhất. Các nghiên cứu khác chỉ ra rằng người dành thời gian đi lại càng nhiều càng ít hạnh phúc với cuộc sống.
Nói cách khác, nếu có cách tiêu tiền để giảm thời gian đi lại hoặc giảm bớt sự khó khăn di chuyển, nó sẽ cải thiện mức độ hài lòng trong cuộc sống của mọi người. Đây là cơ sở đầu tiên giải thích tại sao việc tiêu tiền để tiết kiệm thời gian sẽ mang lại giá trị, đặc biệt khi bạn tham gia vào những hoạt động không mấy dễ chịu. Số tiền bạn bỏ ra không chỉ giúp bạn tiết kiệm thời gian mà còn có cơ hội gia tăng hạnh phúc.
Việc tiếp theo là chi tiền để rút ngắn thời gian xếp hàng. Điều này không cần tới nghiên cứu của các học giả vì đã có ví dụ cụ thể trong kinh doanh. Các công viên giải trí như Universal Studios cung cấp dịch vụ thông quan nhanh với một khoản phí nhất định, sau đó khách không cần xếp hàng mà được đi qua các lối VIP. Disney cũng đã cố gắng làm cho mọi người cảm thấy bầu không khí dễ chịu khi xếp hàng và đánh lạc hướng sự thiếu kiên nhẫn của khách khi chờ đợi.
Các phương pháp có thể rút ngắn thời gian đều có giá trị. Bởi vì thời gian không chỉ là tài sản quý giá nhất, mà cách trải nghiệm thời gian trôi qua cũng sẽ ảnh hưởng đến tâm trạng của bạn.
Nếu bạn có thể chi tiền để tiết kiệm thời gian, điều đó tương đương với việc mua được giá trị lớn hơn từ góc độ đầu tư.
2. Hãy tiêu tiền vào nơi bạn có thể học hỏi và phát triển
Có thể bạn đã nghe nói rằng học tập là cách tốt nhất để đầu tư vào bản thân. Tuy nhiên, mục đích của việc học là gì? Ngoài việc thỏa mãn trí tò mò, tác giả tin rằng còn có hai mục đích chính: có một năng lực nào đó và được truyền cảm hứng.
Nếu bạn muốn tồn tại trong thế giới này, bạn sẽ cần kiến thức có thể giúp bạn kiếm tiền và những kỹ năng giúp bạn sống sót.
Ví dụ như kiến thức để nâng cao khả năng làm việc, kỹ năng quản lý tiền bạc, nền tảng để nói trước đám đông, tri thức để đưa ra quyết định đúng đắn... Mục đích học những kiến thức này là để kiếm tiền. Bạn càng kiếm được nhiều tiền, bạn càng dễ dàng tồn tại hơn.
Hơn nữa, mọi người không thể kiếm tiền từ sự thiếu hiểu biết. Nhưng họ có thể bị lừa tiền vì thiếu kiến thức. Việc học có thể khiến bạn kiếm được tiền, và nó cũng giúp bạn không bị lừa đảo.
Hãy nuôi dưỡng thói quen học tập và chi tiền cho việc học. Trước mắt, bạn sẽ có được kiến thức, và một buổi học sẽ được hoàn trả bằng thu nhập trong những năm tiếp theo. Về lâu dài, việc học sẽ truyền cảm hứng cho bạn theo đuổi ý nghĩa của sự tồn tại thông qua việc hiểu rõ bản thân hoặc có được sự khôn ngoan.
3. Tiêu tiền vào những thứ giúp bạn khỏe mạnh
Bạn nên hiểu rằng mục tiêu ở các giai đoạn khác nhau của cuộc đời hầu hết đều liên quan đến tài chính. Nhưng bạn có biết mọi mục tiêu trong cuộc sống đều phải liên quan đến điều gì? Đó là sức khỏe.
Nếu quản lý đầu tư và tài chính được xem như một hệ thống thì thu nhập và tiền gửi là đầu vào, đầu tư và quản lý tài chính là quá trình trung gian, còn tài sản và dòng tiền được tạo ra là đầu ra.
Nhưng nhiều người chỉ dừng lại ở đây khi nói về đầu tư và quản lý tài chính mà bỏ qua rằng sau đầu ra còn có đích đến cuối cùng, đó là tiêu tiền vào những việc liên quan đến bản thân, trong đó quan trọng nhất là sức khỏe.
Bên cạnh đó, sức khỏe còn ảnh hưởng đến sự giàu có của một người. Để có đủ thời gian làm giàu, ngoài sự kiên nhẫn, bạn cũng cần có một cuộc đời đủ dài.
Kết hợp lại với nhau, ba cách chi tiêu này có thể mang lại lợi ích bổ trợ và tạo ra lợi tức cho bạn.
Hằng Trần (Theo King Sleeve)