Ông Lee Byung-chul, nhà sáng lập tập đoàn Samsung khởi nghiệp vào năm 1938 chỉ với 25 USD. Lúc ấy ông Lee bắt đầu xây dựng đế chế kinh doanh đa ngành của Samsung chỉ bằng một cửa hàng bán đồ khô nhỏ. Nhiều thập kỷ sau, gia đình họ Lee đã đưa Samsung trở thành tập đoàn tư nhân lớn nhất Hàn Quốc, chiếm 20% GDP của quốc gia này. Tập đoàn Samsung có 59 công ty con hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, bảo hiểm, đóng tàu, khách sạn, công viên giải trí và thời trang. Trong đó, Samsung Electronics là công ty quan trọng nhất của tập đoàn và là nhà sản xuất điện thoại thông minh, chip nhớ lớn nhất thế giới. Ảnh: BI. Ông Lee Byung-chul có tám người con. Vào năm 1967, nhà sáng lập Samsung bị buộc từ chức khi con trai thứ hai Lee Chang-hee bị bắt vì cáo buộc nhập khẩu trái phép 50 tấn đường sacharin. Con trai cả của ông là Lee Maeng-hee trở thành CEO Samsung vào năm 1967 nhưng không được lòng nhân viên bởi phong cách lãnh đạo cứng nhắc và hung hăng. Năm 1969, ông Lee Chang-hee tiết lộ cho chính phủ Hàn Quốc các quỹ đen của cha mình khiến tên tuổi của cả Lee Byung-chul và Lee Maeng-hee bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ảnh: BI. Sau khi nhà sáng lập Lee Byung-chul qua đời vào năm 1987, con trai thứ ba Lee Kun-Hee tiếp quản quyền điều hành. Thời điểm đó, Samsung chỉ là một doanh nghiệp nội địa Hàn Quốc nhỏ bé nổi tiếng với việc sản xuất đồ điện giá rẻ. Ở thế hệ thừa kế thứ hai, ông Lee Kun Hee đã đưa Samsung vươn lên trên lĩnh vực công nghệ. Vào đầu thập niên 1990, Samsung đã vượt qua các đối thủ Nhật Bản và Mỹ để trở thành người dẫn đầu trong lĩnh vực chip nhớ. Dưới thời ông Lee Kun-Hee, Samsung cũng thống trị thị trường màn hình phẳng và sau đó chinh phục thị trường điện thoại thông minh lớn nhất thế giới. Ảnh: Reuters. Dù là lãnh đạo xuất sắc của Samsung và là một trong những doanh nhân có sức ảnh hưởng nhất Hàn Quốc, Lee Kun-Hee cũng dính phải nhiều scandal. Ông Lee từng ngồi tù năm 1996 vì cáo buộc hối lộ 2 cựu tổng thống Hàn Quốc là Chun Doo-hwan và Roh Tae-woo. Sau đó, ông được ân xá bởi tổng thống Kim Young-sam vào năm 1997. Đến năm 2007, giám đốc pháp lý của Samsung tiếp tục tố cáo với chính phủ về các quỹ đen dùng để hối lộ ủy viên công tố, tòa án và chính trị gia Hàn Quốc của chủ tịch Lee Kun Hee. Cuối cùng ông Lee Kun-hee bị buộc tội trốn thuế 45 triệu USD và bị phạt 90 triệu USD. Ảnh: AP. Ông Lee Kun-Hee là người giàu nhất Hàn Quốc với khối tài sản 20,1 tỷ USD. Tuy nhiên ông không còn trực tiếp điều hành Samsung từ năm 2014 sau khi nằm liệt giường vì một cơn đau tim. Từ đó đế chế Samsung tiếp tục truyền thừa kế sang thế hệ thứ ba của ông là con trai Jae-yong và hai con gái Boo-jin, Seo-hyun. Trong đó con trai cả Lee Jae-yong, phó chủ tịch Samsung Electronics, là ứng viên sáng giá thừa kế vị trí của ông Lee sau khi ông qua đời. Ảnh: BI. Tuy chỉ giữ chức phó chủ tịch Samsung Electronics nhưng tầm ảnh hưởng của Lee Jae-yong đi xa hơn nhiều. Lee là con trai duy nhất của chủ tịch Lee Kun-hee và giữ quyền điều hành tập đoàn khi cha ông nằm liệt giường do đau tim vào năm 2014. Ông Lee Jae-yong là người giàu thứ ba Hàn Quốc với khối tài sản 6,8 tỷ USD, theo Forbes. Tuy nhiên cũng giống như cha mình, ông Lee Jae-yong cũng dính nhiều bê bối liên quan tới hối lộ và thao túng giá cổ phiếu. Năm 2017, ông bị tuyên án 5 năm tù vì hối lộ và vài tội danh khác liên quan tới tổng thống bị phế truất Park Geun-hye. Ông Lee bị giam giữ một năm và được thả tự do vào năm 2018 sau khi kháng cáo nhưng hiện vụ án được tái thẩm và ông đúng trước nguy cơ vào tù trở lại. Hồi tháng 5, ông Lee đã phải công khai cúi đầu xin lỗi trước những bê bối và tuyên bố sẽ không để các thừa kế vị trí của mình. Ảnh: AP. Lee Boo-jin là con thứ hai của cố chủ tịch Samsung Lee Kun-hee. Bà hiện là chủ tịch kiêm CEO của Hotel Shilla, một trong những khách sạn hàng đầu ở xứ sở kim chi. Bà cũng là đồng chủ tịch Samsung Everland, công ty con chuyên mảng khách sạn, nhà hàng của tập đoàn Samsung. Bà từng thay anh trai "chèo lái" Samsung khi anh trai Lee Jae-yong bị bắt vào năm 2017 vì tội hối lộ. Theo thống kê của Forbes, bà Lee hiện sở hữu tài sản 1,68 tỷ USD, là người phụ nữ giàu nhất Hàn Quốc và xếp thứ 87 trong số 100 người phụ nữ quyền lực nhất thế giới do Forbes bình chọn. Bà Lee Seo-hyun là con gái thứ ba của cố chủ tịch Samsung Lee Kun Hee. Bà Lee chịu trách nhiệm trong mảng quảng cáo và thời trang của Samsung, đảm nhận vị trí chủ tịch của Samsung C&T, công ty con kinh doanh mảng bán lẻ. Bà còn là chủ tịch của Tổ chức Phúc lợi Samsung, một tổ chức từ thiện cung cấp hỗ trợ chăm sóc trẻ em và giáo dục cho trẻ em nghèo. Theo Forbes, bà sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD, là người phụ nữ giàu thứ hai Hàn Quốc chỉ sau chị mình. Ảnh: Yonhap. Sơ đồ ba thế hệ thừa kế Samsung của gia tộc họ Lee. Cố chủ tịch Lee Kun Hee còn có một con gái út Yoon-hyung đã tự tử tại New York, Mỹ vào năm 2005 sau khi bị gia tộc ngăn cấm tình yêu với một người không cùng đẳng cấp. Hiện thế hệ thứ ba thừa kế Samsung đứng trước thách thức lớn khi phải tìm cách cải tổ đế chế đa ngành hàng đầu Hàn Quốc sau khi để các đối thủ dần bắt kịp. Ngoài ra những người thừa kế của ông Lee đang đối mặt với khoản thuế thừa kế lên đến 50%. Theo nhiều chuyên gia, những người thừa kế Samsung có khả năng phải bán bớt cổ phiếu để trả khoản thuế thừa kế khổng lồ ước tính 9 tỷ USD. Đồ họa: BI. Sơn Nam (Theo BI)