Khi giá cả tăng vọt và tiền lương tăng không đáng kể, việc tăng thu nhập và giảm chi tiêu đã trở thành một phần rất quan trọng của cuộc sống. Nonoko, một bà nội trợ người Nhật, đã tiết kiệm bắt đầu từ số 0 lên tới 5 triệu yên (khoảng một tỷ đồng) trong ba năm. Dưới đây là bốn nguyên tắc chi tiêu của cô.
1. Chia tiền vào các túi trong ngày lĩnh lương
![Nonoko chia tiền vào từng túi khác nhau để đảm bảo chi tiêu trong tháng. Ảnh: Instagram Nonoko_16](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2024/06/05/5-5-6-5-2128-1717560925.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=fMLdVQLyp3LmdqmIL87irA)
Nonoko chia tiền vào từng túi khác nhau để đảm bảo chi tiêu trong tháng. Ảnh: Instagram Nonoko_16
Nonoko cho biết cô thường chia tiền mỗi tháng thành phí cố định, phí biến đổi và phí nhu yếu phẩm. Phí cố định bao gồm tiền thuê nhà, học phí và tiền tiêu vặt. Phí biến đổi bao gồm tiền nước, điện, gas và điện thoại di động. Phí nhu yếu phẩm bao gồm tiền ăn, đồ cần dùng hàng ngày, xăng dầu.
Cô để ngân sách cho từng loại phí vào mỗi túi khác nhau vào ngày lĩnh lương. Ghi từng khoản đã chi ở mỗi túi. Ngoài ra, nếu bạn có ứng dụng di động cho ngân hàng chuyển lương công ty, bạn nên chuyển một phần lương sang tài khoản khác vào ngày nhận lương để buộc bản thân phải thực sự tiết kiệm tiền.
2. Chỉ đến siêu thị mỗi tuần một lần
![Bữa ăn do Nonoko chuẩn bị. Ảnh: Instagram Nonoko_16](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2024/06/05/446799259-7646721455418220-472-4097-8386-1717560925.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=9w68S4MAQKSl-tcdqMvsmQ)
Những bữa trưa Nonoko chuẩn bị. Ảnh: Instagram Nonoko_16
Nhà Nonoko có 4 người. Để tiết kiệm tiền, cô quy định chi phí nấu ba bữa một ngày là 1.000 yên, tức 7.000 yên (khoảng 1,1 triệu đồng) mỗi tuần. Cô xác định trước thực đơn, chỉ đi siêu thị một lần/tuần để giảm mua sắm không cần thiết, hiểu rõ đặc điểm và ưu đãi đặc biệt của các siêu thị quanh nhà, đăng ký thẻ thành viên cửa hàng để được giảm giá nhiều hơn.
3. Kiểm tra tủ lạnh và tủ đựng thức ăn trước khi mua sắm
![Nonoko luôn kiểm tra tủ lạnh trước khi lên thực đơn và sắm thực phẩm. Ảnh: Instagram Nonoko_16](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2024/06/05/117655456-321650265579955-4069-6026-7936-1717560925.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=aA85ynueBHIZWq5uL7w0oA)
Nonoko luôn kiểm tra tủ lạnh trước khi lên thực đơn và sắm thực phẩm. Ảnh: Instagram Nonoko_16
Nonoko cho biết, trước đây tủ lạnh ở nhà luôn rất đầy khiến mọi người không biết khi nào đồ đã hết hạn sử dụng dẫn đến lãng phí. Vì vậy, cô luôn kiểm tra tủ lạnh và tủ đựng thức ăn, sau đó lên thực đơn tuần trước khi đến siêu thị mua đồ. Khi về đến nhà, cô chia nguyên liệu thành từng chủng loại và sắp xếp chúng vào những chiếc hộp trong suốt, ghi ngày sản xuất rõ ràng.
4. Mua một bỏ một đối với quần áo
![Tủ quần áo của Nonoko gọn gàng, tối giản và dễ mix match. Ảnh: Instagram Nonoko_16](https://vcdn1-ngoisao.vnecdn.net/2024/06/05/3-9501-1717560925.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=ukXzXFIgz1t0arkV9ZuYUA)
Tủ quần áo của Nonoko gọn gàng, tối giản. Ảnh: Instagram Nonoko_16
Nhiều phụ nữ nghĩ rằng dù có bao nhiêu bộ quần áo thì vẫn luôn thấy thiếu. Nonoko cũng nghĩ như vậy. Nhưng khi bắt đầu quản lý tài chính cá nhân, cô cảm thấy có quá nhiều quần áo với kiểu dáng và màu sắc giống nhau. Điều này làm không gian chật chội, khiến cô lại muốn mua đồ mới. Chu trình này lặp lại khiến cô tốn kém và không vui.
Vì vậy, cô quyết định tạo ra một tủ quần áo theo mùa, dựa trên bốn nguyên tắc: loại bỏ quần áo không mặc trong một năm, kiểm tra tình trạng quần áo hai lần một năm, xác định số lượng dự trữ, mua một chiếc và vứt đi (tặng, bán) một món đồ.
Hằng Trần (Theo 518)