Chiều 21/9, phiên xét xử bà Nguyễn Phương Hằng (52 tuổi, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam) cùng 4 đồng phạm về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân diễn ra với phần tranh luận.
Nêu quan điểm về vụ án, đại diện VKS cho rằng bị cáo Hằng giữ vai trò chính trong vụ án, chỉ đạo Nguyễn Thị Mai Nhi (40 tuổi, trợ lý); Lê Thị Thu Hà (31 tuổi, nhân viên Công ty Đại Nam); Huỳnh Công Tân (29 tuổi, Trưởng phòng Truyền thông Công ty Đại Nam) sử dụng 12 tài khoản mạng xã hội để thực hiện nhiều buổi livestream. Trong đó có 57 buổi mang nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự cá nhân; thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của: ca sĩ Vy Oanh, Đàm Vĩnh Hưng, nghệ sĩ Hoài Linh, vợ chồng ca sĩ Thủy Tiên, nhà báo Hàn Ni, nhà báo Đức Hiển...
Từ tháng 10/2021 đến 3/2022, bà Hằng mời tiến sĩ luật Đặng Anh Quân (giảng viên Đại học Luật TP HCM) tham gia 11 buổi livestream với vai trò cố vấn pháp lý để tăng độ tin cậy cho những phát ngôn của mình. Khi bà Hằng phát ngôn xúc phạm người khác thì ông Quân tương tác, hùa theo.
"Trong vụ án này, bị cáo Hằng là người khởi xướng, rủ rê nhiều người và trực tiếp thực hiện; Quân là người tham gia cổ vũ, ủng hộ nên hai bị cáo phải chịu trách nhiệm cao hơn các bị cáo khác", đại diện VKS đánh giá.
Quá trình thẩm vấn, bà Hằng và các bị cáo Mai Lê Thu Hà, Nguyễn Thị Mai Nhi, Huỳnh Công Tân thừa nhận hành vi như cáo trạng; riêng bị cáo Quân kêu oan.
Tuy nhiên, VKS cho rằng căn cứ vào lời khai của bà Hằng và các tài liệu có đủ căn cứ xác định, Quân dù có trình độ hiểu biết pháp luật, do có cùng quan điểm với bị cáo Hằng nên đã tham gia nhiều buổi livestream tung hứng, ủng hộ bà Hằng. Ngoài ra, Quân còn có phát ngôn đưa ra thông tin xuyên tạc, xúc phạm uy tính nhân phẩm của ông Hoài Linh. Hành vi của các bị cáo đã được chứng minh qua các bản kết luận giám định.
Đại diện VKS cũng ghi nhận các bị cáo như lần đầu phạm tội, thành khẩn khai báo; riêng bà Hằng được nhiều cơ quan Nhà nước tặng bằng khen vì có nhiều đóng góp cho xã hội... nên đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ cho các bị cáo một phần hình phạt.
Từ đó, VKS đề nghị xử phạt bà Hằng 3-4 năm tù, Quân 2-3 năm tù; ba bị cáo khác từ một năm 6 tháng đến hai năm tù.
Với những người liên quan bị xúc phạm đã rút yêu cầu bồi thường thiệt hại về vật chất, song VKS đề nghị HĐXX xem xét buộc bị cáo bù đắp cho họ một phần thiệt hại về tinh thần là 14,9 triệu đồng. Với các yêu cầu về vật chất khác, VKS đề nghị tách ra để giải quyết bằng vụ án dân sự khác.
Tự bào chữa sau đó, bà Hằng cho rằng sai phạm của bản thân hoàn toàn không xuất phát từ việc hưởng lợi cá nhân. "Tất cả những việc bị cáo làm đều xuất phát từ việc bị xúc phạm. Bị cáo làm những việc vì mục đích cho người nghèo, nhất là trẻ em nghèo, đó là lý tưởng sống của bị cáo. Bị cáo đã rất đau khổ khi đã bỏ đi quỹ mổ tim trong thời gian qua. Bị cáo đã phải trả giá rất đắt, mong tòa xem xét cho bị cáo", bà Hằng nói.
Bào chữa cho bà Hằng, luật sư Hồ Nguyên Lễ, cho rằng hành vi sai phạm vượt giới hạn của thân chủ, xuất phát từ việc bị nhiều người công kích khi làm từ thiện. Bị cáo đã nhận thức được hành vi sai phạm của mình, chủ động đề nghị bồi thường thiệt hại cho những người bị xúc phạm, nên đề nghị HĐXX ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ.
Trong vòng khoảng 5 phút nói lời sau cùng, bị cáo Hằng nghẹn giọng xin tòa cho sớm được trở về để tiếp tục làm thiện nguyện. "Hôm nay, bị cáo trở thành bị cáo là điều vô cùng đau khổ. Bị cáo vô cùng hối hận vì đã không kiềm chế được bản thân mình mà 18 tháng qua không thể tiếp tục duy trì được quỹ từ thiện, cứu giúp người dân nghèo. Bị cáo mong tòa cho bị cáo cơ hội được quay về làm công việc thiện nguyện để tiếp tục giúp công ty phát triển, cứu giúp dân nghèo. Đó cũng là ý nguyện của bị cáo và anh Dũng trong suốt phần đời còn lại", bà Hằng nghẹn giọng.
"Những gì bị cáo làm là bằng những công việc làm cụ thể và đã hy sinh rất nhiều. Bị cáo đã phải bỏ ra 300 tỷ đồng, thế chấp nhà cửa vay tiền để đi mua ôxy của nhiều nhà máy cứu cho nhiều người dân trong đại dịch. Nhờ đó, bị cáo được dân thương. Bị cáo có ước mơ sống có ích cho dân, cho nước, mong tòa cho bị cáo mức án được sớm về với gia đình", bà Hằng tha thiết nói.
Bị cáo Quân cho rằng việc phải có mặt trong vụ án và ra tòa là một trải nghiệm với nhiều cảm xúc trái ngược. Vì biết bà Hằng bản chất là người tốt nhưng bị cáo đã không ngăn chặn được những việc làm sai của bà nên tham gia livestream nhằm tiết chế những sai phạm đó. Bị cáo cho rằng các video có mình tham gia livestream không có mục đích xúc phạm người khác. "Bị cáo tin rằng những ai có nghe những video có bị cáo tham gia sẽ hiểu bị cáo không phạm tội", Quân nói. Các bị cáo còn lại xin lỗi những người có quyền nghĩa vụ liên quan vì đã vô tình xúc phạm họ. Họ xin tòa xem xét cho hưởng án treo về chăm sóc gia đình.
Nhóm phóng viên