![]() |
Ngày ngày ông Hiếu ngồi bên vợ, cô Lê Thị Mai, nhưng chẳng ai nói được với ai câu nào từ hơn ba năm nay. |
Đó là phiên tòa mà những người thân của hai cô giáo ở Trường THCS Long Định, huyện Châu Thành, Tiền Giang đã quắt quay chờ đợi gần ba năm trời: phiên tòa xét xử vụ tai nạn giao thông gần ngã ba Trung Lương làm cô Trần Thị Mai chết tại chỗ và cô Lê Thị Mai chỉ còn sống... 10%.
Phiên tòa kết thúc, mọi người ra về lòng tràn đầy hy vọng, chờ đợi, nhưng...
Sáu tháng sau phiên tòa ấy, nhân ngày 20/11 tôi và ông Tạ Minh Tuấn (chồng cô Trần Thị Mai) đến thăm cô giáo Lê Thị Mai. Căn nhà nhỏ bên cạnh quốc lộ 1A vắng ngắt, ảm đạm. Ông Hiếu, chồng cô Mai, nằm trên ghế bố gác tay lên trán nhìn xa xăm.
Phía nhà sau, cô Mai nằm bất động trên giường chỉ với một mảnh vải to che thân. Cô nhìn khách với ánh mắt hoàn toàn vô hồn. Hơn hai năm rồi, từ sau tai nạn cô nằm một chỗ như vậy.
Ông Hiếu cho biết cô Mai bị chấn thương sọ não nằm viện hết 327 ngày, sau đó xuất viện với tỷ lệ thương tật trên 90%. Sau ngày cô Mai bị tai nạn khoảng một tháng, con rể của cô (chồng cô con gái đầu lòng Thùy Dương) cũng bị tai nạn giao thông qua đời.
Rồi một năm sau đó chính ông Hiếu lại bị xe tông gãy chân. Tới giờ này trong ống chân phải của ông vẫn còn thanh nẹp inox. Cũng giống như người vợ, ông Hiếu sống chẳng ra sống mà chết chẳng ra chết...
Hỏi về tiền chu cấp của chủ xe theo phán quyết của tòa, ông Hiếu buồn bã đáp: “Từ ngày tòa xử xong tới nay chẳng có ai đưa đồng nào đâu. Hai thằng con trai phải đi làm mướn ở thành phố nuôi mẹ nó...”.
Ông Tạ Minh Tuấn tỏ vẻ bực tức: “Tai nạn làm vợ tôi chết, còn gia đình cô Lê Thị Mai kiệt quệ như vậy mà kêu mãi gần ba năm trời mới xử, mà xử xong rồi chẳng ai đoái hoài gì tới chuyện thi hành án cả”.
Sau phiên tòa hôm ấy, mọi người đinh ninh rằng hai gia đình kém may mắn dẫu sao cũng được một chút an ủi, sẽ nhận những khoản bồi thường... Thế nhưng nửa năm trôi qua, chủ xe bặt tăm, còn cơ quan thi hành án thì “vô tư” trả lời: “không tìm được chủ xe!”.
Chị Thùy Dương cho biết mấy năm nay cô Mai nằm một chỗ với cuộc sống thực vật song vẫn phải ăn uống chế độ dinh dưỡng, thuốc men khoảng 100.000 đồng/ngày. Gia đình thật sự khánh kiệt...
Chị Thùy Dương kể: “Sau khi mẹ tôi bị tai nạn, một tháng sau ông Phương chủ xe mới tới thăm và gửi tiền thuốc men 13 triệu đồng. Tài xế cũng gửi 2,5 triệu đồng rồi thôi! Khoản cấp dưỡng hằng tháng cũng chẳng thấy đâu cả”.
Ông Tạ Minh Tuấn cũng chưa hề nhận được khoản bồi thường nào. Đến ngày 17/8 cơ quan thi hành án mới ra quyết định thi hành án đối với chủ xe Phạm Viết Phương.
Do ông Phương sống ở quận 1, TP HCM nên cơ quan này tiếp tục ra quyết định ủy thác thi hành án cho thi hành án dân sự quận 1 vào ngày 5-9. Những tưởng thủ tục tới đó thì không còn gút mắc nào nữa, hai gia đình lại kiên nhẫn chờ...
Hành trình đi tìm chủ xe
“Gần đúng ba tháng sau khi tòa xử, thấy không có ai trả lời, tôi đến Cơ quan thi hành án tỉnh Tiền Giang để hỏi. Tới đây mới biết bản án của TAND tỉnh chuyển qua không có đóng dấu “Án có hiệu lực pháp luật” nên không thể xử lý được. Thế là tôi phải cầm bản án trở qua tòa án “xin” được đóng con dấu khắc sẵn có hàng chữ trên rồi đem trở qua cơ quan thi hành án nộp” - ông Tuấn kể. |
Trớ trêu thay, sự chờ đợi ấy bỗng chốc trở thành vô nghĩa khi nhận được biên bản xác minh ngày 10/10 của Cơ quan thi hành án dân sự quận 1 (TP HCM) với nội dung: “Đương sự Phạm Viết Phương thường trú tại 128 Bến Chương Dương, phường Cầu Ông Lãnh đang thụ hình phạt tù giam (bị Công an quận 4 bắt từ tháng 5).
Căn nhà 128 Bến Chương Dương bị giải tỏa, địa phương đã xóa hộ khẩu của đương sự. Không phát hiện tài sản gì của đương sự tại địa chỉ trên”.
Lần giở lại hồ sơ, ông Tuấn thấy choáng váng vì không thể giải thích được tại sao trong nội dung biên bản xác minh trước đó, ngày 29/7, của Cơ quan thi hành án quận 1 người ta lại ghi khác: “Phạm Viết Phương, năm 1999 cháy nhà đi đâu không khai báo với địa phương”.
Đáng nói là cả hai bản xác minh đều có chữ ký của phó chủ tịch phường Cầu Ông Lãnh, Đặng Tấn Tài. Đứng trước những chuyện khó hiểu như vậy, ông Tuấn quyết định tự biến mình trở thành “nhân viên của cơ quan thi hành án” đi khắp nơi dò hỏi hành tung chủ xe Phạm Viết Phương.
Ông Tuấn khăn gói ra tận Hà Nội. Và cuối cùng ông cũng đến được nơi mình cần tìm: Phạm Viết Phương đang “sống vui, sống khỏe” trong căn nhà ba tầng trị giá xấp xỉ 2 tỷ đồng tại số 12 Chợ Gạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Trưởng Công an phường Hàng Buồm xác nhận hiện Phạm Viết Phương tạm trú tại số 12 Chợ Gạo, đúng như ông Tuấn đã báo.
Ngày 3/11 Cơ quan thi hành án dân sự quận 1 đã ra quyết định ủy thác thi hành án (vụ án của gia đình hai cô giáo Mai) cho Cơ quan thi hành án dân sự quận Hoàn Kiếm. Một lần nữa vụ việc đã được chuyển ra tận thủ đô Hà Nội và chẳng biết đến bao giờ mới kết thúc...
Một cô giáo đã nằm yên dưới mộ sâu và một cô giáo vẫn nằm đó nhưng không còn biết đến học trò, bảng đen phấn trắng, và cũng không biết đến bản án, đến việc thi hành án đầy sự thờ ơ, trớ trêu như thế! Nhưng những người thân của hai cô thì biết và hứng chịu nỗi đau...
(Theo Tuổi Trẻ)