1. Đồ ăn vặt không chứa gluten
Chuyên gia dinh dưỡng nhắc bạn không nên bị đánh lừa bởi nhãn dán "không gluten". Gluten thường có trong lúa mì, lúa mạch, không tiêu thụ gluten giúp những người dị ứng với chất này cải thiện các bệnh lý như celiac, nhạy cảm với gluten...
Đối với mục đích giảm cân, đồ ăn vặt không chứa gluten sẽ được thay thế bằng các nguyên liệu khác như bột gạo, bột năng, bột yến mạch, bột hạnh nhân... và vẫn chứa một lượng dầu mỡ, phụ gia trong quá trình chế biến. Theo chuyên gia, nếu không mắc các chứng bệnh liên quan đến gluten, điều bạn cần lưu ý ở đây là lượng calo nạp vào cơ thể sau khi tiêu thụ những thực phẩm đó.
2. Thực phẩm không chiên
Hiện nay có nhiều loại bánh, bim bim hay rau củ cắt lát không chiên nhằm mục đích giảm bớt lượng dầu mỡ nạp vào cơ thể, tạo cảm giác lành mạnh hơn. Tuy nhiên, ngay cả khi loại bỏ được yếu tố không chiên, các món snack vẫn chứa nhiều gia vị, chất bảo quản, vì vậy cần tiêu thụ có chừng mực.
3. Nước ép
Nước ép là thức uống ngon miệng, tiện lợi nhưng không được khuyến khích dùng thay cho trái cây, rau củ tươi. Do khi ép, chất xơ từ trái cây gần như bị loại bỏ, các chất dinh dưỡng như vitamin C sẽ bị đẩy nhanh quá trình oxy hóa. Đối với một số loại quả ngọt khi hao hụt chất xơ càng làm chỉ số GI thêm cao, khi uống vào làm tăng đường huyết, khó kiểm soát cân nặng hơn. Chuyên gia khuyến khích nên uống nước ép trái cây ngay sau khi chế biến để hạn chế quá trình oxy hóa. Ngoài ra, nên chọn các loại quả ít ngọt, hạn chế thêm đường vào thức uống và uống với tần suất vừa phải, tránh uống sát giờ đi ngủ buổi tối.
Duk Sun (Theo ETToday)