Việc lựa chọn một số nguyên liệu có tác dụng bổ máu, bồi bổ cơ thể giúp chị em duy trì cơ thể khỏe mạnh và nhan sắc tươi đẹp. Thường xuyên ăn một số "thực phẩm tạo máu tự nhiên" có thể cải thiện làn da, sắc mặt tươi tắn, hồng hào, căng mịn.
Trong số các thực phẩm bổ máu, táo đỏ, đậu đỏ, kỷ tử, bào ngư và sườn cừu thường được gợi ý do chúng giống như ngân hàng tạo máu tự nhiên, có tác dụng bổ sung và tăng cường khí huyết lưu thông.
Trong Đông y, đậu đỏ có thể bổ sung khí huyết và nuôi dưỡng làn da nhờ đặc tính làm ấm. Ngoài ra, vitamin B1 trong đậu đỏ chủ yếu chịu trách nhiệm chuyển hóa năng lượng và loại bỏ mệt mỏi. Hơn nữa, đậu đỏ còn có hàm lượng sắt tương đối cao, cung cấp năng lượng và sản xuất máu cho cơ thể.
Chất sắt dồi dào trong táo đỏ có tác dụng bổ máu. Nó giúp nuôi dưỡng tim, làm dịu tâm trí, khiến làn da hồng hào hơn, tốt cho tâm trạng của phụ nữ thời kỳ mãn kinh.
Bào ngư hỗ trợ cải thiện lưu thông máu, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch và hỗ trợ chức năng tuyến giáp. Ngoài ra, nguồn chất sắt trong bào ngư giúp bổ máu, tham gia vào quá trình tạo máu, tạo nhân tế bào cho thai nhi, hỗ trợ thai nhi phát triển toàn diện.
Thịt cừu là một trong những nguồn cung cấp chất sắt tốt nhất. Nó không chỉ chứa heme-iron - một dạng sắt có giá trị sinh học cao - mà còn cải thiện sự hấp thụ của sắt non-heme - dạng sắt được tìm thấy trong thực vật. Ăn thịt cừu thường xuyên giúp cải thiện sự hấp thu sắt, có lợi cho việc hấp thu chế độ dinh dưỡng, phòng ngừa thiếu máu.
Duy trì tiêu thụ ba món cháo, canh dưới đây hai lần một tuần không chỉ giúp cung cấp dinh dưỡng cho cơ thể mà còn thúc đẩy lưu lượng máu.
1. Cháo ngũ sắc

Nguyên liệu: 50 g đậu đỏ, 8 quả táo đỏ, 50 g gạo lứt đỏ, một nhúm kỷ tử, đường nâu.
Các bước thực hiện:
- Đậu đỏ và gạo lứt đỏ có thể ngâm trước hai giờ để nhanh chín hơn. Rửa sạch táo tàu và bỏ lõi. Rửa nhẹ quả kỷ tử bằng nước sạch.
- Luộc đậu đỏ: Cho lượng nước vừa đủ vào nồi, thêm đậu đỏ, đun ở lửa vừa trong khoảng 30 phút cho đến khi đậu mềm. Có thể dùng nồi áp suất để nấu đậu đỏ nhanh hơn.
- Nấu gạo đỏ: Gạo đỏ cũng cần phải nấu trong một khoảng thời gian, có thể cho vào nồi cùng đậu đỏ. Thêm một lượng nước thích hợp và giữ lửa ở mức trung bình. Nấu cho đến khi gạo mềm và hòa quyện với súp đậu đỏ.
- Thêm táo đỏ: Khi đậu đỏ và gạo lứt bắt đầu mềm, thêm táo đỏ vào và tiếp tục đun sôi. Khi táo được nấu chín mềm, chúng sẽ tiết ra vị ngọt, làm tăng thêm hương vị và dinh dưỡng cho cháo.
- Thêm kỷ tử: Thêm kỷ tử vào khi cháo gần chín. Không nên nấu kỷ tử quá lâu để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng.
- Nêm gia vị: Sau khi nấu xong, bạn có thể thêm đường nâu vừa phải theo khẩu vị để tăng vị ngọt và tác dụng bổ dưỡng cho cháo. Lượng đường có thể được điều chỉnh theo sở thích ngọt của mỗi người.
- Cuối cùng, khuấy đều để đảm bảo hương vị của tất cả các nguyên liệu được hòa quyện hoàn toàn. Cháo ngũ sắc nấu chín có nước dùng màu đỏ, vị ngọt thanh, thơm ngon.
2. Canh gà bào ngư

Nguyên liệu: 4-6 con bào ngư, một con gà khoảng một kg, kỷ tử (tùy chọn), 3-4 lát gừng, rượu nấu ăn, nước, muối hạt tiêu trắng.
Các bước thực hiện:
- Chuẩn bị nguyên liệu: rửa sạch bào ngư, bỏ vỏ bào ngư, nhẹ nhàng cạo sạch nội tạng, thái lát mỏng; thịt gà rửa sạch, bỏ lông và nội tạng, thái miếng vừa ăn để hầm, gừng thái lát.
- Cho miếng gà vào nước sôi và chần để loại bỏ máu. Sau khi chần, vớt ra khỏi nước, rửa sạch bằng nước lạnh và để ráo.
- Cho lượng nước vừa đủ vào nồi hầm, cho thịt gà đã chần vào nồi, sau đó cho thêm lát gừng và lượng rượu nấu ăn vừa đủ để khử mùi tanh.
- Đặt nồi lên bếp và đun ở mức lửa vừa nhỏ. Thời gian hầm khoảng một giờ.
- Sau khi hầm gà, cho bào ngư và kỷ tử đã rửa sạch thái lát vào, tiếp tục hầm ở lửa nhỏ trong 30-40 phút. Bào ngư không nên hầm quá lâu để tránh bị dai.
- Thêm lượng muối và hạt tiêu trắng vừa đủ theo khẩu vị. Khi nước sôi lại thì tắt bếp.
Đổ súp gà bào ngư đã hầm ra và thưởng thức sau khi súp nguội bớt. Sự kết hợp thơm ngon giữa bào ngư và thịt gà mang đến cho món súp hương vị đậm đà.
3. Súp sườn cừu táo

Nguyên liệu: 500 g sườn cừu, hai quả táo (nên dùng táo chua ngọt, như táo xanh), ba lát gừng, một cây hành lá, kỷ tử (tùy chọn), muối, hạt tiêu trắng, rượu nấu ăn, nước.
Các bước thực hiện:
- Sườn cừu rửa sạch, chặt miếng. Táo gọt vỏ, bỏ lõi, cắt miếng nhỏ. Gừng thái lát, hành lá cắt khúc. Ngâm quả kỷ tử vào nước sạch trước rồi để riêng.
- Chần sườn cừu trong nước sôi để loại bỏ máu. Sau khi chần, vớt ra khỏi nước, rửa sạch bằng nước lạnh và để ráo.
- Đổ nước sạch vào nồi hầm, cho sườn cừu đã chần qua, gừng thái lát và hành lá vào. Thêm một lượng rượu nấu ăn thích hợp để giúp khử mùi tanh. Đun ở mức lửa vừa cho đến khi thịt cừu mềm, thường mất khoảng một giờ.
- Sau khi hầm sườn, thêm táo đã cắt nhỏ vào. Vị chua ngọt của táo có thể giúp khử mùi tanh và tăng thêm hương vị cho món canh.
- Tiếp tục ninh súp ở lửa nhỏ trong 30-40 phút để hương vị của táo và thịt cừu hòa quyện hoàn toàn.
- 10 phút trước khi súp chín, thêm kỷ tử đã ngâm vào để tăng giá trị dinh dưỡng của súp. Thêm lượng muối và hạt tiêu trắng vừa đủ theo khẩu vị cá nhân. Khi nước sôi lại thì tắt bếp.
Múc súp sườn cừu hầm táo ra đĩa và thưởng thức sau khi đã nguội bớt. Vị chua ngọt của táo và vị tươi của thịt cừu bổ sung cho nhau, tạo nên món súp giàu hương vị và dinh dưỡng.
Hướng Dương (Theo Aboluowang)