Nhị (áo sọc) trong ngày đầy tháng con mình |
>> Phần 1
Sau đây là câu chuyện đầy uẩn khúc về cuộc đời của nhân vật mà anh Lê Cao Tâm đã tìm ra tận gốc gác và kể lại:
Tôi nhận được e-mail của một người cho biết có một vị linh mục tên là Trần Hụt, 82 tuổi, tại Đà Nẵng biết rõ trường hợp này, nhưng khi liên lạc lại thì không có hồi âm. Do vậy, tôi đã tìm đến sơ (soeur) trưởng cộng đoàn tu viện Thánh Tâm (số 47 Yên Bái, Đà Nẵng), gặp sơ Teresa Nguyễn Thị Thới, nhờ tra cứu tìm kiếm trong hồ sơ lưu trữ của cô nhi viện Thánh Tâm Sao Biển, xem thử có thông tin gì về Nhi hay không.
Qua hồ sơ, ngày 20/8/1972, cô nhi viện Thanh Tâm Sao Biển Đà Nẵng có nhận nuôi hai cháu bé một tên là Nguyễn Văn Nhị sinh năm 1966 và chị gái là Nguyễn Thị Hồng sinh 1963. Sơ nhớ lại hai chị em được mẹ ruột đưa vào cô nhi viện, sau đó khoảng năm 1974 mẹ ruột chết, các sơ nuôi dưỡng các cháu. Trong thời gian này Nhị bị bệnh đường ruột và được các bác sĩ Mỹ, Pháp phẫu thuật 3 lần.
Sau đó, các sơ có giới thiệu cho một người Mỹ nhận làm con nuôi, trong thời gian hoàn tất thủ tục hồ sơ nhận con nuôi thì đất nước được giải phóng nên cháu bé mắc kẹt tại Việt Nam. Chị gái Nhị là Nguyễn Thị Hồng đã có chồng, 4 con trai, hiện đang sống tại Hòa Sơn, Hòa Vang, Đà Nẵng. Sau khi liên lạc qua điện thoại, tôi đã gặp chị Hồng.
Theo lời kể của chị Nguyễn Thị Hồng, trước đây ba của chị là một du kích ở huyện Tiên Phước, Quảng Nam. Khoảng năm 1972 chị bị bệnh, mẹ đưa chị ra Bệnh viện Tam Kỳ chữa và ở lại chăm sóc, ở nhà ba chị hy sinh trong một trận càn bỏ lại vợ cùng hai đứa con còn thơ dại. Đau khổ vì mất chồng lại không có khả năng nuôi dưỡng con, mẹ đưa chị Hồng cùng em Nhị vào tá túc ở cô nhi viện Thánh Tâm Sao Biển ở Đà Nẵng và bà cũng ở lại phục vụ tại cô nhi viện.
Đến năm 1974, hai năm sau ngày ba mất thì mẹ chị cũng qua đời để lại hai đứa trẻ bơ vơ không người thân thích. Các sơ trong cô nhi viện thương yêu đùm bọc hai chị em và hứa sẽ tìm cho hai chị em một gia đình mới.
Chính trong thời gian mẹ mất, Nguyễn Văn Nhị bị bệnh đường ruột phải phẫu thuật làm hậu môn giả, chị Hồng tâm sự: Vừa mất mẹ, còn đứa em là người thân duy nhất, thấy em đang bị bệnh hiểm nghèo chị thương em vô cùng. Chị còn nhớ mãi hình ảnh em mình lúc vừa phẫu thuật xong, Nhị khát nước đến môi khô nứt nẻ nhưng bác sĩ bảo không được cho uống nước, chị phải lấy khăn thấm nước cho ướt rồi để vào môi em cho đỡ khát.
Về "bà mẹ Mỹ" (từ chị Hồng dùng), trước đây bà đã nhận nuôi một trẻ mồ côi tại cô nhi viện này nên các sơ có liên lạc với bà với mong muốn tìm được cho hai đứa trẻ vừa mất mẹ một gia đình tử tế. Và, bà mẹ Mỹ đã nhận lời nuôi dưỡng bé Nguyễn Văn Nhị. Trong lúc chờ đợi làm hồ sơ đưa Nhị sang Mỹ, mẹ Mỹ thường gửi tiền và quà cho hai chị em (Hồng, Nhị). Mỗi khi nhận được quà, hai đứa trẻ rất vui mừng sung sướng và Nhị thường bảo với chị rằng "chị ơi chị viết thư cảm ơn mẹ Mỹ đi".
Nhị vui sướng khi nhận được quà của "mẹ Mỹ". |
Bức hình đen trắng được đăng trên báo chính là một trong những bức hình chụp khoảnh khắc vui mừng khi hai chị em nhận được quà từ người mẹ nuôi ở cách xa nửa vòng trái đất. Trong khi hồ sơ nhận con nuôi của bà mẹ Mỹ chưa hoàn tất thì miền Nam được giải phóng, bé Nguyễn Văn Nhị mất liên lạc hoàn toàn với mẹ nuôi.
Đến năm 1976, có một gia đình ở Đồng Nai nhận nuôi cả hai chị em. Gia đình này có một bà mẹ và một đứa con, họ nhận Hồng và Nhị về và hai chị em làm lụng vất vả trong điều kiện thiếu thốn và thường bị đánh đập. Chịu đựng được hai năm, một hôm Hồng nói với em: "Em ở lại chờ, chị tìm cách về cô nhi viện, khi nào có tiền chị sẽ vào đón em".
Nhờ hàng xóm giúp đỡ, Hồng cũng tìm về được đến cô nhi viện, sống ở đó một thời gian, Hồng đủ khôn lớn và trở lại Đồng Nai thì gia đình nọ đã dọn đi nơi khác. Qua thông tin của những người hàng xóm, chị Hồng biết được sau khi mình ra đi một thời gian, không chịu nổi sự ngược đãi và vì nhớ chị nên Nhị đã bỏ nhà đi đâu mất, không ai biết tung tích của em. Tuyệt vọng, lo lắng và nhớ thương em nhưng không biết tìm Nhị ở đâu nên Hồng đành ra về. Sống và phục vụ ở cô nhi viện một thời gian sau, Hồng có gia đình và an cư tại thôn An Ngãi Tây III, xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng, nhưng vẫn canh cánh bên lòng việc đứa em bị thất lạc.
Năm 2000, năm mà miền Trung gánh chịu tai ương sau trận bão lụt nặng nề năm 1999, bất ngờ Nhị tìm về Đà Nẵng, đến thăm cô nhi viện mà trước đây đã từng cưu mang hai chị em, được các sơ cho địa chỉ nhà chị Hồng. Hai chị em gặp nhau vui mừng không nói nên lời. Nhị bảo: "Nghe báo đài nói miền Trung bão lụt nặng nề, Nhị lo lắng nên tìm về thăm chị". Thời gian này Nguyễn Văn Nhị làm nghề vá xe honda trên lề đường, đã có vợ làm thợ may trong xí nghiệp và một con gái vừa tròn 1 tuổi (Nhị có đưa cả vợ con về thăm quê), vợ chồng đang ở nhà thuê tại quận Bình Thạnh, TP HCM.
Nhị ở nhà chị Hồng chơi khoảng 10 ngày thì đưa vợ con về Sài Gòn, sau đó Nhị quay trở lại nhà chị mình. Nhị nói với chị Hồng rằng, làm vá xe bên lề đường cực khổ quá, dăm bữa nửa tháng lại bị rượt đuổi. Nhị nói đang cần một số vốn để đi buôn bán. Chị Hồng gia cảnh khó khăn, con đông phải lo ăn từng bữa. Không có tiền nhưng lại thương em cơ cực nơi đất khách quê người, chị đi vay nóng được hai chỉ vàng với lãi suất rất cao để đưa cho Nhị đi buôn. Rồi chị lấy giấy tờ nhà đất cầm cho ngân hàng xin vay tiền để trả nợ, sau đó chị sẽ trả dần cho ngân hàng. Chị thật tình: "Tôi rất thương em, muốn bù đắp những tháng ngày nghèo khổ thiếu thốn cả tình thương lẫn tiền bạc cho em nhưng tôi cũng nghèo chỉ có thể giúp được đến đó".
Từ ngày cầm hai chỉ vàng ra đi đến nay không thấy Nhị trở lại, không một dòng tin tức nào gửi về cho chị. Chị Hồng ngày đêm mong nhớ và lo lắng. Chị lại mất em lần thứ hai. Thứ duy nhất còn lại của em chị chính là hai tấm hình Nhị chụp cùng vợ, con và bạn bè trong ngày đầy tháng con mình. Khi biết chúng tôi đi tìm Nhị theo nguyện vọng của bà mẹ Mỹ, chị thật lòng: "Em tôi bây giờ không biết sống chết ra sao, tôi rất lo lắng. Tôi rất xúc động trước tình cảm của người mẹ Mỹ, bao nhiêu năm qua bà vẫn còn nhớ đến em tôi. Tôi rất biết ơn bà vì bà đã dành cho chị em tôi một tình cảm khá đặc biệt, các anh thấy đấy, từ nhỏ chị em tôi đã khổ cực và thiếu thốn tình cảm gia đình. Tình cảm của người mẹ Mỹ lúc đó đã sưởi ấm được tâm hồn côi cút của chúng tôi".
Gia đình chị Nguyễn Thị Hồng hiện nay cuộc sống đầy đủ hơn xưa. Chị có chồng tên Nguyễn Văn Thọ (1963), có 4 người con đều học hành đàng hoàng gồm: Nguyễn Văn Yên, Nguyễn Thanh Châu, Nguyễn Thanh Tuấn, Nguyễn Thanh Đông. Riêng con trai cả (Nguyễn Văn Đông) sau khi tốt nghiệp đại học tin học đã đi tu tại chủng viện.
Từ thông tin trên cho thấy, Nguyễn Văn Nhị gần như chắc chắn là đứa con nuôi của bà mẹ Mỹ. Nói gần như chắc chắn là vì chỉ có thể nói hoàn toàn chắc chắn khi tìm gặp được Nguyễn Văn Nhị để biết chi tiết cuối cùng, đó là vết mổ.
Biết tin này chắc Trương Minh Dũng cũng vui, vì rốt cục, một người có hoàn cảnh éo le như mình đã tìm được gốc gác quê hương và một bà mẹ nuôi ở xa nửa vòng trái đất.
Như vậy, Nhị và gia đình anh vẫn đang ở đâu đó tại Sài Gòn. Qua những thông tin trên đây, anh hoặc ai biết tin anh ở đâu, có thể liên hệ với báo chí để thông báo.
(Còn nữa)
(Theo Thanh Niên)