Angels Yeung là giám đốc điều hành của một công ty riêng về tổ chức sự kiện, sản xuất video và tư vấn tiếp thị tại Singapore. Năm 2000, cô đến bệnh viện KK khám và phát hiện ra dị tật hiếm gặp là tử cung đôi. Điều đó có nghĩa là tồn tại một "bức tường dày" chia tử cung của cô thành hai phần và như vậy Yeung cũng có hai cổ tử cung. Bác sĩ thông báo, trường hợp của cô chiếm tỉ lệ 1/10.000 phụ nữ ở Singapore.
Sự thật này không chỉ khiến bản thân Yeung bị sốc mà cô cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn khi kết hôn và sinh con. Hiện tại, khi đã làm mẹ của một bé trai kháu khỉnh, đáng yêu, Yeung chia sẻ lại câu chuyện với Theasianparent.
Cú sốc ban đầu
"Lúc tôi chỉ mới 17 tuổi, trung thực mà nói, tôi cảm thấy như thể đó là ngày tận thế. Tôi thấy mình thật bất hạnh khi là một trường hợp hiếm có như vậy.
Lúc đầu, tôi nghĩ 'bức tường dày' có thể được loại bỏ bằng phẫu thuật. Tuy nhiên, các bác sĩ nói với tôi rằng, phương pháp này không giúp ích được gì. Họ cũng phát hiện ra rằng, tử cung bên trái của tôi tốt hơn.
Tôi rất sợ mình sẽ không bao giờ có con vì tôi rất yêu trẻ nhỏ. Tôi cũng cảm thấy xấu hổ về điều này và không dám nói với bất kỳ ai. Thậm chí, nó còn khiến tôi không muốn hẹn hò và chẳng dám nghĩ đến chuyện kết hôn.
Nhưng khi năm tháng trôi qua, tôi đã công khai và chấp nhận sự thật về những gì tôi có cũng như tôi là ai".
Lập kế hoạch sinh con
"Tôi đã kết hôn vào năm 2013. Tôi muốn có con ngay vì cả hai vợ chồng tôi đều yêu trẻ. Với đặc điểm của mình, tôi từng cho rằng mình có nhiều cơ hội mang song thai (Tôi đã tìm hiểu trên mạng và biết đến các trường hợp như vậy). Tuy nhiên, bác sĩ nói với tôi là, thường các cặp song sinh sẽ không sống sót được vì không gian bên trong ngày càng hạn chế và nguy cơ sảy thai cao. Thực tế, tôi còn khó có thể thụ thai do mang hai cổ tử cung.
Tôi đã thử tất cả các cách để có thai, ví dụ, theo dõi nhiệt độ cơ thể để chọn đúng thời điểm rụng trứng lý tưởng, nhưng không thành công. Vì vậy, tôi đã đến bệnh viện kiểm tra chi tiết một lần nữa và nhận ra vấn đề chính là trứng không phát triển. Các bác sĩ chỉ nói với tôi khi đó là tiếp tục cố gắng.
Gặp được chồng tôi, Anthony Fung, là điều tốt nhất mà tôi có. Anh đã luôn hỗ trợ tôi trong mọi việc. Anh còn khuyên tôi không nên quá căng thẳng về việc phải có con vì mọi chuyện sẽ đến một cách tự nhiên. Chồng dạy cho tôi biết đặt niềm tin vào số phận.
Cuối cùng, sau rất nhiều cố gắng, chúng tôi đã đón nhận niềm vui lớn khi tôi có bầu vào cuối năm 2015".
Mang thai và sinh nở
"Một điều đáng ngạc nhiên là việc mang thai của tôi rất thuận lợi lúc đầu. Tôi gần như không bị ốm nghén hay mệt mỏi gì cả. Sau đó, tôi bị tiểu đường thai kỳ và phải làm các xét nghiệm hàng ngày (7 lần chọc kim một ngày) để giám sát bệnh.
Khoảng 3 tháng cuối thai kỳ, tôi cảm thấy áp lực nặng nề trong âm đạo của mình. Tôi phải đi vệ sinh cứ mỗi 15 phút. Ngoài ra, tôi bị phù và nổi mụn nghiêm trọng do biến đổi hormone.
Đến thời điểm sinh, tôi chọn cách đẻ thường nhưng cuối cùng lại phải đi mổ cấp cứu. 21 giờ chống chọi với cơn đau đẻ, tôi phải tiêm màng cứng 2 lần. Con tôi, Anson Fung, đã chào đời vào ngày 12/9/2016".
Lời khuyên dành cho mẹ bầu bước qua một thai kỳ khó khăn
"- Hãy suy nghĩ tích cực! Bởi có con là một phước lành.
- Suy nghĩ tiêu cực quá nhiều sẽ gây ra trầm cảm trước hoặc sau khi sinh.
- Các bà mẹ tương lai nên ăn mừng bởi mình có cơ hội đem đến một mầm sống mới cho thế giới này. Vì thế, hãy 'thưởng thức' từng giai đoạn thai kỳ với sự phát triển mỗi ngày của em bé.
- Chia sẻ niềm vui chờ đón con yêu cùng các thành viên trong gia đình và bạn bè. Đi mua sắm đồ dùng cho con cũng giúp bạn có tinh thần tốt".