Năm 1988, cô Zou Hongyan bị các biến chứng thai sản khiến con trai trong bụng cô bị thiếu oxy, dẫn đến bại não. Các bác sĩ ở Trung Quốc khuyên cô nên bỏ thai vì cậu bé sau này sẽ bị chậm phát triển hoặc khuyết tật về mặt tinh thần. Ngay cả chồng của Zou cũng suy nghĩ như vậy và nói với cô rằng: "Chúng ta sẽ không có đứa con này. Đó sẽ là gánh nặng cho cuộc sống của chúng ta". Tuy nhiên, Zou Hongyan đã không chấp nhận, ngay cả khi phải trả giá bằng một cuộc hôn nhân. Vợ chồng Zou ly hôn không lâu sau đó.
Chia sẻ với Straits Times, người mẹ mạnh mẽ đã phải nhận làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống, bao gồm cả việc toàn thời gian tại một trường học và bán thời gian trong vai trò của một huấn luyện viên, nhân viên bán bảo hiểm. Zou biết rằng cô phải tiếp tục hỗ trợ gia đình và kiếm tiền chữa bệnh cho Ding Ding - con trai cô.
Dù bận rộn, Zou luôn sắp xếp thời gian để đưa Ding đến các buổi phục hồi chức năng. Khi ở nhà, Zou lại tự xoa bóp cho con để các bắp cơ không bị cứng và chơi câu đố, các trò chơi mang tính giáo dục với con.
Lớn hơn một chút, cậu bé Ding cho thấy sự thiếu hụt khả năng phối hợp bàn tay và không thể dùng đũa, Zou lại luyện tập cho con các kỹ năng này. Một vài người đã gọi cô là "mẹ cọp" nhưng Zou làm tất cả để đảm bảo rằng con trai không cảm thấy mình khuyết tật trong bất cứ cách nào.
"Tôi không muốn con xấu hổ vì khuyết tật thể chất của mình. Bởi vì con yếu kỹ năng hơn những người khác ở nhiều lĩnh vực, kỳ vọng của tôi ở con cao hơn, để khiến con phải làm việc chăm chỉ hơn", Zou lý giải về sự nghiêm khắc của mình với con.
Cậu bé bại não, người từng bị nói là vô dụng, cuối cùng đã tốt nghiệp với tấm bằng về khoa học môi trường của trường kỹ thuật thuộc Đại học Bắc Kinh. Sau đó, Ding theo học chương trình thạc sĩ tại trường luật quốc tế. Và mới đây, tất cả những năm tháng làm việc chăm chỉ của hai mẹ con đã được đền đáp xứng đáng. Ding Ding vừa được nhận vào Đại học Harvard danh giá ở Mỹ.
Nói về người mẹ của mình, Ding Ding gọi mẹ là "người cố vấn tinh thần". Ding nói với Straits Times rằng: "Tôi chưa bao giờ dám ước mơ nộp đơn vào Havard. Đó là mẹ tôi, người không bao giờ ngừng khuyến khích tôi thử nghiệm. Bất cứ khi nào tôi nghi ngờ điều gì ở bản thân, bà sẽ hướng tôi về phía trước".
Ding Ding hy vọng có thể thể hiện được lòng biết ơn của mình đối với mẹ bằng tất cả những gì bà từng kỳ vọng ở anh. "Ở tuổi 29, tôi vẫn còn phụ thuộc vào mẹ. Tôi mong sẽ sớm thành công và tự lực, để mẹ có thể có một cuộc sống tốt hơn", Ding nói.
Bại não (Cerebral palsy) là một chứng rối loạn ảnh hưởng đến các kỹ năng của cơ, khả năng chuyển động và vận động. Bệnh này thường do tổn thương não xảy ra trước hoặc trong khi sinh con, hoặc trong vòng 3-5 năm đầu đời của trẻ. Tổn thương não bộ này cũng có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác, bao gồm về thị giác, thính giác và lời nói, khuyết tật học tập, loãng xương, các vấn đề về hành vi.
Không có cách chữa bại não, nhưng với điều trị, trị liệu, thiết bị đặc biệt, chế độ ăn uống và, trong một số trường hợp, phẫu thuật, trẻ em có thể đối phó tốt hơn với tình trạng này.
Nguyên nhân chính xác của bại não chưa được biết rõ. Một số nguyên nhân có thể và các yếu tố nguy cơ cao từng được đề cập là:
- Xuất huyết não khi thai nhi đang ở trong bụng mẹ, trong khi sinh hoặc sau đó
- Thiếu máu đến các cơ quan quan trọng
- Co giật lúc sinh hoặc trong tháng đầu đời
- Di truyền
- Chấn thương sọ não (ví dụ, trẻ sơ sinh bị rung, lắc dữ dội, bị tai nạn...)
- Một số bệnh nhiễm trùng và virus tấn công thai phụ cũng làm tăng nguy cơ sinh con bại não. Chúng bao gồm Rubella, thủy đậu, giang mai và Zika.
- Một số bệnh nhiễm trùng ở trẻ sơ sinh cũng có thể làm tăng nguy cơ bại não, như viêm màng não do vi khuẩn, viêm não do virus và vàng da nặng.
- Một số vấn đề xảy ra trong quá trình sinh con cũng có thể làm tăng nguy cơ bại não như trẻ sơ sinh nhẹ cân, sinh non, chuyển dạ và sinh nở phức tạp.