Bắt nạt học đường có thể tạo sự thương tổn vĩnh viễn tới những đứa trẻ, làm thay đổi cuộc sống của nhiều gia đình mà không có cách nào xoa dịu. Dưới đây là chia sẻ thực tế của người mẹ Mỹ tên Jacki James về những điều con trai cô - Peyton James đã phải chịu đựng suốt nhiều năm liền đi học.
Peyton James là một đứa trẻ tuyệt vời. Con có mái tóc đỏ, đôi mắt nâu pha lẫn xanh lục và có khiếu hài hước. Con yêu động vật, những chuyến đi, Minecraft, Lego và kem chocolate. Con là thiên thần của tôi và bây giờ con là thiên sứ trên thiên đường.
Con sinh năm 2001, sớm chín tuần so với dự kiến và chỉ nặng 1,14 kg. Con đã trải qua 35 ngày ở NICU (khoa chăm sóc tích cực sơ sinh) trước khi được về nhà. Ở trong bệnh viện, con đã trải qua ba tuần thở khí oxy và được nuôi qua một ống dẫn. Nhưng chính khí oxy và dinh dưỡng để nuôi con khi ấy đã làm đổi màu men răng của con vĩnh viễn, điều mà mọi người chỉ có thể thấy được sau vài năm.
Đến năm con học lớp hai, những trò trêu chọc bắt đầu diễn ra với con. Bạn bè hỏi con: "Tại sao bạn không đánh răng? Tại sao răng của bạn trông bẩn tới vậy? ". Răng của con có màu vàng lốm đốm, giống như màu bắp rang bơ dù chúng hoàn toàn khỏe mạnh. Con còn bị chú ý vì màu tóc, cặp kính và vóc dáng con nhỏ hơn các bạn bè đồng trang lứa. Con bị coi là yếu ớt và trở thành mục tiêu bị bắt nạt ở trường.
Khi Peyton lớn hơn, con thường tự hỏi tại sao mọi người lại ác ý với con như vậy. Con từng hỏi mẹ: "Mẹ ơi, tại sao mọi người không thể đối tốt với nhau?".
Nghe con hỏi, tôi thực sự không biết trả lời thế nào. Vì vậy, tôi cố gắng khuyến khích con làm một người tử tế. Tôi cũng nói với con tất cả những điều mà một bậc cha mẹ hay nói là con đặc biệt, thông minh và được yêu thương. Nhưng khi con trẻ lớn hơn, lời nói của cha mẹ bắt đầu bị phai mờ bởi lời nói của bạn bè cùng trang lứa.
Vào tháng 11 năm 2013, Peyton cố tự tử lần đầu tiên. Trong nhiều năm, con bị hành hạ bởi một số nam sinh cùng trường. Peyton bắt đầu nói cuộc sống của bố bé và tôi sẽ tốt hơn nếu không có con và con không muốn ở đây thêm nữa. Lúc đầu, chúng tôi nghĩ con chỉ phản ứng thái quá, nhưng khi con tiếp tục thốt lên những lời đó, tôi biết con đang gặp vấn đề, vì vậy tôi đã đưa con đến phòng cấp cứu địa phương. Đáng buồn thay, phòng cấp cứu không thực sự giải quyết các vấn đề sức khỏe tâm thần và chúng tôi đã được giới thiệu đến một nhà trị liệu. Con được trị liệu hàng tuần và có vẻ cảm thấy tốt hơn, nhưng chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.
Vào mùa hè năm 2014, tôi nhận được công việc giảng dạy ở một trường tốt hơn, nhưng điều này có nghĩa là Peyton sẽ phải chuyển trường. Tôi đã giúp con thấy đây là một khởi đầu mới và những kẻ bắt nạt ở trường chỉ còn là quá khứ; con đã hồi hộp nhưng rất vui mừng. Khi học lớp 8 tại trường mới, con gặp một cậu bé có chung sở thích và cả hai trở thành bạn. Tuy nhiên, con vẫn bị trêu chọc và bắt nạt tại ngôi trường mới. Peyton là mục tiêu bị nhắm đến bởi con không thích những gì mà những đứa trẻ khác thích. Con không chơi thể thao; con yêu thích Dr. Who, YouTube và phim hoạt hình, thích đọc sách hơn là chơi bên ngoài. Con bị gọi là "kẻ thất bại" hay "kẻ lập dị". Con bị hủy hoại. Điều khác biệt là con đã ngừng nói với tôi về việc bị bắt nạt.
Hồi học được ở trường mới được một tháng, Peyton đã kể với tôi về những gì đang diễn ra. Con đã báo một sự việc với hiệu trưởng và chỉ được khuyên con cần tránh xa cậu bé kia. Tôi hỏi Peyton tại sao con không nói với tôi chuyện đang xảy ra và con nói: "Mẹ ơi, mẹ không thể giải quyết được việc này".
Sau khi chúng tôi về nhà, Peyton đi vào phòng riêng - một thói quen điển hình của những cậu bé tuổi teen. Tôi nghĩ con cần được ở một mình một lúc. Sau khoảng 20 phút, tôi đến kiểm tra con. Con đã treo cổ tự tử dưới chiếc quạt trần. Con không hề đưa ra tín hiệu cảnh báo nào và không có thư từ bên cạnh.
Sau đó, tôi gọi như điên đến 911 và sau 25 phút hô hấp nhân tạo bởi nhân viên y tế, Peyton được đưa đến bệnh viện địa phương và được đưa bằng trực thăng đến bệnh viện Nhi đồng Dell ở Austin, Texas. Các bác sĩ đã làm mọi cách để con ổn định sức khỏe nhưng chấn thương ở não của con quá nghiêm trọng. Vào ngày 13 tháng 10 năm 2014 lúc 0h 2 phút, bác sĩ thông báo Peyton đã chết não. Vào 20h30 hôm đó, con đã trao tặng món quà cuối cùng của mình tới thế giới là hiến tặng nội tạng, giác mạc và da của mình. Con đã cứu mạng sống của sáu người và giúp đỡ cuộc sống của vô số người khác.
Sau cái chết của con, tôi như tê liệt. Tôi không nhớ được nhiều trong vài tuần kế tiếp, nhưng tôi nhớ cuộc trò chuyện với mẹ của một trong những người bạn thân với Peyton - Phoebe. Cô ấy nói với tôi Phoebe đã khóc ở trường và cậu bé đã hành hạ Peyton trong suốt những năm đó cũng nhìn thấy. Kẻ bắt nạt nói với Phoebe: "Tớ không ngạc nhiên. Thằng đó là một kẻ quái đản". Điều này giống như một cú tát vào ruột gan tôi. Tôi không thể hiểu tại sao một người lại chọn đối xử ác ý với người khác. Không có gì tốt đẹp có thể đến từ câu nói đó, vậy tại sao đứa trẻ đó lại nói thế?
Sau đó, tôi nhận ra, với tư cách là những nhà giáo dục, chúng ta đã khiến những đứa trẻ của mình bị hoang mang. Chúng ta đã nói với chúng về những kẻ bắt nạt và hành vi bắt nạt. Chúng ta đã cung cấp cho con những ý tưởng chi tiết về những gì những kẻ bắt nạt làm và yêu cầu con không trở thành kẻ đó. Tuy nhiên, điều chúng ta chưa làm là dạy con cách đối xử tốt với mọi người. Chúng ta mặc định con đã biết điều đó. Chúng ta hy vọng khi nói với con hãy "tử tế", nghĩa là con sẽ biết cách làm, nhưng thường thì con không biết.
Tôi biết tôi phải làm điều gì đó. Đó là lý do trang facebook Kindness Matters (Những vấn đề của sự tử tế) ra đời. Tôi bắt đầu chia sẻ những câu chuyện về lòng tốt và những lời nhắc nhở hãy tử tế với nhau, ngay cả khi điều đó không hề dễ dàng. Chúng tôi cũng bắt đầu "Thử thách tử tế hàng tuần" nhằm trao cho mọi người một nhiệm vụ tử tế phải thực hiện mỗi tuần. Ban đầu, chỉ có vài trăm người theo dõi trang facebook. Ngay sau đó, tôi được yêu cầu phát biểu tại cuộc biểu tình "Không có chỗ cho sự căm ghét" ở trường của tôi làm việc và tôi đã chia sẻ câu chuyện của Peyton. Sau đó, tôi bắt đầu diễn thuyết tại các trường học khác, chia sẻ câu chuyện của Peyton và đưa ra các hoạt động để bọn trẻ thấy sức mạnh thực sự của lời nói và lòng tốt. Đến nay, chúng tôi đã thuyết trình tại 38 trường học trên khắp Texas và trang Facebook của chúng tôi đã có 29.000 người quan tâm. Chúng tôi đã gửi áo thun và vòng tay Kindness Matters đến tất cả 50 tiểu bang và chín quốc gia.
Ngoài ra, vì Peyton muốn trở thành một bác sĩ thú y khi con lớn lên, chúng tôi đã lập quỹ học bổng mang tên con tại Trường Thú y Đại học Texas A&M. Chúng tôi hy vọng sẽ góp được 25.000 USD cho quỹ để Học bổng Tưởng niệm Peyton A. James và sẽ là nguồn bổ sung lâu dài cho Quỹ Texas A&M.
Tôi chân thành hy vọng chúng ta có thể thay đổi văn hóa xã hội, bỏ lại tất cả những tiêu cực phía sau. Tạo ra một nền văn hóa tử tế bắt đầu từ một cá nhân, vậy tại sao điều đó không bắt đầu từ tôi? Hay chính bạn?
Hằng Trần (Theo RD)