Nuôi con đến gần 2 tuổi, chị Phạm Lan Anh từng trải qua giai đoạn bị stress về "chuyện mũi dãi" của con, đặc biệt là khi thời tiết chuyển mùa, nóng - lạnh thất thường. Không ít lần "cắp" con đi khám gần chục bác sĩ, chị tự rút ra cho mình nhiều điều nhưng theo Lan Anh, điều quan trọng hơn cả khi con ốm là bố mẹ cần bình tĩnh. Bên cạnh đó, Lan Anh còn đúc rút được các kinh nghiệm như:
- Không chủ quan khi con có những triệu chứng khó chịu vì ở trẻ nhỏ diễn biến rất nhanh nhưng cũng không nên đưa con đi khám quá nhiều nơi. Bố mẹ nên tìm một bác sĩ thật sự uy tín, nếu gần nhà thì càng tốt để con theo khám và bác sĩ cũng hiểu rõ về cơ địa của con.
- Không lạm dụng hay tự ý dùng kháng sinh nhưng cũng không nên giãy nảy từ chối kháng sinh (đây là tình trạng của nhiều mẹ hiện nay). Những bệnh do virus không cần kháng sinh, chỉ cần thời gian nhưng cũng có viêm nhiễm hoặc để chống bội nhiễm thì bắt buộc phải kháng sinh, chỉ có bác sĩ giỏi mới biết cần làm gì với con bạn.
- Khi thay đổi thời tiết, con dễ bị mũi, nhất là nếu đã đi nhà trẻ thì rất khó tránh. Bố mẹ cần xịt sterimar hoặc humer cho con rồi hút sạch. Không cần thiết dùng máy hút tại nhà vì lực hút lớn, bố mẹ không biết điều chỉnh độ nông, sâu của dây hút... dễ gây ảnh hưởng niêm mạc mũi của con. Mũi sạch thì sẽ không lên tai, không xuống họng.
- Thời tiết thất thường như ở miền Bắc thì trẻ dễ bị ốm. Vào những ngày giao mùa, trời trở lạnh, bố mẹ cần giữ ấm cho con, nhất là phần ngực và chân, đeo khăn, yếm và đi tất cho con. Khi tắm cho con, bố mẹ chú ý kín gió, có đèn sưởi càng tốt và có thể nhỏ một giọt dầu tràm vào nước tắm để tránh cảm.

Nuôi hai con nhỏ, Lan Anh từng rất căng thẳng khi con bị bệnh đường hô hấp. Ảnh: NVCC.
Bà mẹ hai con cũng nói thêm rằng, nếu chẳng may con bị ốm, bố mẹ hãy cứ nghĩ đấy là điều bình thường để cơ thể con sinh ra sức đề kháng cho sau này. Trong trường hợp cần đưa bé đi khám, Lan Anh chia sẻ danh sách các bác sĩ đã đưa bé đến khám để bố mẹ có thể tham khảo.
1. Bác sĩ Phạm Đức Thịnh, giám đốc bệnh viện Hồng Ngọc
Đây là bác sĩ khám đầu tiên cho bé lớn nhà Lan Anh khi bé gần 1 tuổi. Chị chia sẻ: "Lần đầu bé sổ mũi, mẹ cháu sợ quá vác đi khám. Bác khám nhẹ nhàng, hỏi han tỉ mỉ bệnh, kê thuốc gì cũng giảng giải, mình thắc mắc gì bác lại mở sách, chỉ rõ tại sao. Bác sĩ không lạm dụng kháng sinh. Tính mình hay hỏi, khám xong lại hỏi con cháu ngần này cân, mọi người bảo bé, bác thấy thế nào, rồi cháu đang bầu cho con bú được không...". Bác sĩ khám thứ 3-5-7 tại bệnh viện Hồng Ngọc Keangnam và thứ 2-4-6 tại Savico Long Biên. Bố mẹ lưu ý gọi điện để đặt lịch hẹn trước.
2. Nhi tự nguyện A
Theo Lan Anh, khi nào bé bị bệnh nặng, cấp cứu thì nhất định phải vào bệnh viện Nhi, còn bệnh hô hấp thông thường thì không cần thiết vì các bé đến khám rất đông, mỗi lần chờ đến lượt khám gần cả tiếng đồng hồ. Chị nhận xét, bác sĩ khám nhanh và hay kê thuốc kháng sinh liều cao, phí khám 580.000 đồng. "Điểm nữa mình không thích là bác sĩ hay 'dọa nạt' bệnh nhân, đợt bé nhà mình bắt đầu đi trẻ xong bị mũi rồi lên tai giữa, chị bác sĩ khám cho con mình dọa đủ kiểu làm mình òa khóc ngay tại đấy. Bác sĩ kê kháng sinh 7 ngày, về uống xong vẫn không ăn thua", Lan Anh cho biết.
3. PGS.TS. Bác sĩ Đoàn Thị Hồng Hoa, Trưởng khoa Tai viện TMH trung ương
"Bác sĩ khám nhẹ nhàng và không lạm dụng kháng sinh nhưng nếu cần dùng thì vẫn kê. Các bé bị bệnh về tai nên gặp bác. Mình bị bênh viện Nhi dọa sợ quá, lên gặp bác Hoa khóc lóc, bác ý bảo trẻ em đứa nào giai đoạn đi nhà trẻ cũng bị, trẻ ốm là chuyện bình thường. Có giai đoạn trong vòng 3 tháng, cứ khoảng 2-3 tuần bé nhà mình phải lên gặp bác sĩ Hoa một lần, đích thân bác rửa mũi cho bé. Sau bác quyết định cho bé nạo VA, trộm vía giờ thấy khác hẳn. Nhược điểm là bác khám ít (3 ngày vào sau 17h thứ 3-4 và sáng thứ 7) và phòng khám nhỏ lại đông nên chờ lâu. Giá cũng không rẻ, khám 250.000 đồng – 300.000 đồng", Lan Anh nhận xét. nhưng mấy lần thấy bn ở tỉnh lên bác đều không lấy tiền, bảo cầm đi tàu xe smile emoticon
Địa chỉ: 11A Hai Bà Trưng (gần ngã tư Nguyễn Khắc Cần. Đối diện hơi chếch cổng trường Trần Phú).
4. PGS. TS. Bác sĩ Nguyễn Thị Yến
Bác sĩ khám hầu hết các ngày trong tuần sau 17h30 và cả ngày thứ 7, CN. Tuy mới đưa con đến khám một lần nhưng theo chị Lan Anh, bác sĩ khám kỹ, cẩn thận, kê thuốc không lạm dụng khác sinh. Bác sĩ Yến chuyên về hô hấp nhi. Phí khám vừa phải, 100.000 đồng mỗi lần. Nhược điểm là phòng khám tại nhà nên cũng nhỏ, không có máy nội soi và máy hút mũi nhưng quan điểm chữa bệnh của bác sĩ khá "hiện đại".
Địa chỉ: Số nhà 40C, ngõ 23 Nguyễn Thị Định.
5. Ths. Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Xuân, trưởng khoa Nhi bệnh viện Việt Nam - Cuba
Khi đưa con đến khám tại đây, chị Lan Anh nhận thấy cách bác sĩ kiểm tra bệnh cho con rất nhẹ nhàng, tỉ mỉ. Bác sĩ kê đơn không lạm dụng kháng sinh, phong cách và phác đồ điều trị hiện đại và rất chịu nghe các mẹ chia sẻ về bệnh tình của con. Bác sĩ khám ngoài giờ hành chính và thứ 7, chủ nhật. Phí khám 100.000 đồng, phí hút đờm 40.000 đồng.
Địa chỉ: 88 Tô Vĩnh Diện.
Hà Nhi
* Độc giả chia sẻ thêm danh sách bác sĩ nhi tại các tỉnh, thành ở bên dưới bài viết.