Làm mẹ lần đầu nhưng Võ Thị Thu Hạnh (Đak Nông) luôn cảm thấy tự tin khi chăm sóc con nhỏ nhờ chủ động trang bị kiến thức khoa học ngay từ sớm. Khác với nhiều bà mẹ khác, chị đề cao sự phát triển tự nhiên và hướng bé hình thành tính cách tự lập trong mọi việc. Khi bé bắt đầu biết ngồi và chuyển sang giai đoạn ăn dặm, Thu Hạnh cho bé làm quen với phương pháp BLW (phương pháp ăn dặm bé tự chỉ huy) để bé được "tự ăn theo cách của mình" vì chị quan niệm ở giai đoạn này, việc bé nhận biết về các thực phẩm quan trọng hơn chuyện bé ăn được bao nhiêu mỗi bữa.
Đối với việc chăm sóc sức khỏe cho bé, Thu Hạnh đặc biệt hạn chế sử dụng thuốc. Ngay cả khi con bị sốt, chị cũng chỉ dùng một cách duy nhất là skin to skin (da tiếp da) và cho bé bú mẹ thật nhiều để những kháng thể trong sữa mẹ giúp bé hạ sốt. Từ những kiến thức tìm hiểu được, Thu Hạnh cho biết, sốt là khi hệ miễn dịch đang hoạt động tích cực để chống lại virus hoặc các tác nhân gây hại tới cơ thể. Bé bị sốt mà vẫn vui đùa bình thường thì không có gì đáng ngại và không phải cứ sốt cao là co giật. Sốt co giật là có tiền sử, có liên quan đến yếu tố gen. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, khi bị sốt, bố mẹ nên ưu tiên theo dõi hành vi, không ưu tiên theo dõi nhiệt độ để quyết định có cho con uống thuốc hạ sốt không.
Với cách chăm con như vậy, đã có lúc Thu Hạnh bị mọi người nói là "gan lì" hay mỉa mai là "siêu nhân" vì không chịu dùng thuốc kháng sinh cho con nhưng bà mẹ trẻ cho rằng, việc dùng kháng sinh trong trường hợp bé bị co giật chỉ để "an thần" cho bố mẹ là chính. Khi trẻ đang lên cơn co giật, tuyệt đối không nên đặt trẻ nằm ngửa, không đổ bất cứ thứ gì vào miệng trẻ vì lúc này, trẻ đã mất phản xạ nuốt, đờm nhớt lại tiết ra nhiều nên các động tác trên có thể gây tắc đường thở, ngạt thở và dẫn đến tử vong. Co giật không phải là bệnh mà là triệu chứng của một bệnh nào đó với biểu hiện gồng cứng người hoặc co giật (chân tay hay toàn thân) trong một khoảng thời gian. Nó hiếm khi để lại di chứng nhưng có thể gây hậu quả nặng nề nếu xử trí sai.
Bà mẹ một con chỉ ra các nguyên nhân gây co giật ở trẻ như sau: Với trẻ sơ sinh, Trẻ bị ngạt khi sinh do chuyển dạ kéo dài, bà mẹ bị suy thai, xuất huyết. Cơn co giật còn xảy ra ở những trẻ bị hạ canxi (ít gặp), hạ đường huyết, nhiễm trùng nặng, mẹ cho bú quá thưa, viêm màng não.
Với trẻ lớn, thường là co giật do sốt cao (hay gặp ở trẻ 6 tháng đến 6 tuổi). Trẻ thường co giật toàn thân, cơn ngắn. Sau cơn giật, trẻ hoàn toàn tỉnh táo. Nếu sau co giật, trẻ bị mê hoặc giật tiếp cơn khác thì có thể là do bệnh viêm não, màng não. Ngoài ra, trẻ lớn còn có thể bị co giật do hạ đường huyết, hạ canxi máu, viêm não, xuất huyết não hay màng não, sốt rét thể não, ngộ độc cây mã tiền, thuốc chuột và chì.
Khi thấy trẻ bị co giật, bố mẹ cần giữ bình tĩnh để xử trí theo cách dưới đây:
- Để tránh ngạt thở, bố mẹ nên đặt trẻ nằm nghiêng một bên, đầu luôn luôn thẳng hoặc hơi thấp với thân người để đờm nhớt chảy thoát ra ngoài.
- Trẻ co giật dễ cắn lưỡi gây chảy máu. Vì vậy, bố mẹ nên lấy một vật mềm (như khăn, quần áo sạch xếp lại) chặn vào giữa 2 hàm răng.
- Với trẻ co giật do sốt cao, bố mẹ cần cho trẻ dùng thuốc hạ nhiệt đường uống hoặc đặt hậu môn (viên 80 mg với trẻ dưới một tuổi, viên 150 mg với trẻ trên một tuổi). Ngoài ra, cần kết hợp lau mát hai bên nách và bẹn bằng nước ấm hoặc nước thường (không dùng nước đá). Nếu trẻ nóng quá thì lau cả người.
Chứng sốt cao co giật ở trẻ thường tái phát. Vì vậy, với những trẻ từng bị chứng này, nếu bị sốt, phải theo dõi nhiệt độ 15 phút một lần và cho dùng thuốc hạ sốt khi thân nhiệt lên đến 38 độ C (thường trẻ sốt trên 38,5 độ C mới co giật). Khi gửi nhà trẻ, bố mẹ phải báo cáo cho giáo viên biết trẻ hay bị co giật khi sốt cao.
- Đưa ngay trẻ đến bệnh viện cấp cứu (dù trẻ đang co giật hay đã hết cơn co giật) để bác sĩ xác định nguyên nhân nhân gây co giật và có biện pháp điều trị thích hợp.
Hà Nhi
* Bài viết là kinh nghiệm thực tế của một bà mẹ nuôi con nhỏ. Các bố, mẹ có thể chia sẻ cách chăm sóc, nuôi dạy con của mình về địa chỉ email: nguyengiang@vnexpress.net.