Đoạn video và bài viết của chị Phan Thị Thanh (Thạch Thất, Hà Nội) khi đưa con đi điều trị răng sâu (sún răng) tại phòng khám nha khoa đã khiến nhiều bố mẹ "đứng ngồi không yên". Hơn 3.100 lời bình luận, hơn 4.200 lượt chia sẻ và hơn 400.000 lượt xem chỉ trong vài ngày đăng tải. Trong đó, không ít phụ huynh chia sẻ rằng, con của mình cũng gặp tình trạng tương tự, bố mẹ chưa biết cách hướng dẫn con chăm sóc răng đúng cách hay bố mẹ không đưa con đi bác sĩ nha khoa sớm vì chủ quan răng sữa bị sâu không liên quan đến răng vĩnh viễn...
Chia sẻ thêm về vấn đề này, chị Phan Thanh cho biết: "Bé lớn nhà mình đã có thói quen đánh răng đều đặn từ 2 năm nay rồi (bé 4 tuổi), còn bé thứ 2 thì chưa. Bé hay ăn kẹo, uống nuốc ngọt và nhiều khi mình không ở nhà, bé ăn xong không được cho xúc miệng ngay nên bị sâu răng... Nói chung là tại người lớn hết. Đa số các bố mẹ có con lần đầu hay chiều con, nhất là ông bà lại càng chiều cháu. Ở quê cũng ít được tiếp xúc với kiến thức khoa học nên cứ chiều con, chiều cháu quá thành ra hại chúng. Mình biết nhiều ông bà còn thường xuyên đem kẹo bánh ra để dỗ dành cháu".
Nói về việc đưa con đi chữa răng sún, chị Phan Thanh cho biết, lúc đầu chị chỉ nghĩ là do men răng yếu nên dễ bị hư. Chị đã đưa con đi khám ở một vài phòng khám nha khoa nhưng đều được bảo là để khi con lớn lên, thay răng thì tự rụng và chú ý vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Nhưng càng ngày, răng của con càng bị bào mòn và ăn sâu vào trong đến nỗi cụt hết cả răng, bé còn hay bị sưng lợi, có khi phát sốt và quấy khóc, bỏ ăn nhiều ngày.
"Có mấy lần, con còn bị mọc nốt ở lợi (như kiểu bị bỏng mọc lên bọng nước nhưng ở đây mình nghĩ là mủ), mình lại đưa đi khám ở phòng khám nha khoa gần nhà, họ bảo ra hiệu thuốc mua thuốc cho con uống rồi mấy nốt đó sẽ tự tiêu. Mình cho con uống thuốc, lợi con hết sưng đau và mấy nốt cũng biến mất (mình nghĩ do bị vỡ chứ không phải nó tự tiêu)", chị Thanh chia sẻ.
Giữa tháng 2 vừa qua, chị Thanh đưa con đến khám ở phòng khám nha khoa của bác sĩ Phan Hằng (Thạch Thất, Hà Nội) thì mới được bác sĩ giải thích cặn kẽ. Theo bác sĩ, răng của bé bị viêm tủy, mấy nốt có bọng mủ do tủy bị viêm mà không thoát ra ngoài được nên mọc nốt như thế. Điều trị răng cho trẻ khá phức tạp vì đa số trẻ đều không hợp tác và răng trẻ con là răng sữa, men răng rất bở, dễ vỡ nếu không khéo. Ở giữa răng là ống tủy, khi răng bị ăn mòn, thức ăn sẽ nhồi nhét vào ống tủy, dẫn đến viêm tủy và ngày càng nặng hơn.
Về quy trình điều trị sâu răng cho bé, bà mẹ hai con cho biết: "Bác sĩ phải điều trị tủy, vệ sinh ống tủy sạch sẽ và đặt bông ngấm thuốc vào bên trong để hết viêm, sau đó mới hàn lại kín lỗ tủy cho thức ăn không vào được nữa, tránh tình trạng càng ngày viêm nhiễm càng nặng. Tuy nhiên, đây chỉ là phương pháp tạm thời, giữ được bao lâu thì giữ, chờ đến lúc thay răng". Sở dĩ bác sĩ không nhỏ bỏ luôn những chiếc răng sâu vì con còn bé quá, nếu nhổ sớm thì phải đợi mấy năm nữa răng mới mọc. Đến lúc đó, lợi già và cứng nên rất khó để răng chồi lên, trẻ sẽ bị đau đớn.
Từ kinh nghiệm của mình, chị Thanh cho rằng, "ý thức của bố mẹ đối với việc vệ sinh răng miệng cho con quyết định tất cả vì trẻ còn quá nhỏ, chưa ý thức được hậu quả về sau. Nếu bố mẹ nhận thức được điều này sớm, tập cho con thói quen vệ sinh răng miệng từ sớm, ít ăn bánh kẹo, đồ ngọt, uống nước ngọt thì khả năng răng con bị sâu sẽ rất thấp và ngược lại.
Ngoại trừ các bé đã biết đánh răng thì đối với các bé chưa biết đánh răng, súc miệng thôi vẫn chưa đủ mà sau khi ăn uống, bố mẹ nên lấy khăn mềm thấm nước muối sinh lí rồi lau răng cho con thật sạch (hoặc có thể dùng miếng rơ lưỡi). Răng bị sún vừa mất thẩm mỹ mà để lâu còn bị viêm nhiễm nặng nề dẫn đến con bị viêm lợi sưng đỏ, có khi còn kèm sốt và nếu sốt cao sẽ dẫn đến nhiều bệnh khác nữa, ảnh hưởng đến cả tinh thần lẫn thể chất của con. Bởi vậy, khi con gặp vấn đề về răng miệng, bố mẹ nên đưa con đi khám để được điều trị càng sớm càng tốt.
Hà Nhi
Ảnh & Video: NVCC