Nếu bạn hút thuốc lá, hãy tránh xa những đứa trẻ. Lời khuyên này thậm chí còn chưa đủ bởi ngay cả khi bạn đã hút xong điếu thuốc từ trước đó, bạn vẫn có thể gây hại cho trẻ. Bài viết của một bà mẹ người Malaysia, Huda Farid Irfan Ali, về tình trạng nguy kịch mà con cô phải đối mặt vì ảnh hưởng khói thuốc lá đã nhận được hàng nghìn lượt chia sẻ, thể hiện sự quan tâm từ mọi người tới vấn đề này.
"Tất nhiên hút thuốc là lựa chọn của cá nhân bạn nhưng xin đừng tiếp xúc trực tiếp với trẻ sau khi hút...
Đó là đứa trẻ đã phải chịu tất cả mọi nỗi đau đớn và bố mẹ phải thức suốt đêm để chăm sóc con. Khi các bố mẹ không cho bạn bế con của họ, bạn bảo họ là kiêu căng. Dư lượng khói thuốc rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, bạn có hiểu điều đó không?", người mẹ này viết.
Theo Huda, con của cô phải nhập viện lúc 1h30, phải truyền oxy hai lần, lấy máu xét nghiệm và chụp X-quang. "Bác sĩ chẩn đoán rằng một loại virus và nhiễm khuẩn do khói thuốc lá đã gây ra tình trạng sốt cao, khó thở", bà mẹ Malaysia cho biết.
Câu chuyện của Huda cũng là một bài học cho các bậc cha mẹ khi chăm sóc trẻ. Bạn cũng nên cảnh báo những người xung quanh về mức độ nguy hiểm của khói thuốc. Đừng để trẻ phải chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá và trở thành người hút thuốc lá thụ động bởi hệ miễn dịch của chúng còn yếu ớt.
Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) đã tiến hành nghiên cứu về tác động của khói thuốc lá đối với người hút thuốc thụ động và chứng minh tác hại của nó. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị Hội chứng đột tử khi ngủ (SIDS) nếu bị tiếp xúc với khói thuốc gián tiếp. Trẻ em hít phải thuốc lá có nguy cơ bị các bệnh như: Nhiễm trùng tai, ho và cảm lạnh, các vấn đề về hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi và sâu răng. Trẻ em trong các gia đình có cha mẹ hút thuốc dễ bị ho và thở khò khè và thời gian bị cảm lạnh sẽ kéo dài lâu hơn. Khói thuốc có thể gây ra các triệu chứng khác bao gồm nghẹt mũi, đau đầu, đau họng, kích ứng mắt và khàn giọng ở trẻ em. Trẻ em bị hen suyễn đặc biệt nhạy cảm với khói thuốc. Khói thuốc lá còn có thể gây ra các vấn đề về sự phát triển các cơ quan chức năng trong cơ thể trẻ cũng như các bệnh như: Phát triển phổi kém (phổi không phát triển đầy đủ), ung thư phổi, bệnh tim và đục thủy tinh thể. |