Đã hơn ba tháng kể từ ngày Hà Linh, 23 tuổi, sinh mổ ba bé trai, cuộc sống của gia đình cô thực sự bị xáo trộn và lúc nào cũng "nhộn nhịp như cái chợ". Đến bữa cơm, mọi người thay phiên nhau ăn và hiếm khi được ngồi quây quần. "Nhân lực" gồm bà, bố, mẹ, thêm hai người giúp việc được huy động tối đa nhưng ai nấy lúc nào cũng trong tình trạng mệt mỏi, thiếu ngủ.
Càng lớn, ba cậu con trai của Hà Linh càng không chịu ngủ luôn sau khi ăn mà bắt bế dong. Lúc này, mỗi người phải bế ẵm một bé rồi đi lại quanh phòng đến khi cả ba chìm vào giấc ngủ. Với Hà Linh, ôm ấp các con suốt nhiều tháng dài trong bụng, vượt qua bao khó khăn, nguy hiểm tới tính mạng, để giữ chúng an toàn đến ngày sinh nở giúp cô quên đi nỗi vất vả, bận rộn. Hà Linh bây giờ chỉ nghĩ đến niềm hạnh phúc không gì sánh bằng khi được làm mẹ, sau bao ngày tháng chữa trị buồng trứng đa nang.
"Lúc mang bầu có vất vả cỡ nào nhưng sinh ra một lúc được ba em bé thế này để bận việc suốt ngày, tôi luôn nhìn vào thành quả đó để an ủi mình phải cố gắng, thật cố gắng vì các con", Hà Linh tâm sự.
Cuộc đấu tranh tâm lý để giữ lại thai ba
Ngày còn là nữ sinh trung học, Linh được kết luận bị u nang nước và buồng trứng đa nang nên khả năng có con sau này rất thấp. Linh từng được mẹ đưa đi chữa trị nhiều nơi, uống đủ loại thuốc nhưng kinh nguyệt vẫn rối loạn và không đều. Ngày đó, cô còn được cảnh báo, nếu không có con trước năm 22 tuổi thì tỷ lệ mang thai sau này rất thấp. Chán nản, Linh không điều trị thêm và để kệ trong một thời gian dài. Lúc có bạn trai, cô cũng nói rõ tình trạng này của mình và được anh chia sẻ, động viên.
Khoảng tháng 11 năm ngoái, Linh đau bụng quằn quại suốt hai tuần, uống thuốc cũng không đỡ. Đánh liều đi mua que thử, Linh hoảng loạn khi trông thấy lên hai vạch. Gia đình vốn nghiêm khắc, hơn nữa Linh chưa dám công khai bạn trai với người thân nên cô lo bị "tống ra khỏi nhà" nếu báo tin mang bầu. Trái lại với tâm trạng hoang mang của Linh, chồng cô, khi đó vẫn còn là người yêu, lại vui mừng khôn xiết. Cả hai chính thức thành vợ chồng sau đám cưới hồi tháng 2.
Ba tháng đầu mang thai, Linh ốm nghén nặng khi không ăn được bất cứ thứ gì. Lúc thai được 5 tuần, Linh đi siêu âm mới biết mang thai ba tự nhiên và được khuyên nên giảm thiểu phôi thai vì khó giữ cả ba. Hơn nữa mang đa thai sẽ có nhiều nguy cơ như dị tật, sinh non. Tới nơi nào khám, Linh cũng nhận được lời khuyên tương tự là giảm thiểu còn phôi đơn hoặc phôi thai đôi. Tuy nhiên, cả hai cách này đều có nguy cơ: Dễ dính nhau hoặc sẽ bị truyền máu sang nhau (bé này hấp thụ hết của bé kia khiến tăng trưởng không đồng đều hoặc chỉ một bé phát triển được) nếu để phôi thai đôi. Trong trường hợp để phôi thai đơn, nước ối ít khiến em bé trong đó không được nuôi dưỡng khỏe mạnh.
"Tôi thực sự đắn đo vì nghĩ các con đều đến với mình, sao nỡ bỏ bé nào dù thực sự những nguy cơ bác sĩ vạch ra cực kỳ nguy hiểm và tiêu cực cho cả mẹ và con", Linh nhớ lại.
Sau vài tuần chần chừ, Linh quyết định chuẩn bị giảm thiểu phôi thai vì để quá 10 tuần sẽ không can thiệp được nữa. Giấy tờ đã làm xong, lịch hẹn cũng đã lên, thế rồi bàn bạc lại với người thân, cô thấy mọi người có ý muốn giữ. Ông xã Linh không muốn loại bỏ phôi nhưng cũng sợ nguy hiểm cho vợ, còn mẹ cô gợi ý khám lại ở bác sĩ giỏi để xem có giữ được không. Đi khám thêm lần nữa, Linh bị bác sĩ mắng một trận vì giữ lại cả ba. Thai ba thế này thường đến tầm tuần 20-22 dễ sảy hoặc động thai. Nhưng lúc đó, hai phôi ở quá sát nhau, giảm phôi này sẽ ảnh hưởng phôi kia và nếu làm sẽ hỏng luôn cả chùm.
"Có làm hay không tôi phải tự quyết định. Tôi tin bác sĩ ấy có kinh nghiệm nhìn nhận nên đánh liều hỏi có nên giữ lại không. Tôi thấy mặt bác có vẻ cũng bình thường, bảo là 'thôi thì ý trời'", Linh kể.
Cuối cùng, nhờ thái độ bình thản của bác sĩ và sự động viên của gia đình, Linh có quyết tâm không giảm thiểu mà giữ cả ba bé lại. Suốt quá trình Linh mang bầu, cô và người thân nơm nớp lo các yếu tố rủi ro đã được cảnh báo trước nhưng không ai dám tỏ ra lo lắng. Về phần mình, Linh cố gắng giữ tâm trạng vui vẻ, không nghĩ đến liệu con có bị nguy cơ này khác. Cô nỗ lực từng ngày để giữ cho cơ thể thật tốt, có sức khỏe chống chọi với mọi biến cố có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Đến tháng thứ 6, bụng Linh phát triển nhanh khiến cô đi lại nặng nề, thở khó khăn, tim đập nhanh. Trong bụng Linh, hai em bé nằm ngược, một em nằm xuôi đạp liên tục; bé này nghỉ lại đến bé kia vận động, lúc trồi khu này, khi lại khiến bụng mẹ méo xẹo chỗ kia.
Bước qua tuần 20-25 nguy hiểm, bà bầu tiếp tục chiến đấu với giai đoạn khó khăn khác ở vài tuần trước khi mổ. Chồng Linh sợ vợ không chịu được khi thấy bụng cô "như một khối vuông khổng lồ" và căng rạn như sắp bục đã giục vợ xin bác sĩ mổ mà không biết phải cố giữ được các bé trong bụng càng lâu càng tốt.
Nhớ lại hôm sinh em bé, Linh thấy mọi việc diễn ra nhanh chóng, khi cô chưa kịp chuẩn bị tâm lý. Sáng hôm mổ đẻ, vợ chồng Linh còn thong thả dạo phố ăn sáng. Định nhập viện nằm theo dõi sau một đêm trằn trọc không ngủ nổi vì khó thở, tim đập gấp, thành bụng căng cứng, Linh phải mổ cấp cứu vì được phát hiện sắp sinh. Khi ấy, Linh mang thai được 31 tuần 5 ngày.
Nghe bác sĩ nói chuẩn bị bàn 15 phút nữa mổ, Linh run bần bật, hai hàm răng bập vào nhau, còn hai chân chập lại liên hồi. Cô được ngồi vào xe đẩy để chuẩn bị lên phòng mổ. Trên đường đi, nhìn thấy khuôn mặt chồng hớn hở, nước mắt Linh thi nhau tuôn rơi không phải vì cảm động mà vì sợ hãi. Cô ước quãng đường đến phòng mổ xa một chút để kịp định thần cho đỡ hoảng. Không lâu sau, lần lượt ba "thiên thần" của vợ chồng Linh ra đời.
"Cô y tá thông báo mỗi bé nặng 1,6 kg rồi bế lướt lướt từng em ra cho tôi nhìn. Thấy ba đứa con mặt đỏ gay gắt, lại bé tí tẹo được quấn trong chăn, tôi thấy hạnh phúc lắm, cảm giác như vừa lập được đại công", Linh nói.
Sau sinh, Linh ở lại viện 5 ngày để theo dõi, còn ba em bé trong phòng hồi sức. Hơn 10 ngày sau, mẹ con Linh mới được gặp nhau.
Cuộc sống hiện tại 'xoay như chóng chóng' nhưng ngập tràn niềm vui
Ba em bé nhà Linh giống nhau về ngoại hình nhưng khác tính cách. Anh cả mặt lúc nào cũng nghiêm khắc, anh hai háu đói, đến giờ ăn mà chưa có đồ là khóc ngằn ngặt, còn em út hay nũng nịu, thích nằm ngang và rất dễ dỗ ngủ. Lần đầu làm mẹ, Linh không gặp quá nhiều bỡ ngỡ vì trong thời gian mang bầu, cô tích cực tìm hiểu về cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ. Ngoài ra, cô cũng tiếp xúc với nhiều người thân có con nhỏ nên học hỏi được kinh nghiệm hay.
Một ngày bây giờ của Linh bắt đầu bằng việc phơi nắng cho các con. Các bé chỉ mặc bỉm và nằm sấp, để nắng chiếu trực tiếp vào xương ống chân và lưng. Đầu giờ chiều, các con sẽ được tắm lần lượt rồi ăn và ngủ. Vợ chồng cô chỉ quanh quẩn chừng ấy việc tưởng đơn giản đó thôi cũng hết một ngày. Linh cho hay, mỗi bữa ăn của các con mất từ 30 phút đến một tiếng. Ăn xong, vợ chồng cô thay nhau bế các bé 15-30 phút để đỡ chớ sữa. Các bé chỉ ngủ khoảng 20-30 phút lại dậy nên bố mẹ phải vỗ về và ru ngủ. Đến giờ ăn, vợ chồng Linh và bà nội phải cùng thức để mỗi người chịu trách nhiệm cho bé bú bình. Linh vắt sữa ra rồi cho vào bình để các con uống.
Tháng đầu tiên, cả nhà đỡ vất vả hơn vì các bé ăn xong là ngủ ngoan, ba tiếng sau mới dậy đòi ăn tiếp. Qua tháng thứ hai, các con đã lớn, hay bắt bế dong. Nhà Linh thuê thêm hai người nhưng việc chăm ba em bé cùng lúc vẫn vô cùng vất vả.
Chồng Linh thương vợ mang đa thai, sợ suy nghĩ nhiều mà không giữ được nên quyết định xin nghỉ việc để ở nhà toàn tâm chăm sóc, dù tương lai sự nghiệp đang rộng mở. Từ lúc vợ mang bầu ba tháng, anh chỉ quanh quẩn ở nhà để chăm vợ. Hiện tại, anh là người chịu trách nhiệm chính trong việc cho ăn và bồng bế các con.
"Có hôm tôi ngủ say, tỉnh dậy đã thấy ba em bé bú xong bình rồi. Tôi ngạc nhiên hỏi sao anh có thể xoay xở được mà không gọi ai hỗ trợ. Anh ấy nói thương vợ đẻ xong mệt nên muốn để tôi ngủ thêm. Anh đặt hai bé nằm song song, một bé nằm cạnh gần phía mình ngồi rồi hai tay giữ bình cho hai bé, còn chân giữ bình còn lại. Đợi các bé bú được khoảng 1/3 sữa sẽ thiu thiu ngủ, anh bế từng đứa dậy để bón lần lượt", Linh chia sẻ.
Vợ chồng Linh hay tranh cãi khi trao đổi với nhau về cách chăm con để tìm ra phương pháp tốt nhất. Linh bảo, ông xã là người chịu học hỏi và không bảo thủ nên nếu thấy hợp lý sẽ nghe theo. Chính những tranh cãi tích cực này đã khiến vợ chồng Linh hiểu và yêu nhau hơn.
Bà mẹ ba con khuyên các ông chồng nên quan tâm vợ lúc mang bầu và sau khi sinh xong. Phụ nữ ở những giai đoạn này thường nhạy cảm do tâm lý thay đổi nên cần một người chồng bình tâm, biết nhường nhịn và yêu chiều vợ.
"Các bố hãy tâm lý lên vì em bé trong bụng cũng biết bố có yêu mẹ không. Cảm xúc của người mẹ trong lúc mang thai sẽ quyết định tính cách sau này của các con. Đừng khiến mẹ bầu giận và rơi nước mắt sẽ rất nguy hiểm. Đừng để vợ một mình, tủi thân và chán nản. Dù có bận bịu đến đâu cũng hãy luôn mỉm cười và khen vợ đẹp, điều đó khích lệ tinh thần và đánh trúng tâm lý mẹ bầu", Linh nói.
Hà Phương