Đang có mặt ở Rome (Italy), Huy Trần vẫn không quên vào bếp nấu ăn cho bà xã Ngô Thanh Vân. Sau món cá hồi đút lò tuần trước, lần này, chàng CEO Việt kiều trổ tài làm món mì carbonara - đặc sản Italy. Với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực ẩm thực, đặc biệt là với những món Âu sở trường, Huy Trần đúc kết ba lưu ý làm món ăn này chuẩn như người Italy.
Luộc mì không cho dầu
Chồng Ngô Thanh Vân cho biết, kinh nghiệm khi làm mì Italy nói chung và mì pasta nói riêng của mình là không cho dầu khi luộc mì. Điều này khiến nhiều người bất ngờ bởi kinh nghiệm truyền tai nhau của nhiều bà nội trợ là khi luộc mì cho thêm vài giọt dầu để sợi mì không bị dính vào nhau, có màu bóng đẹp.
Tuy nhiên, các chuyên gia ẩm thực khẳng định đây là thói quen sai lầm khiến cho món ăn không còn ngon nữa. Nước và dầu sẽ không hòa tan, khi bạn vớt mì ra, dầu sẽ bám vào sợi mì, tạo thành lớp màng mỏng. Điều này khiến nước sốt khó thấm vào sợi mì hơn.
Sử dụng thịt pancetta
Thay vì dùng thịt xông khói (bacon) như mọi khi, Huy Trần sử dụng thịt pancetta và khẳng định, nguyên liệu này thơm hơn. Bacon và pancetta là những sản phẩm từ thịt lợn trông giống nhau và cũng có hương vị tương tự tuy nhiên pancetta phổ biến ở Italy, được dùng cho các món mì.
Pancetta được làm bằng cách nêm một mặt của bụng heo với muối và rất nhiều hạt tiêu, sau đó được cuộn tròn thật chặt, bọc lại và không hun khói. Pancetta có độ ẩm hơn bacon, hương vị mặn hơn, thơm hơn. Chúng thường được bán thành miếng lớn, thay vì lát mỏng như bacon. Khi chế biến, pancetta được thái thành miếng hạt lựu.
Không dùng kem (cream)
Huy Trần lưu ý, không sử dụng cream khi chế biến mì carbonara. Đây cũng là nguyên tắc khi làm món này theo kiểu truyền thống của người Italy. Tuy nhiên, hiện nay, carbonara được cải tiến, chế biến theo nhiều phong cách khác nhau, có thể cho thêm whipping cream.
Chồng Ngô Thanh Vân làm theo cách truyền thống, làm nước xốt từ lòng đỏ trứng gà, phô mai cứng đánh đều. Anh sử dụng phô mai parmesan (Parmigiano-Reggiano), được sản xuất tại Parma, Reggio Emilia, Modena, Bologna và Mantova (Italy). Trong khi đó, người dân địa phương thường dùng phô mai pecorino làm từ sữa cừu, có giá rẻ hơn parmesan đôi chút. Hương vị của hai loại gần như nhau.