Ở Em còn nhớ hay em đã quên, hình tượng các nhân vật chính được lấy cảm hứng từ Trịnh Công Sơn, Bích Diễm và Khánh Ly. Em là bà nội của anh sử dụng nhạc Trịnh để kể chuyện, không đề cập nhạc sĩ. Em và Trịnh tái hiện cuộc đời nhạc sĩ cùng các bóng hồng trong âm nhạc, kết hợp chất liệu hiện thực và sáng tạo.
Ra đời vào các thập niên khác nhau nhưng ba bộ phim trùng hợp cùng có tựa đề bắt đầu bằng chữ "em". Giống như cuộc đời và âm nhạc của Trịnh Công Sơn luôn gắn liền các giai nhân, các bộ phim liên quan âm nhạc của ông không thể tách rời các bóng hồng màn ảnh.
'Em còn nhớ hay em đã quên' - những mối tình mang âm hưởng nhạc Trịnh
Giống nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngoài đời, nhạc sĩ Quang Sơn trong phim có mối tình đầu dang dở với tiểu thư xứ Huế tên Diễm. Khi lên Đà Lạt trốn đi lính, anh phải lòng giọng hát của cô gái nghèo Huyền My. Anh dạy cô hát, tặng cô các sáng tác. Hai người từ tri kỷ trở thành người yêu. Hình tượng Huyền My được lấy cảm hứng từ danh ca Khánh Ly. Chuyện tình của Quang Sơn trong phim có chút giống trải nghiệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, cũng mang tính minh họa cho ca từ các khúc của ông.
Ngoài tựa đề là tên một tình khúc nổi tiếng của Trịnh Công Sơn, bộ phim sản xuất cách đây 30 năm còn sử dụng nhiều bài hát khác của nhạc sĩ như Biết đâu nguồn cội, Nắng thủy tinh, Diễm xưa, Tình nhớ, Nối vòng tay lớn...
Trong phim, các nhạc phẩm này được thể hiện bởi cặp nhân vật chính: nhạc sĩ Quang Sơn và ca sĩ Huyền My. Hình ảnh tài tử Lê Công Tuấn Anh (vai Quang Sơn) với giọng hát của nghệ sĩ Quang Đức không hợp nhau, gây khiên cưỡng. Trái lại, Hoàng Hồng Nhị (vai Huyền My) gợi cảm giác cô hát thật, dù được lồng giọng ca sĩ Thùy Dung.
Các bài nhạc Trịnh trong phim dùng bản phối cũ quen thuộc nhiều thập kỷ qua, mang màu sắc hoài niệm. Theo lời kể của đạo diễn Nguyễn Hữu Phần, khi xem một bản dựng trước khi chiếu rạp, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ấn tượng Thùy Dung hát nhạc của ông hay và nhận xét Lê Công Tuấn Anh có nét giống ông thời trẻ.
Đây là một trong các phim nổi bật trong cuộc đời đoản mệnh của Lê Công Tuấn Anh, là một trong những phim đầu tay của Trương Ngọc Ánh (vai Diễm) và phim duy nhất được biết tới của Hoàng Hồng Nhị. Lúc tham gia dự án, ca sĩ Thùy Dung mới giành giải nhì Tiếng hát đơn ca toàn quốc 1992.
'Em là bà nội của anh' - nhạc Trịnh bước lên sân khấu người trẻ
Từ 70 tuổi bỗng trẻ hóa về thời đôi mươi, nữ chính của phim tìm lại đam mê ca hát. Cô trình diễn nhiều ca khúc bất hủ gắn với thế hệ mình, Diễm xưa và Còn tuổi nào cho em của Trịnh Công Sơn là hai trong số đó. Đảm nhận vai này, Miu Lê hát bằng giọng thật đầy cảm xúc, vừa truyền tải đúng tinh thần của nhạc phẩm, vừa bộc bạch nỗi lòng nhân vật.
Cảnh tượng nữ chính cùng nhóm nhạc mang nhạc xưa cũ lên sân khấu cuộc thi nhóm nhạc trẻ và hình ảnh người phụ nữ từng trải hát nhạc Trịnh trong nhân dáng cô gái trẻ cùng gợi nhắc về sự kết nối thế hệ, đồng thời phủ màu sắc mới cho dòng nhạc được gắn mác giàu triết lý, kén người nghe.
Với lời ca gửi gắm nỗi niềm người phụ nữ trong những bước chuyển của thời gian, Còn tuổi nào cho em vừa vặn với nỗi suy tư của nhân vật chính về cuộc đời truân chuyên, chồng mất sớm, một mình nuôi con nên người và cô đơn trong chính ngôi nhà của mình. Đoạn phim đó chạm đến cảm xúc của nhiều khán giả.
'Em và Trịnh' - cuộc đời và âm nhạc Trịnh Công Sơn trên màn bạc
Với đặc trưng phim tiểu sử, Em và Trịnh phủ ngập nhạc Trịnh, cũng giống như âm nhạc luôn có trải nghiệm của nhạc sĩ và cuộc đời nhạc sĩ không thể vắng bóng âm nhạc. Bản phim đang chiếu rạp có 39 ca khúc nhưng theo giám đốc âm nhạc Đức Trí, 58 bài đã được thu âm trước khi phim bấm máy.
Các bài hát được thể hiện bởi giọng ca của chính các diễn viên, nhiều người trong đó lần đầu học hát phục vụ vai diễn như NSƯT Trần Lực (vai Trịnh Công Sơn thời trung niên), Akari (vai Michiko), Nhật Linh (vai Thanh Thúy), Salim (vai Trịnh Vĩnh Trinh)... Bản phối mới của nhạc sĩ Đức Trí giữ chất vừa hư ảo vừa hiện thực của nhạc Trịnh, nhưng cũng phủ lên màu áo mới với vẻ hiện đại, đưa dòng nhạc giàu triết lý trở nên toàn dân và gần gũi.
Thông qua các chuyện tình và trải nghiệm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, phim vén mở câu chuyện phía sau mỗi ca khúc. Đổi lại, các nhạc phẩm bất hủ như Diễm xưa, Tuổi đá buồn, Còn tuổi nào cho em, Mưa hồng, Ta đã thấy gì trong đêm nay, Nhìn những mùa thu đi... giống phương tiện kể chuyện, bộc bạch nội tâm nhân vật và kết nối các nhân vật với nhau.
Nhạc sĩ Đức Trí giải thích về độ khó của việc biên tập các ca khúc nhạc Trịnh cho phim Em và Trịnh: "Hầu hết bài hát phục vụ cho cảnh phim, thu theo cảm xúc phim và chỉ thu những câu cần dùng. Có những bài thu hết vì nhà sản xuất có kế hoạch phát hành nhạc phim, nhưng bài đó về sau bị bỏ đi. Ít nhất 5 bài và hơn chục phiên bản khác nhau không đưa vào phim. Tôi tiếc nhất là bản Tình nhớ. Ở bài đó, tôi dựng giọng Bùi Lan Hương theo cách của băng Sơn Ca 7 để lồng vào cảnh có người mở băng lúc Michiko mới đến Việt Nam".
Đức Trí kỳ vọng sớm giới thiệu album nhạc phim Em và Trịnh đến với công chúng.
Phong Kiều