Đội Long Xuyên do ca sĩ Đức Tuấn làm thủ lĩnh mở màn đêm thi rất ấn tượng. Các chàng trai, cô gái miền Tây ghi điểm ngay từ khi bước ra sân khấu với trang phục áo dài xưa, khoe nét đẹp mộc mạc, giản dị. Với ca khúc Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đội Long Xuyên đã chứng tỏ sự trưởng thành sau gần 3 tháng tham gia chương trình. Đây là ca khúc quen thuộc với khán giả đam mê nghệ thuật cải lương nhưng đã được các học trò của ca sĩ Đức Tuấn khéo léo làm mới bài hát bằng các xử lý giai điệu tươi vui, trẻ trung hơn. Bên cạnh nét truyền thống, họ còn kết hợp cả những động tác vũ đạo hiện đại cho tiết mục của mình. Đức Tuấn chia sẻ, để chuẩn bị cho phần thi này, đội của anh đã phải luyện tập hơn 12 tiếng/ngày, từ 9 giờ sáng cho tới 10 giờ tối.
Đội Long Xuyên biểu diễn ca khúc 'Dạ cổ hoài lang'. |
Ca sĩ Phan Đinh Tùng nhận xét về tiết mục của đội hợp ca Long Xuyên: "Thú thật là tôi rất bất ngờ. Bất ngờ vì dàn trống rất hoành tráng, trang phục rất đẹp. Tiếng trống cất lên làm cho mọi người đều thấy một không khí rất hào hùng, kết hợp vào một bài như Dạ cổ hoài lang làm tôi cảm thấy rất khâm phục các bạn".
Trong phần thi ca khúc mới, đội TP HCM gây xúc động với ca khúc Đứa bé của nhạc sĩ Minh Khang. Bài hát với ca từ mang nhiều ý nghĩa đã được các thành viên của đội thể hiện thành công và lay động trái tim khán giả. Trước khi quyết định chọn tiết mục này biểu diễn, ca sĩ Phan Đinh Tùng đã đưa tất cả học trò đến thăm những trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh để các bạn thấu hiểu, đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh trong xã hội.
Anh chia sẻ: "Có nhiều lý do để Tùng chọn ca khúc này nhưng lý do chính là tiêu chí của chương trình sẽ dành trọn giải thưởng cho những người kém may mắn nên ở trận chung kết này, đội của Tùng rất thoải mái. Chúng tôi thi đấu với cả tấm lòng và thông điệp gửi đến khán giả là những mảnh đời bất hạnh cần một niềm tin, cần một tình yêu để tươi sáng, hạnh phúc hơn".
Còn đội Huế của Mỹ Lệ lại chọn ca khúc dân ca Lý ngựa ô để tạo một không gian âm nhạc riêng đầy màu sắc quê hương. Những giai điệu rộn ràng, tươi vui của bài dân ca đã khuấy động không khí khán phòng đêm chung kết. Mỹ Lệ cho biết chị muốn dành đêm thi cuối để quảng bá nét văn hóa nhã nhạc cung đình Huế. "Nếu các bạn đi du lịch trên sông Hương chắc chắn rằng sẽ được nghe rất bài hát Lý ngựa ô này", ca sĩ chia sẻ.
Đội Huế của Mỹ Lệ giới thiệu nghệ thuật nhã nhạc cung đình qua ca khúc 'Lý ngựa ô'. |
Trong đêm thi cuối, ngoài thể hiện những ca khúc mới, ba đội hợp ca Long Xuyên, Huế và TP HCM còn biểu diễn lại các ca khúc từng được đội bạn thể hiện thành công trong những đêm thi trước bằng phong cách hoàn toàn mới.
Hợp ca Long Xuyên gây bất ngờ khi hóa thân thành các chàng trai, cô gái phương Tây thập niên 50 trong ca khúc Taxi. Đây là bài hát từng được đội Huế thể hiện thành công ở đêm thi trước. Cả chàng thủ lĩnh Đức Tuấn và các học trò đều thể hiện sự đầu tư, trau chuốt cho tiết mục từ giọng hát đến trang phục. Xem đội Long Xuyên biểu diễn, ca sĩ Phan Đinh Tùng hóm hỉnh khen ngợi: "Ban đầu phần nhạc chưa làm cho Tùng cảm thấy phấn khích nhưng đến lúc các bạn chia đội hình ra và những động tác vũ đạo, tiết tấu dần dần tăng lên đã tạo cho Tùng ấn tượng... Mới đầu Tùng thấy tiếng hú hú và Tùng nghĩ bài này là bài Taxi nhưng sao lại kết hợp như bài Họa mi hót trong mưa. Tuy nhiên bây giờ Tùng mới hiểu đây là một cách gọi taxi rất lạ và thú vị".
Đội TP HCM của Phan Đinh Tùng lại chọn ca khúc Bay từng đánh dấu sự sáng tạo thành công của hợp ca Long Xuyên để thể hiện trong đêm chung kết. Các chàng trai, cô gái Sài Gòn tạo ấn tượng mạnh với màn trình diễn vũ đạo nóng bỏng và phong cách thể hiện độc đáo, cuốn hút. Họ rất thông minh và khéo léo khi biến ca khúc thành một điệu tango quyến rũ, tạo điểm nhấn đặc trưng cho tiết mục của mình.
Ca sĩ Mỹ Lệ bày tỏ sự khâm phục với phần trình diễn của đội TP HCM: "Khi bị bắt buộc phải hát một bài hát của đội khác đã rất thành công thì chúng tôi cảm thấy rất khó xử khi không biết làm sao để vượt qua cái bóng của đội bạn. Nếu cho Mỹ Lệ dựng bài hát này thì Lệ cũng không biết phải làm gì. Đội TP HCM đã chuyển ca khúc thành một điệu tango rất quyến rũ, đáng yêu".
Đội TP HCM khoe vẻ sôi động, quyến rũ qua điệu tango và ca khúc 'Bay'. |
Đội Huế tỏ ra mạo hiểm khi chọn đúng ca khúc được đánh giá là thành công nhất của hợp ca TP HCM để biểu diễn trong đêm chung kết. Họ ra sân khấu với phong cách Tây Nguyên và hát máu lửa trong ca khúc Vũ điệu hoang dã sôi động, đầy màu sắc. Phần thi của đội Huế được đông đảo khán giả hưởng ứng và cổ vũ. Ca sĩ Đức Tuấn nhận xét : "Các bạn đã thổi đến một làn gió mới, một không khí mới để phá tan không khí hoang dã cũ của đội Phan Đinh Tùng. Tuấn rất thích sự kết hợp nhiều thứ của các bạn trong đó".
Sau đêm chung kết, khán giả có thể bình chọn cho đội hợp ca mà mình yêu mến để quyết định đội nào giành được phần thưởng lớn nhất của chương trình là 500 triệu đồng. Hội chữ thập đỏ Việt Nam đồng hành cùng chương trình với tư cách là đơn vị quản lý nguồn tài chính và sẽ phối hợp cùng các đội hợp ca thực hiện các hoạt động thiện nguyện tại quê hương của mỗi đội.
Đêm công bố kết quả đội hợp ca xuất sắc giành được phần thưởng lớn nhất của chương trình Hợp ca Tranh tài sẽ truyền hình trực tiếp vào 20h tối thứ sáu ngày 4/5 trên kênh VTV3.
*Ảnh đêm chung kết Hợp ca Tranh tài đầy màu sắc |
Hương Giang
Ảnh: T.H.