Tử cung lạnh là tình trạng bệnh phổ biến trong y học cổ truyền, là một trong những nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn. Khi đó, âm dương bên trong cơ thể nữ giới mất đi sự cân bằng. Lúc này, mạch máu tới tử cung sẽ bị co thắt khiến cho khu vực tử cung và buồng trứng không được cung cấp đầy đủ lượng máu cần thiết.
Đặc điểm chung của những người có tử cung lạnh
1. Đau bụng kinh
Theo bác sĩ Trung y Tian Yimin, các triệu chứng lâm sàng thường gặp của bệnh tử cung lạnh gồm: rối loạn kinh nguyệt, đau bụng kinh, chu kỳ kinh nguyệt không đều hoặc vô kinh (không có kinh), kinh nguyệt ít, kinh nguyệt sẫm màu với nhiều cục máu đông, chảy máu kinh nguyệt dai dẳng, kinh nguyệt kéo dài hơn mười ngày và kinh nguyệt không rụng trứng. Bạn bị tiết nhiều khí hư, đốm nâu, kinh nguyệt chậm, ham muốn tình dục thấp, khi mang thai có thể gặp vấn đề thai nhi chậm phát triển.
Khi đối mặt với sự mất cân bằng nội tiết tố và các tình trạng khác, chúng đều là sự thiếu hụt hoặc thoái hóa chức năng và được xếp vào phạm vi bệnh tử cung lạnh. Bạn cần chú ý giữ ấm nhiều hơn và tránh ăn đồ lạnh. Đồng thời, bạn nên đến viện để kiểm tra.
2. Tay chân lạnh
Bàn tay của nhiều cô gái đặc biệt lạnh, mọi người cho rằng đó là do con gái yếu đuối. Nhưng nếu cô gái chưa từng tiếp xúc với nước lạnh mà tay vẫn rất lạnh, có thể người này đang có tử cung lạnh.
3. Da mặt xỉn màu
Theo y học cổ truyền Trung Quốc, khuôn mặt của một người khỏe mạnh bình thường phải hồng hào và sáng bóng. Nếu sắc da của bạn đột nhiên chuyển sang màu vàng và cả người trông thiếu sức sống, có thể là ứ khí huyết. Lúc này, da sẽ xỉn màu, dễ xuất hiện màu xanh tím do thiếu máu cục bộ, trên mặt có thể xuất hiện các vết đốm, mụn trứng cá. Nếu đang nhiễm bệnh, bạn nên chăm sóc cơ thể càng sớm càng tốt.
Nguyên nhân gây lạnh tử cung
1. Phụ nữ bẩm sinh có gen yếu, thể chất dễ nhiễm lạnh, dễ bị lạnh tử cung do năng lượng dương trong cơ thể không đủ.
2. Thói quen sinh hoạt thích ăn đồ lạnh có thể khiến cơ thể suy nhược, khiến chứng đau bụng kinh trở nên trầm trọng hơn. Để hiểu hơn về điều này, bạn hãy tưởng tượng, nếu bạn thường xuyên giữ cơ thể ở trạng thái lạnh, cơ thể sẽ tốn nhiều công sức hơn để tạo ra năng lượng giữ ấm. Khi đang trong kỳ kinh nguyệt, cơ thể tương đối yếu và bạn ăn một ít đá, đồ ăn lạnh, nó sẽ gây co thắt mạch máu, gây đau bụng kinh.
Vì vậy, những phụ nữ thường xuyên mang theo đồ uống lạnh, uống nước đá ba bữa một ngày, thích ăn đồ sống và lạnh, thích tắm nước lạnh ngay cả khi đang trong kỳ kinh nguyệt cần hạn chế sở thích này.
Cách phòng tránh lạnh tử cung
Trong chăm sóc hàng ngày, bạn có thể sử dụng các nguyên liệu có tính ấm để phòng tránh lạnh tử cung.
- Ăn nhiều thực phẩm bổ dưỡng và làm ấm cơ thể: Phụ nữ bị lạnh tử cung có thể ăn nhiều đồ ăn nóng để làm ấm tử cung, khiến khí huyết lưu thông thuận lợi. Ví dụ, bạn có thể ăn nhiều quả óc chó, chà là, đậu phộng, thịt cừu, đường nâu, nhãn, gừng, vải, sầu riêng, các thực phẩm có màu đen như gạo lứt đen, nấm đen, chà là.
Ngoài ra, khi nấu ăn bạn có thể dùng các gia vị tính ấm như hành, gừng, tỏi. Tuy nhiên tiêu, ớt có tính nóng, gây kích ứng, không nên ăn quá nhiều. Các loại rau xanh phải được nấu chín trước khi ăn, trừ loại có thể ăn sống nhưng cũng cần hạn chế.
Lưu ý: Nếu bạn có thể chất dễ nhiễm lạnh lẫn nóng trong, bạn nên ăn một số thực phẩm ít gia vị để tránh nóng, không gây lở loét miệng và mụn trứng cá.
- Tập thể dục thường xuyên: Phụ nữ không đủ dương khí và tuần hoàn máu kém có thể tùy theo tình trạng thể chất của mình để tập thể dục thường xuyên, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội. Nhờ đó, có thể thúc đẩy tuần hoàn máu ở xương chậu và làm ấm tử cung.
- Massage huyệt: Bạn có thể giảm bớt sự khó chịu do lạnh tử cung bằng cách ấn vào huyệt. Cách làm: Mỗi ngày dùng khăn nóng chườm vào huyệt khoảng 30 phút, sau đó xoa bóp huyệt cho đến khi hơi đau (khoảng ba phút).
Huyệt 1: Huyệt khí hải nằm ngay dưới giữa rốn 3,81 cm.
Huyệt 2: Huyệt quan nguyên nằm ngay dưới giữa rốn 7,62 cm.
Huyệt 3: Huyệt tử cung nằm dưới giữa rốn 10,16 cm và lệch sang bên 7,62 cm.
Mẹo nhỏ: Phụ nữ dễ bị lạnh tay chân vào mùa đông hoặc đang trong thời kỳ kinh nguyệt có thể dùng gừng cay nồng, nhưng với những phụ nữ dễ bị loét miệng, táo bón thì không nên dùng.
Hằng Trần (Theo Womenshealthmag, Sina)