Thúy Lan
(Thi viết 'Người phụ nữ tôi yêu')
"Một ngọn lửa chờn vờn sương sớm
Một ngọn lửa ấp iu nồng đượm
Cháu thương bà biết mấy nắng mưa"...
Đó là những câu thơ của nhà thơ Bằng Việt viết về bà mình. Với cháu, những câu thơ ấy như có một sức hút kỳ lạ, đưa cháu về bên bà, bài thơ Bếp lửa ấy như gắn với cuộc sống của bà trong 4 mùa xuân - hạ - thu - đông.
Bà là em gái út của ông nội. Nhưng khi cháu đến với đời, cháu đã được bà chăm sóc, bà luôn giữ một vị trí đặc biệt trong trái tim mà không bao giờ cháu được phép quên. Dáng của bà nhỏ bé, gầy guộc. Cuộc đời của bà là "đất nước lầm than trong chiến tranh, là quê hương không bao giờ ngơi tiếng súng, là cuộc sống không còn cha mẹ phải ở đợ cho người", là một người vợ đã mất đi người chồng trong chiến tranh và là một người mẹ mất đi cậu con trai duy nhất chỉ vì bệnh tật, đói nghèo.
Tuổi thơ của cháu là bà, là những tháng ngày êm đềm nhất. Trí nhớ non nớt của đứa bé như cháu là được bà chăm ẵm, là hình ảnh bà bế cháu đi chơi, dẫn cháu đi học mẫu giáo. Tất cả những việc làm của bà, cháu đã nghĩ đó là việc tất nhiên phải thế.
Rồi một ngày không thấy bà ở nhà, cháu thấy buồn và thiếu vắng một điều gì đó nhưng với một đứa trẻ học cấp I ngày ấy, cháu cũng không thể hiểu mình buồn vì điều gì. Bà khi ấy còn khỏe lắm! Mắt bà chỉ hơi mờ thôi, thỉnh thoảng cháu thấy bà đảo về qua nhà và lấy trong túi ra mấy quả ổi, quả chuối gọi là quà cho cháu. Cháu vui mừng nhận lấy nhưng cũng không đủ khôn để hỏi bà đã đi đâu trong những ngày qua? Và rồi cháu lại không gặp bà nữa...
Thời gian trôi đi, đến một ngày, bố cháu đón bà về nhà, dáng bà vẫn gầy nhưng yếu ớt, lại thêm phần không nghe rõ. Bà đã về, cháu vui lắm nhưng đó cũng là lúc sức khỏe của bà yếu đi. Giờ đây, cháu đã lớn, đã có những cảm nhận rõ hơn về thế giới muôn màu. Cháu đã có được những câu trả lời mà xưa kia không hiểu. Thì ra thời gian qua, do cuộc sống khó khăn, bà đi ở và chăm con cho những gia đình giàu có. Bà cũng chăm ẵm những đứa trẻ đó như chăm cháu vậy, chỉ khác một điều vì cháu là đứa trẻ đặc biệt của bà, cháu là cháu nội của anh trai bà nên tình cảm bà dành cho cháu lớn lắm, không bao giờ cháu có thể trả được. Cháu chỉ biết cố gắng cho cuộc sống của cháu được tốt đẹp hơn theo mong mỏi của bà.
Bà trở về quê hương khi không còn chồng, không còn con. Bà chỉ còn bố cháu, người cháu trai trưởng mà bà tin tưởng. Bố đã xây cho bà một ngôi nhà nhỏ ngoài vườn, cạnh con đường nhỏ của làng. Tuổi thơ của cháu là những tháng ngày đuổi bướm cầu ao, bắt ve sầu, bắt giun, bắt dế và nghỉ chân ở nhà bà khi đã thấm mệt, là những buổi chiều ngồi ngắm khói bếp bốc lên trên mái nhà của bà - nơi đó bà đang nấu bữa cơm chiều.
Sẽ không còn trở lại những ngày tháng năm ấy, một cô nhóc đi học xa nhà và được về quê trong những ngày ngắn ngủi. Bà lúc nào cũng ở bên cháu, đi theo cháu từng bước một. Cháu đã không hiểu được tình cảm của bà dành cho cháu bao la và đặc biệt như thế. Nhiều khi cháu đã phát cáu với bà chỉ vì lúc nào bà cũng đi theo cháu. Cháu đã cáu bẳn và khó chịu, tưởng như bà sẽ ghét cháu nhưng không, bà không bao giờ để bụng vì mấy chuyện đó, tình cảm của bà đối với cháu vẫn còn nguyên vẹn. Qua những lần khó chịu của cháu, cháu càng thấy ghét bản thân mình và càng thương bà hơn.
Cháu hay cõng bà trên lưng, đi trên con đường làng quen thuộc, giống như ngày thơ bé bà hay cõng cháu vậy. Cháu không bỏ bà xuống mặc dù bà muốn xuống vì ngại ánh nhìn của hàng xóm nhưng cháu cứ thế cõng bà về nhà, về đến khung trời bình yên của hai bà cháu mình.
Ngày bà mất, trời đất như sụp đổ dưới chân cháu nhưng cháu hiểu ngày đó sớm muộn gì cũng đến. Cháu khi đó 25 tuổi, đã đủ chín chắn để không đau khổ, đủ tỉnh táo để tự dặn lòng mình không khóc nhiều. Vậy mà giây phút cuối cùng khi người ta đưa bà đi, cháu đã không kìm được nước mắt, tình cảm dồn nén bấy lâu với bà đã ôm chặt lấy cháu. Cháu nghẹn đắng và lịm người đi đến khi không biết gì. Tỉnh dậy, cháu đã không còn bà nữa, mông lung trong chuỗi ngày qua, hình như cháu chưa nói "cháu yêu bà"...
Giờ đây, ở tuổi 27, cháu đang lục tìm trong bộ nhớ của mình về những tháng ngày bình yên, lục tìm tấm vé đi tuổi thơ và trong "chuyến tàu" đó, cháu đã tìm thấy bà - một người xây nên tuổi thơ bình yên của cháu. Cháu thầm cảm ơn bà đã cho cháu tuổi thơ và câu chuyện cổ tích về bà. Xin bà hãy yên nghỉ, cháu sẽ cố gắng theo mong mỏi của bà. Cháu yêu bà rất nhiều, bà ơi!