- Con gái út Mỹ Anh vừa tốt nghiệp phổ thông, vợ chồng chị dự định cho con học đại học trong nước hay đi du học như anh chị của cô bé?
- Gia đình quyết định cho Mỹ Anh học hai năm tại Việt Nam và sang năm thứ ba sẽ ra nước ngoài. Thực lòng chúng tôi không muốn con đi vì đứa nào đi rồi cũng ở lại, không về nước.
- Chị tưởng tượng cuộc sống ra sao khi sau này, các con lần lượt ra nước ngoài định cư?
- Cách đây một năm, tôi có nói với anh Quân: "Chúng ta phải học cách chơi với nhau vì con cái sắp đi cả rồi". Tôi thấy nhiều nhà "giải tán" khi con lớn vì mỗi người một chí hướng, không có mối liên hệ nào cả. Anh Quân rất ít nói, khi nghe thế, anh vẫn im lặng. Tuy nhiên, anh có những cải thiện đáng kể như quan tâm đến vợ hơn. Ví dụ thấy tôi đi làm về, anh giục đi tắm rồi ra phòng khách bật phim cho tôi xem. Hoặc hôm nào rảnh, hai vợ chồng cùng tập golf.
- Nhiều người Việt thích sống gần con cái lúc về già, còn chị thì sao?
- Tôi nghĩ nếu không có điều kiện gần gũi con cái thì phải tự tìm niềm vui. Bây giờ niềm vui của tôi là dạy hát, uốn nắn học sinh, làm bánh, chạy bộ... Muốn hạnh phúc, mình phải tự thân. Khi mà mình vẫn chờ đợi vào một điều gì đó làm mình vui thì mình sẽ không thể hạnh phúc được.
Bây giờ mỗi sáng thức dậy, tôi nguyện cầu 24 giờ tiếp theo sẽ toàn những điều tích cực. Khi mình khởi tâm mong muốn một ngày vui, thì mình sẽ gặp toàn niềm vui đấy.
- Ở Australia, con trai chị - Anh Duy - xoay xở cuộc sống thế nào?
- Anh Duy đi du học bậc phổ thông cách đây ba năm, sắp tới sẽ thêm 4 năm đại học. Cuộc sống của con cũng như bao du học sinh khác, phải tự lập mọi việc tự nấu ăn, giặt rũ, chăm sóc bản thân. Tuy nhiên tôi thấy điều đó rất bình thường. Con người mà, phải khổ mới thành công được. Vừa qua, Anh Duy có tin vui là đậu vào Đại học Melbourne ở Australia, ngành Bác sĩ Y khoa nhờ kết quả học tập tốt. Trong bài kiểm tra sát hạch, con lọt vào top 2% thí sinh có điểm số cao.
- Sinh trưởng trong gia đình có truyền thống nghệ thuật, tại sao Anh Duy một mình chọn lối đi riêng?
- Duy học piano từ nhỏ, thích nhảy và được bố mẹ bồi dưỡng năng khiếu ấy từ tấm bé nhưng nghề nghiệp mà con chọn có thể là cái duyên. Tuy gia đình tôi không có ai theo ngành y nhưng hai người em ruột của ông nội Duy (nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh) đều là những bác sĩ rất giỏi. Có thể con không theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng piano hay nhảy sẽ giúp con cân bằng lại sau những giờ học tập, làm việc căng thẳng. Ở Australia, Duy là chủ tịch một câu lạc bộ gồm các bạn sinh viên đam mê nhảy.
- Trong ba người con Anna, Anh Duy và Mỹ Anh, chị thấy ai giống mẹ nhiều nhất?
- Tôi thấy các con tôi đều mang nhiều nét tính cách của bố (nhạc sĩ Anh Quân). Đứa nào cũng trầm tính, sâu sắc và không nói nhiều như mẹ.
- Chị và ông xã có ảnh hưởng thế nào tới hai người con hiện theo đuổi nghệ thuật là Anna và Mỹ Anh?
- Lúc trước tôi có luyện thanh cho Anna được vài buổi còn Mỹ Anh thì gần như không. Con không có thời gian vì cách đây vài tháng sau khi tốt nghiệp phổ thông đã bắt đầu luyện IB (bằng cấp nổi tiếng trên toàn thế giới dành cho học sinh muốn tìm kiếm một chương trình đào tạo mở rộng). Để đảm bảo đầu ra, con phải học đầu tắt mặt tối nên làm gì còn thì giờ cho mẹ dạy hát. Con chủ yếu tự mày mò và quan trọng hơn là môi trường gia đình nghệ thuật đã giúp con học một cách thụ động.
Mỹ Anh làm quen âm nhạc từ lúc trong bụng mẹ. Giai đoạn mang thai con, tôi đang tất bận làm đĩa nên lúc nào cũng bật nhạc và hát. Lúc sinh con ra, tôi vừa bế con trên tay, vừa thu âm ca khúc "Để mãi được gần anh". Hồi đó Mỹ Anh chưa biết nói nhưng đã biết hát. Con có thể ê a theo giai điệu rất đúng nhịp.
Tôi nghĩ đứa trẻ sinh ra trong gia đình nghệ thuật sẽ ít nhiều thừa hưởng gen di truyền. Tôi không luyện thanh cho con nhưng hàng ngày Mỹ Anh nghe mẹ hát rồi tự khắc biết cách để hát.
- Cách đây 5 tháng, Mỹ Anh ra MV đầu tay "Got you". Chị hỗ trợ con thế nào trong lần thử sức này?
- Con tự làm mọi thứ, chỉ hỏi tôi về các thủ tục pháp lý. Chị gái Anna dặn Mỹ Anh không tự ý ký các loại giấy tờ mà phải tham khảo ý kiến của bố mẹ. Về MV, Mỹ Anh có những người bạn trong cộng đồng nhạc indie để học hỏi, giúp đỡ và lan tỏa âm nhạc của nhau. Tôi tạo điều kiện bằng cách cho con học lái xe, dạy con kỹ năng giao tiếp, đàm phán trong những lần làm việc với người ta.
- Mỹ Anh được chị gái Anna Trương - người hoạt động trong lĩnh vực sản xuất âm nhạc chuyên nghiệp - hỗ trợ những gì?
- Mỹ Anh rất thần tượng chị gái. Tôi biết điều đó nên cố gắng dạy dỗ Anna thật tốt và sau đó hai đứa nhỏ sẽ nhìn vào chị để học tập. Mỹ Anh rất nhút nhát. Con viết bài "Got you" một năm nhưng không dám ra mắt vì sợ chưa đủ hay hoặc sợ người khác nghĩ đó là sản phẩm của bố mẹ. Lúc ấy Anna đã hỗ trợ em rất nhiều về mặt tâm lý. Nhờ vậy, con bé tự tin hơn trong lần đầu giới thiệu một MV ca nhạc.
- Theo chị, tính cách nhút nhát của Mỹ Anh sẽ tạo ra những hạn chế gì khi cô bé theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp?
- Chính Mỹ Anh cũng nhận thấy đó là hạn chế. Đôi lúc con suy nghĩ về việc cởi mở và hoạt động trên mạng xã hội nhiều hơn, nhưng rồi không thể vì lo sợ những luồng dư luận không tích cực. Tôi bảo con rằng: "Một người thành công đâu nhất thiết phải phủ sóng trên mạng xã hội, như bố con là ví dụ. Bố con rất kín tiếng nhưng ai bảo bố không thành công". Tôi khuyên con hãy là chính mình, khẳng định bản thân bằng những sản phẩm tốt.
Mỹ Linh và Anh Quân có ba người con: Anna Trương, 25 tuổi; Anh Duy, 23 tuổi và Mỹ Anh, 18 tuổi. Anna Trương là con riêng của nhạc sĩ Anh Quân, mang hai dòng máu Việt Nam và Đức. Cô tốt nghiệp trường nhạc danh giá và hiện làm việc cho studio nổi tiếng ở Hollywood, Mỹ. Công ty mà Anna đầu quân thực hiện nhiều dự án lớn trong đó cô trực tiếp phụ trách phối nhạc cho các bộ phim bom tấn như Frozen 2, Deadpool 2, Wreck - It Ralph 2, Mary Poppins Returns...
Đại học Melbourne nơi Anh Duy sắp theo học được đánh giá là trường đạo tạo ngành y tốt nhất Australia và đứng thứ 21 trên thế giới. Mỗi năm, trường dành rất ít chỉ tiêu cho ngành Bác sĩ Y khoa nhưng Anh Duy đã vượt qua nhiều thí sinh để trúng tuyển. Mỹ Anh thừa hưởng giọng hát hay của mẹ, khả năng sáng tác từ bố. Cô bé từng bước gây dựng hình ảnh độc lập, tách rời cái bóng quá lớn của cha mẹ.
Lam Trà thực hiện