Vì lí do công việc, gia đình, Ngọc Hân (29 tuổi ở TP HCM) thường xuyên di chuyển trong và ngoài nước trong thời gian mang thai. Trong chuyến bay từ Đà Nẵng về TP HCM mới đây, Hân phải giải thích với hãng hàng không do lúc này thai đã 29 tuần 6 ngày. Sau khi trao đổi với đại diện hãng, họ đồng ý để khách lên tàu bay vì cô không có triệu chứng gì bất thường. Cô cũng đồng ý ký giấy miễn trừ trách nhiệm và có giấy chứng nhận sức khoẻ tốt của bác sĩ tại sân bay Tân Sơn Nhất trước đó 3 ngày.
Theo Hân, lý do các hãng nghiêm ngặt như vậy là vì dạo gần đây nhiều trường hợp sản phụ có dấu hiệu sinh sớm trên máy bay. Mới nhất là một bà bầu sinh bé trai nặng 2,7 kg trên đường từ Sài Gòn ra Đà Nẵng trên chuyến bay của hãng Jetstar. Em bé ra đời an toàn do trên máy bay khi đó có hành khách là bác sĩ.
Dưới đây là một số kinh nghiệm đi máy bay của bà bầu Ngọc Hân (Chouxie):
Thứ 1: Bạn cần xác định chuẩn bị bay đi đâu, chuyến bay dài hay ngắn, nội địa hay quốc tế.
Thứ 2: Thai kỳ đang bao nhiêu tháng, tình trạng sức khoẻ của mẹ và bé, tình hình sức khoẻ trong suốt thai kỳ có ổn định không? Bạn có tiền sử sảy thai, đang mang thai sinh đôi hoặc sinh ba hay di chuyển khó khăn?... Tất cả những vấn đề này chỉ cần trao đổi với bác sĩ sản khoa của bạn để cân nhắc khi muốn đi bằng máy bay. Trong trường hợp sức khỏe thai phụ không đảm bảo, bác sĩ có thể khuyên bạn nên ở nhà dưỡng thai.
Thứ 3: Bạn cần tìm hiểu một số quy định của các hãng hàng không, bằng cách gọi đến số đường dây nóng của hãng mà bạn dự định bay để hỏi trước khi đặt vé. Các hãng thường có những quy định khác nhau cho phụ nữ mang thai và có quyền từ chối cho bạn lên máy bay, đặc biệt khi thai kỳ càng lớn.
Quy định chung của các hãng hàng không:
Theo quy định trước đây, khi mang thai dưới 8 tháng, bạn vẫn có thể bay bình thương, bất kể chuyến dài hay ngắn, miễn là có giấy chứng nhận của bác sĩ. Chouxie lưu ý riêng quy định chung và hướng dẫn thủ tục, giấy tờ các mẹ bầu cần chuẩn bị trước khi bay.
- Với hành khách thai dưới 24 tuần, bác sĩ sẽ cấp cho bạn Flight Certificate (Giấy chứng nhận đủ sức khỏe khi bay) nếu tình trạng của bạn và bé bình thường.
- Thông thường, giai đoạn 14-27 tuần là thời gian tốt nhất để các mẹ bầu bay vì thời điểm này thai nhi đã khá ổn định. Nhiều bạn sẽ thắc mắc nếu bụng nhỏ, mẹ bầu có thể dễ dàng qua mặt nhân viên hàng không, vậy cần gì phải xuất trình giấy tờ hay khai báo chi cho rắc rối. Tuy nhiên, mẹ bầu nên thông báo với nhân viên check-in mặt đất rằng bạn đang mang thai.
Theo Chouxie, thứ nhất, đây là vì sự an toàn của bạn và bé. Nhiều thai phụ có bụng nhỏ hơn so với các bà bầu cùng tháng. Đối với chuyến bay ngắn, sẽ kkhông vấn đề nếu tình trạng sức khỏe mẹ bầu tốt. Tuy nhiên, nếu chuyến dài, áp suất trên máy bay thay đổi, máy bay qua vùng thời tiết xấu, thức ăn trên máy bay... lỡ bạn có bất cứ vấn đề gì mà phi hành đoàn chưa được thông báo có thai phụ trên máy bay (cái này trong danh sách gửi cho cơ trưởng ghi rõ nếu khi check in bạn có thông báo), phi hành đoàn sẽ không hỗ trợ kịp thời được.
Càng gần đến tam cá nguyệt thứ ba nếu bạn cố tình qua mặt hoặc nói dối hãng hàng không, trong trường hợp sinh sớm, bạn có thể bồi thường tổn thất vì máy bay phải đáp khẩn cấp. Việc này ảnh hưởng đến cả chuyến bay (có viết rõ trong giấy miễn trừ trách nhiệm).
Thứ hai, bạn được phép yêu cầu nhân viên check-in xếp chỗ cho mình ngồi ghế ngoài cùng vì thai phụ thường đi vệ sinh nhiều lần. Họ phải có trách nhiệm hỗ trợ bạn bê vác hành lý lên cân (nếu bạn du lịch một mình). Bạn có thể chọn chỗ ngay khu vực cánh máy bay để tránh xóc khi qua vùng thời tiết xấu hoặc chỗ ngồi có thể duỗi chân tạo sự thoải mái cho bạn.
Vậy nên quyết định là ở bạn khi thông báo với nhân viên check-in ở mặt đấy hay không. Bản thân tôi luôn tuân thủ điều này, dù bụng nhỏ hay lớn.
- Khi làm thủ tục check- in, thai phụ ngoài cung cấp giấy tờ tùy thân ID – passport, cần cung cấp Flight Certificate hoặc sổ khám thai, phiếu siêu âm (đối với thai kỳ trên 24 tuần là siêu âm 4D hình thái học có ghi tình trạng sức khoẻ ổn định kèm kết luận của bác sĩ) chứng minh được tuần tuổi của thai nhi. Hành khách sẽ được yêu cầu ký vào giấy miễn trừ trách nhiệm tại sân bay.
Lưu ý: Đọc kỹ trước khi ký. Tôi xin trích lại những phần quan trọng để bạn hiểu và lưu ý. "Tôi tên... chịu trách nhiệm hoàn toàn về những rủi ro có thể xảy ra khi di chuyển bằng đường hàng không. Trong bất kỳ tình huống nào có thể xảy ra sự cố... không giới hạn cụ thể một vấn đề riêng biệt nào như khi di chuyển độ cao, áp suất, nhiệt độ, tốc độ, hướng, múi giờ… có thể ảnh hưởng đến sức khoẻ và thể chất của tôi. Tôi đồng ý miễn trừ trách nhiệm cho... (tên hãng hàng không) và các cá nhân của hãng (nói đơn giản là họ không có trách nhiệm pháp lý cũng như không chịu bất cứ chi phí y tế nào liên quan nếu bạn có bất trắc trên chuyến bay này).
Điều quan trọng là dưới thư có phần này: Tôi đồng ý hoàn lại cho... (tên hãng hàng không) khi có yêu cầu thanh toán về các khoản đặc biệt, chi phí phát sinh cho hãng hoặc theo đại diện của hãng với hãng chuyên chở được đề cập. Nhiều người hẳn có nghe đến trường hợp thai phụ cố tình nói dối tuần tuổi của thai nhi để sinh trên địa phận nước Mỹ nhằm lấy quốc tịch cho con. Cuối cùng chưa đến Mỹ, sản phụ này đã sinh rồi làm ảnh hưởng đến chuyến bay và cuối cùng bị hãng phạt số tiền rất lớn.
- Hành khách mang thai 28-32 tuần: Khi làm thủ tục check-in, ngoài giấy tờ tuỳ thân cần cung cấp sổ/giấy khám thai hoặc giấy Flight certificate có giá trị trong vòng 7 ngày so với ngày khởi hành nếu bạn có ý định sử dụng giấy này cho cả hành trình đi và về. Bên cạnh đó, bạn có thể phải mang đầy đủ hồ sơ suốt quá trình thai kỳ chứng minh bạn ổn định và không có dấu hiệu bất thường. Hãng hàng không sẽ yêu cầu bạn gặp bác sĩ tại sân bay để kiểm tra huyết áp, đo nhịp tim và dựa vào những biểu hiện sức khoẻ của bạn mà quyết định cho lên máy bay hay không.
Bác sĩ sẽ cho bạn ký tên và viết vào Mẫu thông tin sức khỏe hành khách. Như trường hợp của tôi, tôi được phép bay khi mang thai 29 tuần ba ngày, sau khi bác sĩ tại sân bay kết luận sức khỏe tốt, đủ điều kiện bay.
- Hành khách trên 32 tuần: Hãng hàng không có quyền từ chối cho lên máy bay.
- Hãng có quyền không hoàn trả tiền vé hoặc xử lý theo hướng khác cho trường hợp đó vì đã cố ý làm trái điều lệ quy định.
- Trong các trường hợp sau, mẹ bầu nên tránh đi máy bay nếu có thể: Mang thai sinh đôi, sinh ba nặng nề mà phải đi một mình, mắc bệnh tiểu đường hoặc cao huyết áp, có bất thường về nhau thai, có triệu chứng đau bụng co thắt hoặc chảy máu âm đạo, có dấu hiệu sinh non hoặc có tiền sử máu vón cục kể cả trước khi mang thai.
Lưu ý với các mẹ bầu đang ở tam cá nguyệt đầu tiên (mang thai từ 1-3 tháng đầu). Khi thai ở thời điểm này, tôi bay từ Italy về Việt Nam. Vì chuyến bay dài nên bác sĩ cho tôi thuốc đặt an thai trong một tuần. Nói chung, các mẹ bầu lo lắng cứ trao đổi với bác sĩ sản khoa của mình để biết nên làm gì.
Những điều cần biết cho các mẹ bầu khi đi qua cổng an ninh mặt đất và khi bay:
1. Mẹ bầu thường được khuyên không nên đi qua cửa scan tại sân bay. Bạn có thể thông báo với nhân viên an ninh là đang mang thai kèm giấy tờ liên quan chứng nhận việc này. Ở các sân bay nước ngoài, khi thấy khách mang bầu, một là họ có lối đi ưu tiên, hai là sẽ tắt máy để bạn bước qua và cho nhân viên an ninh nữ soát cơ thể. Tại Việt Nam, một vài lần đi qua cửa scan, tôi báo với nhân viên an ninh rằng mình có bầu. Họ tắt máy và vui vẻ cho nhân viên nữ kiểm tra.
Lần mới nhất bay đi Đà Nẵng, tôi được giải thích rằng trên thế giới có Mỹ là nước duy nhất sử dụng cổng scan như tia Xray còn Việt Nam và các nước khác, tia phát ra từ cổng này không có hại. Tôi hỏi người bạn là bác sĩ ở Quảng Châu, Trung Quốc, chị ấy cũng xác nhận là no side effect (không có tác dụng phụ). Tuy nhiên, hạn chế được thì tốt.
2. Khi đi qua cổng an ninh, bạn thường không được mang theo nước và phải bỏ liquid (chất lỏng) trước khi qua máy scan. Vậy nên, nếu là chuyến bay xa, bạn hãy tập thói quen mang theo bình nước giữ nhiệt. Các sân bay quốc tế đều có thể châm nước miễn phí. Lúc mang thai, bạn cần bổ sung đủ lượng nước, điều này cực kỳ quan trọng.
3. Bạn nên duỗi thẳng, uốn cong bàn chân và cẳng chân tại chỗ mỗi 15-20 phút để máu lưu thông tốt và giảm nguy cơ máu vón cục, sưng bàn chân. Thai phụ có thể nhờ tiếp viên hàng không cho mượn gối nhỏ để lót dưới lưng cho đỡ mỏi.
4. Khi ngồi, nhớ để dây an toàn gắn chặt phần dưới bụng sao cho thoải mái là được.
5. Tránh ăn các loại thực phẩm chiên xào, nhiều dầu mỡ hoặc làm bạn đầy hơi vì điều đó sẽ làm bạn không thoải mái nếu áp suất máy bay thay đổi.
6. Hạn chế thức ăn trên máy bay nếu có thể vì đồ ăn hâm đi lại nhiều lần dinh dưỡng cũng không cao, chỉ chống đói chứ không tốt cho sức khoẻ mẹ bầu. Nếu được, bạn nên mang theo ít bánh quy ăn kiêng hoặc ăn ít chống đói.
7. Trong buồng vệ sinh trên máy bay, thường bên trái sẽ có hộp giấy đựng Toilet seat cover. Nhớ lấy cover (nắp) bồn toilet trước khi ngồi. Bạn chỉ cần đặt lên bồn cầu và ngồi xuống trên giấy cover rồi dùng khăn giấy cuộn lại và quăng đi sau khi dùng xong. Nhớ rửa tay với xà phòng thật kỹ sau khi đi vệ sinh. Tôi luôn mang theo giấy ướt và chai rửa tay sát khuẩn nhỏ trong túi xách để đảm bảo vệ sinh.
8. Khi bị ù tai, bạn có thể áp dụng các cách sau: Một là, nuốt nước bọt nhiều lần. Hai là ngáp (không cần buồn ngủ vẫn cứ thực hiện động tác như ngáp là hết ngay). Ba là, nếu vừa bị nghẹt mũi lại ù tai, bạn chỉ cần bịt chặt mũi dùng hết hơi đẩy ra phía ngoài cho đến khi cảm nhận nghe bình thường là được.
Nguyễn Thị Ngọc Hân