Trên chiếc giường nhỏ, bà bầu Mai Lệ Huyền bày biện những bộ đồ sơ sinh chuẩn bị cho đứa con sắp chào đời để ngắm. Toàn bộ món đồ xinh xắn đó đều do một tay cô cắt, may, đan hay móc. Không chỉ tự thiết kế quần áo, bà mẹ trẻ còn cùng chồng đóng tủ đựng đồ và làm mọi thứ cho đứa con đầu lòng, thay vì mua sẵn. Với cô, ngoài việc tiết kiệm, may đồ cho con còn là sở thích, niềm vui, giúp tăng sự gắn kết giữa hai vợ chồng.
>> 'Bộ sưu tập' quần áo của mẹ bầu chuẩn bị cho con
Mang thai lần đầu, Huyền bị ốm nghén 3-4 tháng và sụt 5 kg. Từ tháng thứ 5, cô bắt đầu tăng cân lại. Em bé ngày một lớn khiến da bụng cô rạn, căng rớm máu và ngứa. Để khắc phục tình trạng này, cô tự làm dầu dưỡng bôi mềm da bụng.
Khi mang thai được 8 tháng, cô mới bắt đầu dùng máy may. Biết được ý định của Huyền, ông xã ủng hộ và đưa cô đi mua vải cùng các phụ kiện cần thiết. Chưa từng học qua may, Huyền xem video hướng dẫn trên mạng; tự mày mò, cắt tháo quần áo cũ, hỏng ra để tham khảo đường cắt, rồi dần dần tự làm được. Hồi mới may, cô bị gãy kim và rối chỉ nhiều lần. Giờ đã thành thạo, Huyền chỉ mất từ 25-30 phút để hoàn thành bộ đồ cho con, gồm cả cắt và may. Ngoài những bộ đơn giản, cô còn thử sức mình ở đa dạng các loại như áo body suit, body liền tay liền chân, tã chéo, chăn ủ và quần lót bỉm.
Mỗi lần cắt vải, Huyền chập vào cắt một lượt rồi ngồi may lần lượt từng cái. Chỉ trong một buổi chiều, cô may được chục chiếc quần và hôm sau thêm chục chiếc áo. Khi thấy mỏi lưng, cô dừng lại nghỉ và chiêm ngưỡng nhìn thành quả của mình.
"Tôi thấy hạnh phúc khi tự tay làm từng chiếc quần, áo, chiếc mũ hay khăn cho Shin (tên ở nhà của con trai Huyền). Vợ chồng tôi đang háo hức mong chờ con chào đời. Ông xã cũng sẵn sàng cùng vợ may vá, đóng tủ hay đưa tôi đi mua đồ trang trí", Huyền nói.
Chồng Huyền thường giúp cô chuẩn bị các dụng cụ may, dọn dẹp đống vải dư thừa. Từ ngày vợ mang bầu, anh luôn là người suốt chỉ cho cô dùng khi may máy. Lúc đầu không biết làm nhưng được vợ hướng dẫn vài lần, giờ ông xã Huyền đã trở thành trợ thủ đắc lực của cô. Huyền cũng hướng dẫn chồng dùng máy may to và sau vài lần làm rối chỉ thì giờ, anh cũng may được một vài đoạn khi cần.
Khi đã may được nhiều đồ, Huyền nghĩ tới việc làm tủ đựng. Bước sang tuần thai thứ 37, bụng "cồng kềnh" nên cô không thể tự làm được việc nặng và khó khăn khi ngồi xuống, đứng lên. Cô chuyển sang phụ trách việc dán trang trí còn chồng cắt ghép các mảnh vỗ lại với nhau và sơn màu đẹp mắt. Ông xã cô tận dụng mấy kệ gỗ cũ, lau sạch, đánh vecni, gia cố lại rồi dán đề can lên để "hô biến" thành chiếc tủ mới. Sản phẩm tuy chưa hoàn hảo lắm nhưng Huyền thấy ưng ý. Với cô, mỗi món đồ tự làm cho con đều vô cùng ý nghĩa vì cả hai vợ chồng đã dồn cả tâm tư, tình cảm vào đó.
"Nhu cầu của con chưa cần thiết cầu kỳ lắm nên mua nguyên liệu về làm, vừa không tốn quá nhiều tiền lại mang lại niềm vui cho cả gia đình. Bố mẹ chồng tôi thấy con trai tự biết biến đồ cũ thành đồ mới tiện ích đã rất phấn khởi và khen suốt", Huyền kể.
Hiện tại, Huyền mới chỉ tốn 200 nghìn đồng tiền mua vải may quần áo và 400 nghìn đồng mua đồ đóng tủ, còn lại chưa phải sắm thứ gì. Cô cho biết, xe đẩy, máy hút sữa được một người chị tặng, còn một số đồ lặt vặt khác, ông bà nội của bé đã mua tặng. Không phải người quá tiết kiệm nhưng biết trân trọng đồng tiền và tình cảm mọi người nên ai cho gì, Huyền đều nhận, không cầu kỳ đồ cũ, đồ mới.
Cùng nhau chuẩn bị đồ dùng cho con khiến vợ chồng Huyền vừa có thời gian vui vẻ bên nhau, vừa cảm thấy hào hứng và có trách nhiệm hơn khi sắp trở thành bố mẹ. Bà mẹ trẻ cũng muốn làm đồ chơi bằng gỗ cho Shin nhưng do sắp sinh, cơ thể thường xuyên mệt mỏi nên đành chờ sinh xong.
"Chắc làm cố nhiều quá nên tôi vừa có cơn chuyển dạ giả. Nếu vẫn chưa đẻ, chắc tôi cố sửa nốt cái kệ để thành chiếc tủ vì gỗ đã cắt rồi. Tôi còn phải dán trang trí cho tủ nữa vì để chồng làm chắc nhăn nhúm hết", Huyền nói.
Hà Phương