Bà Bành Lệ Viên đến Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam lúc 16h30 ngày 12/12, sau khi cùng Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự lễ đón chính thức tại Phủ Chủ tịch.
Bà Ngô Thị Mận, phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đến từ trước đó, ra cửa bảo tàng đón bà Bành Lệ Viên. Hai bà bắt tay, tươi cười chào hỏi nhau trước khi vào sảnh chụp ảnh lưu niệm và tham quan bảo tàng.
Hai phu nhân của hai nhà lãnh đạo đã nghe những câu chuyện của cô giáo dạy tiểu học tại Chương Mỹ (Hà Nội) và học sinh nữ từ huyện Bắc Hà (Lào Cai).
Hai bà cũng nghe các nghệ sĩ đàn bầu biểu diễn một số tiết mục như Trống cơm, Một thoáng quê hương, Trên cánh đồng hy vọng; xem người mẫu trình diễn áo dài do nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam thiết kế.
Bà Bành Lệ Viên cảm ơn phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tham gia hoạt động này cùng bà.
"Tôi thấy được nhiều hình ảnh cần cù, dũng cảm của phụ nữ Việt Nam từ các đám cưới, thói quen, tập quán", bà Bành Lệ Viên nói và chia sẻ, thông qua sự kiện bà làm quen với nhiều đại diện phụ nữ Việt Nam ưu tú, kiệt xuất, xinh đẹp.
Là đặc phái viên của UNESCO trong xúc tiến giáo dục trẻ em nữ và phụ nữ, nên trong các chuyến thăm nước ngoài bà đều đến dự những hoạt động này.
Sau khi nghe chia sẻ của cô giáo và học sinh nữ Việt Nam, phu nhân Chủ tịch Tập Cận Bình kể bà rất cảm động và nhớ đến tuổi thơ.
Khi còn nhỏ, bố là thầy giáo của bà và "không bao giờ vì tôi là con gái mà không cho tôi đi học". Nhờ được đi học, tiếp nhận giáo dục nên bà trưởng thành.
Những năm gần đây, UNESCO và Trung Quốc lập giải thưởng tôn vinh những người có đóng góp kiệt xuất cho công tác giáo dục trẻ em nữ và phụ nữ. Hằng năm, bà Bành Lệ Viên đều tham gia sự kiện này và gặp các thầy cô giáo, trẻ em khiến bà "rất vui và cảm động".
Kết thúc chương trình tham quan bảo tàng, Phu nhân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng tranh bà Bành Lệ Viên.
Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam thành lập năm 1987, trên phố Lý Thường Kiệt (phường Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm), cách hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ Hà Nội khoảng 500 m.
Đây là bảo tàng nổi tiếng ở Hà Nội, với hơn 40.000 tài liệu, hiện vật về phụ nữ Việt Nam qua nhiều thời kỳ lịch sử đến nay. Bảo tàng có ba chủ đề trưng bày thường xuyên là Phụ nữ trong gia đình, Phụ nữ lịch sử, Thời trang phụ nữ. Những chủ đề này góp phần thể hiện hình ảnh phụ nữ Việt Nam thông qua các nghi lễ, phong tục hôn nhân, sinh đẻ, tổ chức cuộc sống gia đình, trang phục truyền thống. Những câu chuyện về phụ nữ trong chiến tranh vệ quốc và thời bình cũng được giới thiệu đến công chúng.
Trưa nay, Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viên đến sân bay Nội Bài, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước trong hai ngày 12-13/12. Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng nhiều lãnh đạo cấp cao Đảng, Nhà nước đã tới sân bay đón ông Tập.
Chiều cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì lễ đón chính thức Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình với 21 phát đại bác chào mừng vang lên tại Hoàng Thành. Đây là nghi thức chào đón nguyên thủ quốc gia trang trọng nhất.
Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến trụ sở Trung ương Đảng tiến hành hội đàm. Tối cùng ngày, ông Tập dự tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước tại Trung tâm Hội nghị quốc tế.
Trong chuyến thăm, hai bên dự kiến ký kết hàng chục văn kiện ở các lĩnh vực như an ninh quốc phòng, thương mại, đầu tư, kinh tế số, phát triển xanh, xuất nhập khẩu nông sản, thủy lợi và hợp tác trên biển...
Đây là lần thứ ba ông Tập thăm Việt Nam trên cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc, sau năm 2015 và 2017. Trong bài đăng trên báo Nhân Dân trước chuyến thăm,Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề cao tình láng giềng hữu nghị và bốn yếu tố kiên trì trong quan hệ Việt - Trung. Đó là kiên trì tin cậy lẫn nhau; kiên trì hài hòa lợi ích; kiên trì hữu nghị, thân thiết; và kiên trì đối xử chân thành.
Theo VnExpress