Thứ hai, 3/7/2023, 00:00 (GMT+7)

Audrey Hepburn và gu thời trang 70 năm vang danh trong 'Roman Holiday'

Tối giản cả số lượng và phong cách, tủ đồ của Audrey Hepburn trong 'Roman Holiday' vẫn được xem là kinh điển, có tính ứng dụng sau 7 thập kỷ.

Trong phim, huyền thoại màn bạc Audrey Hepburn nhập vai công chúa Ann của một vương quốc hư cấu không xác định. Trong chuyến công du Italy, nàng bỏ trốn khỏi nơi ở, cải trang thường dân để vi hành Rome thành cổ. Cuộc chạm mặt đầy duyên nợ kết đôi nàng và phóng viên Joe Bradley (Gregory Peck) trở thành bạn đồng hành. Mới đầu, Joe giả bộ làm hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ, âm mưu thực hiện phóng sự độc quyền về công chúa. Nhưng sau cùng, những xúc cảm thăng hoa đã viết nên một trong những chuyện tình lãng mạn và gây tiếc nuối bậc nhất lịch sử điện ảnh thế giới.

Tuổi 24, từ một cô gái vô danh, Audrey Hepburn giành tượng vàng Oscar 'Nữ diễn viên chính xuất sắc' năm 1953, với vai diễn chào sân ở Hollywood. Còn bộ phim mang về tượng vàng 'Thiết kế phục trang xuất sắc' cùng năm.

Hình ảnh của nữ chính được giao cho Edith Head phụ trách. Tờ Huff Post đánh giá đây là nhà thiết kế được tôn trọng nhất trong làng phim thế giới. Ngoài 'Roman Holiday', bà còn làm đẹp cho Audrey Hepburn trong 'Sabrina', Kim Novak trong 'Vertigo', Grace Kelly trong 'To Catch A Thief'.

Theo The Epoch Times, tủ đồ của Audrey Hepburn ở 'Roman Holiday' chỉ có 6 set đồ. Trong đó, áo choàng, váy ngủ và trang phục công chúa ngày đầu ghé Rome chỉ lên hình chớp nhoáng. Tất cả trang phục, dù là khi Ann hiện diện với vai trò công chúa hay giả dạng thường dân, đều đồng nhất phong cách tối giản nhưng giữ được vẻ sang trọng. Mỗi kiểu lên đồ đều mang ngụ ý kể chuyện. Màu phim đen trắng không làm lu mờ vẻ đẹp quyến rũ của những set đồ.

Đây là tấm ảnh phục chế màu hiếm hoi của bộ váy dạ hội Hepburn mặc trong cảnh phim ở đại sứ quán. The Epoch Times nhận xét chiếc đầm mang lại vẻ đẹp hoàng gia. Trang Fashion Blog cũng cho rằng minh tinh toát lên khí chất vương giả, mang lại sự thuyết phục về hình ảnh công chúa.

Fashion Blog cho rằng các bộ đồ ngủ được thiết kế trang trọng và bảo thủ một cách hợp lý, đưa đẩy đến cuộc nổi loạn của công chúa sau đó.

Bộ đồ ngủ nghiêm trang, có phần cứng nhắc và mái tóc dài cổ điển ẩn dụ cuộc sống khuôn khổ của công chúa.

Ngày đầu bỏ trốn, Ann giữ nguyên tóc dài đoan trang, mặc sơ mi trắng dài tay với cà vạt trên cổ, phối chân váy ống tròn màu trơn và thắt lưng bản to. Sự 'kín cổng cao tường' của chiếc áo phản ánh thói quen 'bị nhốt' trong lầu son của công chúa. Trong khi, nguyên set đồ - theo giải thích của nhà thiết kế Edith Head - cho thấy tính hòa nhập của nhân vật trong chuyến vi hành.

'Cô ấy là một công chúa cải trang thành một cô gái bình thường trên đường phố Rome. Vì vậy, chúng tôi may cho cô ấy một bộ trang phục đơn giản để cô ấy trông không khác biệt với số đông. Bộ đồ vẫn giữ tính thanh lịch và phù hợp thời tiết mùa hè ở Rome', Head nói thêm.

Việc Ann cắt tóc ngắn, tháo cà vạt, xắn tay áo và đổi giày búp bê thành sandals kiểu dáng La Mã vào ngày hôm sau là biểu tượng cho tinh thần 'cởi trói', vượt thoát khỏi vòng kìm kẹp để vùng vẫy trong tự do. Vì câu chuyện đặc thù, đây là bộ đồ Audrey Hepburn mặc gần như toàn bộ phim. Trang Elegancepedia đánh giá set đồ đơn giản nhưng mang tính biểu tượng trong lịch sử điện ảnh.

Chân váy dài với thắt lưng bản to tôn vòng eo nhỏ và tỷ lệ cơ thể chân dài hơn lưng của nữ diễn viên. Đôi sandals có dây buộc phong cách đấu sĩ vừa hợp mùa hè, vừa nêu bật chất tinh tế của thời trang Italy.

Theo trang Live About, những chiếc sơ mi có cổ gắn liền với Audrey từ trong phim đến ngoài đời. Tạo hình này vừa trang nghiêm vừa quyến rũ, có tính ứng dụng cao sau hàng thập kỷ. Phong cách vintage được nhiều chị em ngày nay vẫn ưa chuộng.

Vẫn là set đồ đó, Edith Head phủ màu sắc mới khi thêm khăn quàng cổ kẻ sọc cho Audrey Hepburn.

Tạp chí Vogue dành lời khen cho cách phối đồ sành điệu này: 'Hepburn có gương mặt tươi tắn làm sáng màn hình. Tay áo xắn lên hờ hững, khăn quàng cổ sọc ngộ nghĩnh, cây kem trên tay và phông nền là những con phố nhỏ uốn khúc của thủ đô Italy làm nên vẻ tinh tế và thanh lịch'.

The Epoch Times ca ngợi: 'Không ai là ví dụ điển hình hơn Audrey Hepburn về sức hấp dẫn của sự khiêm tốn'.

Một vài chiếc sơ mi khác từng được cân nhắc trong buổi thử đồ của Audrey Hepburn, trước ngày quay 'Roman Holiday'. Elegancepedia cho rằng hai chiếc sơ mi này không được chọn bởi phom dáng quá bó sát, không phù hợp hình ảnh công chúa.

Đến nay, màu sắc của chiếc váy Hepburn diện trong phim vẫn là một ẩn số. Trong các hình ảnh phục chế màu của phim, chiếc váy chủ yếu mang màu xanh biển hoặc beige, có lúc phủ màu hồng pastel. Trong khi, màu váy xanh xuất hiện trên poster phim, màu váy beige được chọn làm cảm hứng cho búp bê công chúa Ann và được nhiều tín đồ điện ảnh - thời trang chọn để cosplay.

Fashion Blog phân tích bộ đồ ở cuối phim khi Ann trở lại cung điện để tiếp tục nhiệm vụ công chúa và đối mặt với báo chí phản ánh tư tưởng thỏa hiệp giữa khao khát tự do và nghĩa vụ hoàng gia. Bộ đồ trang nghiêm và chỉn chu nhưng có cổ áo chữ V, thay vì kín đáo. Mái tóc ngắn cũng được giữ nguyên.

Các tạp chí uy tín đều đánh giá tạo hình của nàng thơ Hepburn trong 'Roman Holiday' mang tính biểu tượng dài lâu trên màn bạc. Qua nhiều thập niên, tín đồ thời trang vẫn học theo phong cách của cô trong phim này. Vogue bình luận: 'Trang phục của cô trong và ngoài màn ảnh đều hoàn toàn vượt thời gian, là biểu tượng của những biến đổi xu hướng nửa sau thế kỷ 20'.

Phong Kiều (Theo Huff Post, Vogue, The Epoch Times, Elegancepedia, Live About)

Đánh giá phiên bản mới