Thứ năm, 16/4/2020, 20:00 (GMT+7)

'ATM gạo' nhận diện khuôn mặt

Hà NộiNgười đến nhận gạo đứng trước hệ thống máy quét, đọc họ tên, địa chỉ, máy sẽ ghi lại gương mặt, giọng nói để đảm bảo nguyên tắc mỗi người chỉ đến nhận một lần/tuần, mỗi lần 3 kg gạo.

Sáng 16/4, quận Hai Bà Trưng cùng ĐH Kinh tế Quốc dân phối hợp tổ chức phát gạo miễn phí cho người khó khăn trên địa bàntại số 207 đường Giải Phóng.

Lực lượng quân đội, dân quân, công an, CSGT, y bác sĩ quận Hai Bà Trưng được huy động cùng cán bộ giảng viên ĐH Kinh tế Quốc dân triển khai ở điểm phát gạo từ sáng sớm. Người dân đến nhận gạo được hướng dẫn đứng cách nhau 2 m, theo thứ tự số phiếu được phát trước đó.

Người đến nhận gạo được phun khử khuẩn tay...

...và đo thân nhiệt.

Người dân đứng trước camera để khai báo thông tin. Khi hệ thống máy quét soi chiếu, chỉ cần nói tên, địa chỉ, hệ thống sẽ ghi lại gương mặt, giọng nói. Trong cả quá trình, không có sự tiếp xúc trực tiếp nào giữa người nhận gạo và cán bộ phân phát.

Để người dân không đến nhận gạo nhiều lần, ĐH Kinh tế Quốc dân đã ứng dụng công nghệ nhận diện khuôn mặt, đảm bảo nguyên tắc mỗi người chỉ đến nhận một lần/tuần. Camera sẽ nhận diện chừng 10 điểm trên gương mặt và từ chối phát gạo nếu phát hiện người đến nhiều lần.

Ông Nguyễn Hữu Đồng, chủ tịch công đoàn ĐH Kinh tế Quốc dân, cho biết đây là phần mềm do cán bộ công nghệ thông tin của trường tự thiết kế trong hai ngày.

"Chúng tôi kiểm tra thử và phát huy tốt. Trước mắt chúng tôi đóng xong 5 tấn gạo, sẽ phát cho bà con trong hai tuần", ông Đông nói.

Những người tàn tật, già yếu được các lực lượng ưu tiên giúp đỡ phát trước.

Gạo được phát từ 9h đến 16h, bắt đầu từ 16/4 đến 30/4. Mỗi người được nhận 3 kg gạo trong một tuần. Nhà trường đã chuẩn bị 15 tấn gạo phát cho người dân, dự kiến mỗi ngày sẽ phát hơn một tấn gạo. 

Cầm trên tay túi gạo vừa được phát, bà Thu (80 tuổi, ở ngõ Lạc Tân) cho biết tuổi cao chẳng thể làm việc, không có lương hưu để trông vào, con cái lại không có thu nhập nên cuộc sống của bà trở nên khó khăn khi dịch đến. 

"3 kg gạo vào lúc này đối với tôi là cả một món quà lớn để sống qua mùa dịch, tôi rất biết ơn những nhà hảo tâm", bà Thu nói.

Bà Lan (74 tuổi, Hà Nội) nhận bao gạo từ chương trình, nhưng vẫn lo lắng hỏi những người xung quanh "bao giờ chương trình lại phát và tôi có thể được nhận thêm". Ngày thường bà đi nhặt phế liệu kiếm từng đồng góp cùng lương hưu, phụ cấp chất độc da cam hơn 6 triệu của chồng để nuôi con cháu. Con trai bà bị ảnh hưởng chất độc da cam, con dâu bị câm điếc, có vấn đề về thần kinh nên việc chăm sóc ba đứa cháu đều đến tay ông bà.

Nguyễn Ngoan

Đánh giá phiên bản mới