Thứ bảy, 25/4/2020, 00:02 (GMT+7)

'ATM gạo di động' về bản người Mường

Hòa BìnhVới khoảng 40 tấn gạo do mạnh thường quân ủng hộ, 'ATM gạo' được đội lưu động ở huyện Lương Sơn đưa về 11 xã, thị trấn hỗ trợ người dân trong dịch bệnh.

Sáng 23/4, trời mưa nặng hạt nhưng nhiều bà con dân tộc Mường ở xã Cao Dương, huyện Lương Sơn, dậy sớm để đi nhận gạo từ cây ATM lưu động. Đây là lần đầu tiên người dân tại đây nhận gạo hỗ trợ theo hình thức này.

Ông Hoàng Việt Hải, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông huyện Lương Sơn, cho biết ngoài hai "ATM gạo" cố định còn có 10 điểm phát lưu động để người dân ở những nơi xa xôi nhất của huyện nhận được hỗ trợ. Huyện tổ chức các đội phát gạo lưu động, di chuyển "ATM gạo" đến với bà con các xã nghèo.

Theo ông Hải, chương trình phát gạo bằng hình thức cây ATM do huyện phối hợp cùng một nhà sách ở Hà Nội và các mạnh thường quân.

Người dân khi tới lấy gạo ở xã Cao Dương được khử khuẩn và đo thân nhiệt. 

Chỉ trong buổi sáng, gần 300 người dân được nhận gạo. Mỗi người nhận ít nhất 3 kg, người thuộc diện nghèo được nhiều hơn.

Xã Cao Dương vốn là ba xã Cao Dương, Hợp Châu, Tân Thành sáp nhập. Đây là một trong những xã nghèo nhất và đường đi khó khăn nhất của huyện Lương Sơn. Từ trung tâm huyện, đội phát gạo lưu động mất hơn một giờ di chuyển mới tới nơi. Người dân ở đây chủ yếu là dân tộc Mường, kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp nên cuộc sống gặp khó khăn nhiều hơn khi dịch bệnh xảy ra. Sự xuất hiện của "ATM gạo" di động là niềm vui lớn của người dân nơi này.

Ôm hai bọc gạo, chị Bùi Thị Mức (28 tuổi) di chuyển khó nhọc trên đôi chân tật nguyền vì chất độc da cam. Chị mừng rỡ khi gia đình có thêm gạo ăn. 

Chị Mức lấy chồng từ năm 2013. Kinh tế gia đình phụ thuộc vào hơn một triệu đồng trợ cấp của chị. Người chồng cao chỉ một mét của chị Mức đi làm thuê nhưng thu nhập không đáng kể. Chị Mức sinh được hai người con nhưng đều thấp như bố.

"Hoàn cảnh gia đình tôi khó khăn, nên thêm 10 kg cũng giúp được nhiều lắm", chị Mức chia sẻ.

Sức khỏe yếu nhưng ông Đinh Công Tị (42 tuổi) vẫn cố gắng đến nhận gạo. "Nhà tôi làm thuê cho mấy đồi chè, nhưng tiền làm bao nhiêu hai vợ chồng đều để mua thuốc hết", ông Tị nói trước khi ôm túi gạo rời trung tâm xã về nhà.

Bà Nguyễn Thị Bính (72 tuổi) ôm túi gạo, phấn khởi nhường chỗ cho người khác. "Không nhiều nhưng thế này cũng là tốt quá rồi. Bình thường gia đình tôi vẫn phải đi đong từng bữa, từng này gạo là cứu đói cả nhà trong mấy ngày", bà Bính chia sẻ.

Sau xã Cao Dương, "ATM gạo" sẽ tiếp tục được chuyển tới những xã khác trong huyện Lương Sơn.

Việc phát gạo trợ giúp sẽ diễn ra đến hết 30/4, với khoảng 40 tấn gạo được chuyển tới người dân.

'ATM gạo' về với người Mường
 
 

Phạm Chiểu

Đánh giá phiên bản mới