Ở ký túc xá đại học Ngoại thương không ai không biết đến Trâm. Cô được coi là mẫu mực về học tập. Mọi người cùng phòng kể rằng sợ nhất là phải thường xuyên chứng kiến cảnh cô kêu trời than đất sau mỗi lần đi thi. Dù hằng đêm trước đó cô đã ôn luyện đến quên ăn quên ngủ, dù kết quả bài thi của cô sau đó luôn cao hơn mọi người.
Bạn bè cùng lớp thì "mệt lử" vì không thể nào theo kịp cái sự học của cô. Thế nhưng, sau mỗi kỳ học bổng, Trâm lại đặt ngay cho mình những mục tiêu cao hơn rồi cứ thế học như sợ có ai đó sẽ vượt mình.
Nhìn bảng thành tích mà Nguyệt đã đạt được ở tuổi 27 hẳn nhiều người phải nể phục: thạc sĩ kinh tế, trưởng phòng kinh doanh của một công ty xuất nhập khẩu may mặc và đang tiếp tục chương trình du học tại chỗ của Hà Lan. Thế nhưng chừng đó với Nguyệt vẫn chưa là gì cả khi cô so sánh mình với chị phó giám đốc, mới "đầu ba" mà đã có nhà riêng, đi làm bằng ôtô. Thế nên Nguyệt càng vùi mình vào công việc và nghiên cứu sau mỗi tối ở lớp học về.
Lịch làm việc mỗi ngày của Nguyệt là sáng dậy học tiếng Anh một tiếng đồng hồ, 7h15 đến công ty và tất bật cho đến 17 chiều với những "đầu tư", "thanh toán", "nhập" và "xuất"… Sau đó lại đến lớp học. Về tới nhà khi đã hơn 21h, ăn uống quấy quá cho xong chuyện lại dán mắt vào máy tính cho đến tận khuya.
Khi bố mẹ phàn nàn: "Nào có ai bắt phải cố thế đâu con. Lao lực quá, sớm muộn gì cũng quỵ xuống cho mà xem" thì Nguyệt gắt lên: "Bố, mẹ không hiểu gì cả. Bây giờ ai cũng đổ xô đi học hết bằng này tới bằng nọ, thăng tiến vù vù, mình không tranh thủ còn lâu mới theo kịp".
Đang công tác tại viện nghiên cứu nọ, được các đồng nghiệp tín nhiệm cao độ, Nghĩa làm đơn thi vào một công ty xây dựng nước ngoài bởi "không chịu nổi không khí làm việc "cào bằng" như ở đây".
Hơn một năm sau, mọi người đã thấy anh bỏ cả công ty nước ngoài ra mở công ty riêng. Cũng từ lúc đó, anh lao vào làm việc như trên đời này không có mối quan tâm nào khác nữa.
Tối qua thấy anh đang ở Móng Cái, trưa nay gọi điện đã thấy anh đang tham gia một vụ đấu thầu ở Huế, chiều tối anh gọi về là đang trên đường vào Quảng Ngãi.
Câu cửa miệng của anh: "Ăn thua gì, tay A., tay X. mới là kinh" khi ai đó có ý khen ngợi sự năng động và sớm thành đạt của anh.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị, Trâm, Nguyệt, Nghĩa là đại diện cho một thế hệ thanh niên mới. Họ là hệ quả của một nhịp sống mới, lề lối làm việc mới, ứng xử mới. Họ không cho phép mình dừng lại. Họ đặt ra mục tiêu để tự tạo áp lực buộc mình phải vận động hết công suất thực hiện bằng đươc. Và tiếp tục những mục tiêu tiếp theo.
Từ chỗ cố gắng để khỏi bị sếp nhắc nhở khi mới vào công ty đến việc đặt cho mình điều kiện phải tạo được một thành tích đáng kể nào đó; phấn đấu học thêm bằng đại học nữa rồi lên cao học, du học…
Không thể phủ nhận những giá trị mà những người trẻ này đã đóng góp cho xã hội trong quá trình vươn lên khẳng định mình. Nhưng dường như vẫn có cái gì bất ổn, mất cân bằng trong đời sống tinh thần của họ.
Nỗi mệt mỏi, sự căng thẳng luôn tạo áp lực lên vị trí "số một" của họ. Họ đã đánh mất đi những ngày tháng tươi đẹp, những niềm vui thú của cuộc sống thanh niên sôi nổi, chuyện riêng tư cũng tạm thời bị lãng quên.
Làm thế nào để cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Làm thế nào để gạt đi ám ảnh từ áp lực của "ngôi vị số một"? Để họ thực sự là những thanh niên thời đại mới chứ không phải là những người ôm quá nhiều tham vọng.