Dây chuyền sản xuất dây cáp điện của Cadivi. |
Cuối năm 2006 là khoảng thời gian vất vả của DNTN Phước, chuyên sản xuất thùng trộn bê tông và giàn giáo, cốp-pha xây dựng tại Tân Bình, TP HCM. Doanh nghiệp (DN) này đứng trước nguy cơ thua lỗ vì những hợp đồng hàng trăm triệu đồng đã lỡ ký cho năm 2007 vẫn theo giá cũ, trong khi giá nguyên liệu sản xuất dịp cuối năm đang tăng chóng mặt và dự báo sẽ tiếp tục tăng trong quý I/2007.
Mặt hàng Phước sản xuất đang trong tình trạng bão hòa trên thị trường. Do vậy, khi xây dựng giá thành sản phẩm, DN này phải tính toán chi li để vừa không bị lỗ, vừa có giá cạnh tranh để giữ chân khách hàng. Nhờ đó, khách hàng, chủ yếu là các công ty xây dựng, ngày một nhiều.
Cuối tháng 11, DN này đặt bút ký trên dưới 10 hợp đồng cung ứng thùng trộn bê tông và cốp-pha cho các công ty xây dựng tại Bình Dương, giao hàng trong tháng 2/2007. Tưởng ngon ăn, quyết định tăng giá điện của Chính phủ vừa qua khiến chủ DN này “lên ruột”.
“Giá điện tăng lên 842 đồng/KWh, tăng 20% giá điện sản xuất vào giờ cao điểm. Giá thép nhập cũng tăng, giá que hàn cũng tăng tuốt... Trong khi 2 loại chi phí lớn nhát của DN là điện và thép”, chủ DN Phước rầu rĩ.
Theo tính toán của DN này, nếu giá điện và các nguyên liệu khác ổn định, với mỗi hợp đồng DN có thể lãi được 15 triệu đồng. Nhưng với mặt bằng chi phí sản xuất mới (giá bán cũ), DN này lỗ khoảng 12 triệu đồng/hợp đồng. Đối với nhiều DN, tìm kiếm khách hàng là chuyện khó, còn đằng này, DN Phước lại đi năn nỉ khách hàng cho hủy hợp đồng.
Các DN sản xuất thực phẩm cũng đang rất đau đầu. Tại Công ty Chế biến Thực phẩm Vissan, trong 10 tháng, lượng điện tiêu thụ trung bình là 5.690 KW/tháng, chi phí sử dụng điện trung bình 537 triệu đồng/tháng, chiếm 10% chi phí sản xuất.
Theo ông Bùi Duy Đức, Tổng Giám đốc Vissan, trước đây công ty điều chỉnh ca sản xuất hợp lý, tăng năng suất vào giờ thấp điểm, duy tu máy móc thiết bị... đã tiết giảm trên 15% chi phí về điện.
Tuy nhiên, nhu cầu sử dụng điện của công ty vào thời điểm cuối năm tăng cao bởi lượng nguyên liệu trữ lạnh là rất lớn, lượng hàng hóa cũng tăng lên tăng lên 2-3 lần để phục vụ dịp Tết Nguyên đán.
Việc áp dụng những biện pháp điều chỉnh sản xuất hợp lý để tiết kiệm điện, giảm chi phí sản xuất là hơi khó bởi nhu cầu sản xuất cuối năm tăng cao. Giá điện tăng 7,6% có nghĩa chi phí về điện của đơn vị sản xuất sẽ tăng tương ứng, cùng với việc giá cả nguyên liệu đầu vào tăng dẫn đến chi phí giá thành sản phẩm tăng thêm khoảng 5%.
Một bộ phận lớn DN, chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất sử dụng nhiều điện và nguyên liệu nhập khẩu, tỏ ra lúng túng trong tình hình mới. Tránh tình trạng lỗ lã đã khó, xây dựng giá cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm... lại càng khó hơn.
Nhiều DN trong các lĩnh vực viễn thông (lắp đặt hạ tầng), dây cáp điện, cơ khí, giấy... đang “kêu trời” vì giá nguyên liệu đầu vào tăng song hành cùng giá điện. Một DN lớn chuyên sản xuất và cung ứng dây và cáp điện tại TP HCM cho biết đa số các DN trong lĩnh vực dây cáp điện đang uống “chén đắng” vì giá phôi thép, đồng, nhôm (nhập khẩu là chính) đều tăng vọt.
Thay đổi dây chuyền công nghệ, thiết bị để tiết kiệm điện đã mất một khoản đầu tư lớn, nay phải đối phó với “cơn bão” về giá, DN đang trong thế “khó khăn kép”. Không còn đường lùi, có DN xây lắp hạ tầng viễn thông đã chấp nhận “hy sinh”: Thực hiện theo hợp đồng với con số lỗ hàng chục nghìn USD.
“DN đang bị tác động trên diện rộng theo kiểu domino do giá điện và giá nguyên liệu đầu vào cùng tăng, không ít DN lâm vào... bi kịch. Nếu chủ động ứng phó và điều chỉnh tốt, thì DN mới có thể tháo gỡ để phát triển được”, ông Phạm Hảo Hớn, Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM cho biết.
(Theo Người Lao Động)