Ở nhiều làng quê nghèo, đi XKLĐ đang trở thành phong trào. Gia đình nào có con em đi XKLĐ là cờ giong trống mở. Thấy nhà kế bên có con đi XKLĐ là nhà bên cạnh tìm mọi cách, vay mượn tiền bạc, quyên góp họ hàng, dòng tộc để lo cho con em mình đi. Khi việc đi XKLĐ trở thành nhu cầu bức xúc, họ bất chấp mọi giá, mong sao con em mình đến được xứ người... Hầu hết những người bị lừa đều rất nghèo. Vì nghèo nên họ sẵn sàng chạy ngược xuôi để đi XKLĐ cho bằng được. Đến nỗi một cán bộ lãnh đạo ngành LĐ-TB-XH đã phải thốt lên: “Hôm trước, họ còn phải đi vay gạo ăn với đĩa rau muống luộc trồng ao nhà, hôm sau đã có thể “đào” ra mấy chục triệu, thậm chí vài trăm triệu đồng cho con đi XKLĐ. Rủi thay bị lừa, cả đời họ không ngóc lên được”... Chỉ vì muốn đi Hàn Quốc, chị Nguyễn Thị Định, quê Nga Sơn, Thanh Hóa, phải mang sổ đỏ đi vay ngân hàng; tìm đến Hội Phụ nữ, Chương trình 135, vay mượn hàng xóm, họ hàng... Kết quả mà chị nhận được là tấm hộ chiếu cùng món nợ tiền đặt cọc 50 triệu đồng. Chỉ vì quá tin vào lời hứa của bà Lê Thị Tuyết Nương và mối liên hệ giữa bà này với Trung tâm Đào tạo và Giáo dục Định hướng thuộc Công ty Cung ứng Thiết bị vật tư Tomateco, anh Hứa Thanh Long (41 Phó Đức Chính, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TP HCM) và 10 lao động quê Nghệ An phải chung chi 5.000-7.000 USD/người với mong muốn được đưa sang Đài Loan làm việc. Thế nhưng hơn 1 năm qua, họ gửi đơn cầu cứu khắp nơi trong sự tuyệt vọng. “Chúng tôi phải cầm cố tài sản, vay mượn ngân hàng chúng tôi mới có đủ số tiền để nộp. Những tưởng được ra nước ngoài giúp cuộc sống gia đình đỡ khó khăn hơn, ngờ đâu không đi được, nợ không biết bao giờ trả xong”, anh Long nói trong tuyệt vọng. Cũng chỉ vì tin được nhanh đưa đi XKLĐ ở Hàn Quốc, Nhật Bản, 13 lao động ở Hà Nội và các tỉnh lân cận không đắn đo nộp cho “cò” Tạ Thị Hà (quê Thuận Thành, Bắc Ninh, tạm trú tại phố Nguyễn Sơn, Long Biên, Hà Nội) 456 triệu đồng. 29 lao động khác ở phía Bắc gánh chịu hậu quả còn nặng nề hơn với số tiền bị lừa rất lớn: 51.000 USD và 800 triệu đồng khi quá tin vào “cò” Nguyễn Hoàng Hà (trú ở Hàng Gà, Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Hay như 10 lao động quê Hải Dương, Hà Tây, Hưng Yên muốn thoát nghèo nhanh chóng, bị “cò” Cao Thế Phiệt (trú tại Giao Phong, Giao Thủy, Nam Định) cho đi “tàu bay giấy” ở Hàn Quốc với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Về Nga Mỹ, Nga Sơn, Thanh Hóa hỏi nhà anh Mai Văn Kỷ, ai cũng biết. Khi đến thì anh không có nhà. Hỏi ra mới hay, anh rời bỏ làng quê lên Hà Nội làm thợ xây, thợ vữa với hy vọng kiếm tiền trả món nợ vay 70 triệu đồng vì bị lừa XKLĐ sang Đài Loan. Chỉ còn bà mẹ già và mấy em nhỏ trong căn nhà gỗ tiêu điều. Bà mẹ thở dài: “Hai đứa em nhỏ cũng ra Hà Nội đi rửa bát, chạy bàn kiếm tiền, thằng út đi đánh giày. Mỗi tháng gửi về chỉ được hơn 1 triệu đồng, trong khi phải trả lãi tới 2-3 triệu đồng. Đang tính bán nhà trả nợ nhưng chắc cũng không hết được. Bán nhà rồi thì biết ở đâu?”. Con đường của lao động nghèo sau khi bị lừa thường giống nhau là bỏ quê lên phố tìm việc làm để trả nợ. Trai tráng khỏe mạnh đi làm thuê ở chợ người; phụ nữ rửa chén bát, giúp việc nhà; trẻ con đánh giày, bán dạo... Anh Nguyễn Văn Tính (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) sau khi bị lừa cầm sổ đỏ, vay nặng lãi tới 150 triệu đồng để đi Hàn Quốc không thành, anh phải bỏ nhà vào TP HCM tìm cơ hội đổi đời. Ở nhà, vợ anh, chị Nguyễn Thị Liễu chỉ còn biết trông chờ vào mấy đồng lãi từ quầy hàng thủ công mỹ nghệ. Hai đứa con của anh chị, đứa lớn lên Hà Nội, đứa nhỏ mới có 3 tuổi phải gửi nhà ông bà ngoại. Chị Liễu nói trong nước mắt: “Chỉ cần gia đình sum họp thôi. Chồng tôi ốm cả tháng nay có gửi về được đồng nào đâu. Chủ nợ thì xiết, chắc chỉ còn nước bán nhà rồi về xin ở nhờ nhà ông bà nội, ngoại...”. Khi vào nhà anh Trần Văn Chiến, huyện Nam Trực, Nam Định, cũng là lúc anh đang chuẩn bị khăn gói lên Hà Nội chạy xe ôm. Đang yên ấm, nghe theo một người quen từ TP Nam Định, về nói ngon nói ngọt đi lao động ở Hàn Quốc vài năm sẽ có vài trăm triệu đồng, anh nghe theo và vay tiền khắp nơi để đưa cho người quen đó 70 triệu đồng. Chờ đợi 2 năm, cái tin mà anh nhận được qua truyền hình như đặt một dấu chấm hết cho hy vọng đổi đời của anh: Gã người quen bị công an bắt vì tội lừa đảo.
|
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các cơ quan chức năng, tính từ năm 2006 đến nay, đã có khoảng 30 vụ lừa đảo XKLĐ ở phía Bắc bị cơ quan công an triệt phá, hơn 2.000 lao động bị lừa với số tiền rất lớn, từ 5.000 đến 7.000 USD/người, thậm chí có người bị lừa đến 10.000-15.000 USD.
Mới đây nhất, ngày 22/5, Công an Hà Nội hoàn tất kết luận điều tra chuyển hồ sơ sang Viện KSND Hà Nội đề nghị truy tố Hồ Anh Cường (ở 32 đường Trường Chinh, Nghệ An) và đồng phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cường giả danh cán bộ phụ trách Trung tâm Đào tạo và Giáo dục định hướng thuộc chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại Tổng hợp Bà Rịa - Vũng Tàu tại Hà Nội, lừa đảo nhiều lao động có nhu cầu đi XKLĐ ở Hàn Quốc, CH Séc, Đài Loan, chiếm đoạt 50.300 USD...
(Theo Người Lao Động)