Tôi xây dựng gia đình khá muộn, năm 40 tuổi mới sinh Tuấn. Đó là thời điểm năm 1974, kinh tế cả nước đang rất khó khăn, mẹ Tuấn lại không có sữa nên phải nuôi bộ. Nuôi anh chàng này thật vô cùng vất vả, thương hai mẹ con lắm. Đó cũng là lý do tôi khuyên bà xã không nên sinh thêm đứa nữa.
Tuấn lớn lên chịu sự giáo dục tương đối nghiêm khắc của gia đình, vì ông bà tôi vốn là người Hà Nội gốc. Gia đình gồm nhiều thế hệ sống chung ở phố Hàng Cân. Trước khi thu xếp hành lý sang Nga học, tôi cũng có nói với mẹ của Tuấn: Nhà chỉ có một con thôi nên mình cố gắng cho con theo nghề bố. chơi đàn violencelle.
Khi tôi về nước năm 1982, bấy giờ Tuấn đã 8 tuổi. Có một kỷ niệm rất vui là khi cậu chàng đi cùng mẹ ra sân bay đón bố. Ngồi trên ô tô, nó cứ nhìn trộm bố, sau một lúc thì nói thầm vào tai tôi: Có thật là bố mình không?
Tôi về nước là bắt tay vào dạy đàn cho con. Tuấn bấy giờ đang học sơ cấp tại Nhạc viện Hà Nội. Từ đó học lên trung cấp, đại học rồi cao học. Tuấn là một sinh viên giỏi. 12 năm làm Phó giám đốc Nhạc viện Hà Nội, phụ trách đào tạo, tôi tự hào với thành tích của chính con trai mình. Khi thi vào đại học, 4 môn thi Tuấn được 4 điểm 10. Cuối khóa, chưa có một sinh viên nào tốt nghiệp, đỗ thủ khoa mà điểm lại cao như nó, được chuyển tiếp lên Cao học, không phải thi.
Đặc biệt, tôi rất xúc động và cảm thấy bất ngờ khi biết Tuấn trả lời phỏng vấn báo chí đã nói rằng: Thần tượng của tôi chính là bố tôi. Tuấn cũng nói rằng cách sống và làm việc hết mình, thẳng thắn, trung thực, không luồn cúi ai của bố chính là tấm gương cho nó. Tôi tin là bất cứ ai khi nghe con mình nói điều đó cũng đều cảm thấy hạnh phúc vô bờ như tôi vậy.
![]() |
Giáo sư Vũ Hướng và Anh Tuấn ngày nhỏ. |
Tuấn hỏi ý kiến tôi trong mọi chuyện trừ chuyện riêng tư. Khi yêu cô gái người Australia, giờ đã làm vợ, Tuấn sợ không dám nói với bố, chỉ nói với mẹ. Khi biết chuyện, tôi nói với cháu là: "Bố ở nước ngoài ngần ấy năm, nếu lấy vợ tây có khi bố lấy trước con cơ. Thời trai trẻ, cuộc sống tốt đẹp, tránh sao khỏi những xao xuyến trong chuyện tình cảm. Nhưng bố biết, cuộc sống bên nước mình còn nhiều khó khăn, thời bao cấp khổ lắm, nên chỉ coi họ là bạn. Bố không thể ở lại đó, còn các cô gái nước ngoài cũng khó có thể sống ở VN được. Trong chuyện hôn nhân của con cái, dẫu sao thì bố vẫn muốn có một ông thông gia người Việt để còn gặp gỡ chuyện trò. Nhưng mà hạnh phúc là của con, con tự quyết định…".
Tuấn vẽ rất đẹp. Hồi mới làm quen với máy vi tính, Tuấn đã vẽ được hình Quan Công bằng máy. Khi quyết định cho Tuấn theo nghề bố, tôi đã biết Tuấn có khiếu về âm nhạc. Tuy hồi bé chưa say mê và vẫn lười học. Bố đi vắng, ngày nào trước khi đi làm, mẹ Tuấn cũng dặn các anh em họ cùng nhà là nếu thấy nó không tập đàn thì phải bảo ngay. Cu cậu bố trí, đàn, ghế rất đường hoàng như là tập thật, sau đó đem kẹo chia cho bọn trẻ và dặn mọi người là nếu mẹ có hỏi thì bảo là mình có tập đàn.
Ham chơi là thế nhưng Tuấn chỉ ở trong nhà, ít giao tiếp với bên ngoài. Gia đình ở phố Hàng Cân mãi đến năm 1996 mới chuyển chỗ khác mà Tuấn chỉ có một người bạn ở phố. Cho đến bây giờ, Tuấn vẫn không hút thuốc lá, không uống rượu. Uống một cốc bia là đỏ mặt rồi.
Có lần Tuấn trách tôi, rằng trong thời gian bố làm Phó giám đốc Nhạc viện, Tuấn chưa được hưởng một chút quyền lợi đặc biệt nào. Ví dụ đỗ tốt nghiệp với điểm cao như thế này mà có được thưởng bất cứ một thứ gì đâu. Thực ra cũng là lỗi ở tôi, tôi không đề xuất thì tự nhiên mọi người không để ý.
Tôi phải giải thích, đây là bản chất con người bố. Nhưng điều đó cũng cho thấy, tất cả những gì mà con có được hôm nay là hòan toàn dựa vào nỗ lực và khả năng của chính mình. Thực lòng tôi muốn kết quả thi của con mình ra sao, có xứng đáng không, chứ không căn cứ vào điểm số.
Tôi hài lòng vì công việc và sự nghiệp của Tuấn hiện nay trong vai trò là biên tập viên, MC về âm nhạc. Quãng thời gian 17 năm học nhạc đã giúp ích cho Tuấn rất nhiều. Tiếc một điều là Tuấn đã hoàn thành hai năm cao học, mà vẫn chưa thi tốt nghiệp để nhận bằng.
Biết tôi đang lấn cấn điều đó, đang công tác trong thành phố Hồ Chí Minh, Tuấn điện thoại về cho tôi và nói: Con biết là bố buồn tại sao con vẫn chưa tốt nghiệp. Nếu bố muốn, con sẵn sàng xin Đài nghỉ 3 tháng ở nhà luyện đàn để trả bài thi cho nhà trường. Nhưng sau 3 tháng đó thì chắc chắn là phải nghỉ việc ở Đài, còn con cầm tấm bằng cao học violoncelle ra thì sẽ làm gì.
Tôi bảo: "Nếu không nghỉ, không ngồi ôn luyện thì làm sao thi được, nhưng công việc là của con, con tự thu xếp". Đó chính là lý do mà Tuấn chưa thi tốt nghiệp được, và là điều khiến tôi trăn trở.
![]() |
MC Anh Tuấn. |
Nói qua rồi nói lại, biết là bản thân Tuấn rất bận, nhưng hay là nó nghĩ bằng cao học không quan trọng? Tôi vẫn có cảm giác Tuấn chưa nỗ lực lắm trong chuyện cương quyết phải thi tốt nghiệp. Tôi vẫn muốn, cả quá trình học Tuấn đã xuất sắc như thế rồi, thì bài thi tốt nghiệp ra trường cũng phải xứng đáng. Xem ra chuyện này khó lắm. Còn điều này nữa, tôi vẫn muốn lúc nào đó nhìn thấy Tuấn trên sân khấu như một nghệ sĩ biểu diễn thực thụ…
Giáo sư Vũ Hướng
(Theo Thế Giới Điện Ảnh)