Tôi và anh yêu nhau được ba năm thì chúng tôi kết hôn, khi biết rõ về hoàn cảnh của anh tôi lại càng yêu anh hơn.
Nhà anh có ba anh em nhưng anh lại là cùng mẹ khác cha với những người anh em còn lại. Anh tâm sự về cuộc sống cơ cực của mình. Từ lúc anh sinh ra được vài tháng tuổi thì người anh cùng mẹ khác cha bị bắt vì tội cướp tài sản phải ngồi tù 10 năm, anh nói trong thời gian đó cuộc sống của anh là hạnh phúc nhất.
Anh cũng được đi học và chơi như bao bạn bè khác, nhưng khi anh trai đi tù về cuộc sống của anh toàn là những bóng tối không lối thoát. Anh thường bị anh trai đánh không thương tiếc, bắt đi làm phụ hàng cơm, hàng phở từ sáng sớm, tới tối mịt mới được về, muốn đi chơi cũng phải xin phép. Thậm chí, anh chỉ được đi chơi đúng mười phút nếu mười phút mà anh không về người anh trai lại đánh anh một trận đòn thừa sống thiếu chết. Nghe anh kể mà nước mắt tôi cứ ứa ra bởi tôi nghĩ không nhẽ giữa đất thủ đô lại có một người cơ cực có thể nói giống như trong phim vậy.
Bằng tuổi anh thì bao bạn khác được cắp sách tới trường, còn anh thì lại là lao động chính ở trong nhà. Cuộc sống của anh tưởng chừng như được bước sang trang mới khi nhà anh ở được bồi thường và chuyển lên chung cư. Nhưng khi chuyển nơi ở, người anh trai nọ đã cấm không cho anh bước chân vào nhà vì anh không có tên trong hộ khẩu và là con riêng của mẹ anh nữa.
Khi biết tin đó mẹ anh đã bán chung cư và chia tiền ra làm ba phần, anh trai anh được một phần, hai phần còn lại là của chị gái và một phần là của anh. Lúc đấy vì còn trẻ và chưa suy nghĩ nên làm gì nên anh đã bàn với mẹ anh mua một ngôi nhà nho nhỏ để ở nếu có thừa tiền thì anh xin vốn làm ăn.
Còn anh trai anh khi nhận được tiền đã nghe lời vợ mang một phần về Thái Nguyên mua đất, xây nhà, số tiền còn lại anh ta nướng sạch vào lô đề. Cứ tưởng chừng chia phần như thế là đã xong ai ngờ được hai tháng sau anh ta xuống Hà Nội dắt theo cả vợ cả con xuống xin tá túc một thời gian.
Ảnh minh họa: Istock. |
Những tưởng hai vợ chồng anh tu chí làm ăn nhưng không ngờ số tiền chia phần đó không còn, anh, chị xuống đây ăn bám mọi người. Thực sự mà nói trong thâm tâm tôi biết vợ chồng anh chị xuống đây làm gì. Rồi một tuần sau, khi đã có hơi men, người anh trai kia tuyên bố với mọi người rằng: "Nhà đó là nhà của tôi, còn thằng Tuấn chỉ là con ngoài giá thú nên không có tư cách gì ở trong nhà này". Vì chồng tôi nghĩ thương mẹ nên đã không muốn làm ầm chuyện lên. Nhưng tôi biết anh rất là buồn khi có một người anh trai như vậy.
Có lẽ cũng trong thời gian bị áp lực như vậy nên sau khi cưới nhau hơn một năm mà chúng tôi vẫn chưa có con. Gần Tết năm ngoái mẹ chồng tôi bị bắt, trong thời gian bị bắt bà có giao hết giấy tờ nhà cho chúng tôi. Và có dặn dò chúng tôi một số chuyện, khi người anh chồng kia biết tin anh ấy bảo vợ chồng tôi bán căn nhà này đi để chạy chữa cho mẹ anh, nhưng hai vợ chồng tôi không đồng ý bán nhà mà đi vay mượn tiền để chạy án cho bà.
Người ta thường bảo "đã nghèo lại mắc cái eo". Cái lúc khó khăn nhất thì tôi lại có thai, cuộc sống vốn đã khó khăn thì lại khó khăn hơn. Tôi bàn với anh bán hết những đồ có giá trị trong nhà để về quê làm ăn, còn nhà thì để cho người ta thuê.
Khi anh chồng biết tin chúng tôi dọn về quê để buôn bán anh đã xuống phá khoá vào nhà để ở, chúng tôi cũng biết trước mục đích của anh khi xuống Hà Nội nên hai đứa đã bán hết đồ có giá trị đi. Số tiền chúng tôi phải bỏ ra để chạy chữa cho mẹ chồng cũng ngót nghét trăm triệu. Nhưng tôi chợt nhận ra những gì vợ chồng tôi làm mọi người trong họ hàng của anh biết nhưng họ coi đó chả là gì trong mắt họ cả.
Tôi có bầu tới bây giờ cũng được 5 tháng nhưng chưa bao giờ tôi nhận được một lời hỏi thăm từ phía họ hàng nhà chồng cả. Nhưng dì của anh lại trách móc tôi, bảo anh về xem lại vợ đi, chả bao giờ gọi điện cho dì hỏi thăm. Tôi thiết nghĩ vợ chồng tôi đã có trách nhiệm lo hết cho mẹ anh thì cần gì phải gọi dì nữa. Liệu chúng tôi đã làm gì sai để mọi người phải nghĩ như vậy? Chúng tôi phải làm gì đây khi anh chồng ngày càng quá đáng.
Bảo Bảo
* Gửi tâm sự của bạn để được độc giả chia sẻ, gỡ rối tại đây. Lưu ý bài viết bằng tiếng Việt có dấu.