Tại ký túc xá ĐH Bách Khoa, xuất hiện thường xuyên trong các vụ đụng độ, thanh toán nợ nần, gây rối là những sinh viên lưu ban, thường được gọi là "bật K". Những sinh viên lên một năm, đúp một năm vẫn được chấp nhận nên tối đa một sinh viên có thể học đến 10 năm vẫn chưa ra trường.
Ngành chế tạo máy và hóa dầu K48 của Văn Hùng có gần 5.000 sinh viên, số rớt lại lên tới 800 người. Phòng Hùng ở trong ký túc xá có 10 người thì có 3 anh đúp lại. Phòng bên, tỷ lệ cũng tương tự. Chuyện nợ học trình với sinh viên ĐH Bách Khoa khá phổ biến và chuyện đúp lại đối với họ cũng không mấy xa lạ.
Hầu hết các vụ ẩu đả trong trường đều có mặt Tùng. Sau vài lần thị uy, Hùng tập hợp được một nhóm tay chân xung quanh. Các đàn em chạy đến nhờ xử lý vụ này vụ nọ, rồi những hảo hán khác trong ký túc xá đòi nói chuyện phải trái. Tùng tuột dốc không phanh, rơi vào điệp khúc "thi - trượt - học lại - qua một năm - lại trượt". Sinh năm 1983, trong khi bạn bè học cùng khóa đã ra trường đi làm, Tùng mới đì đẹt học năm thứ 2.
Khu vực trước cổng chính ký túc xá trường từng được gọi là '"tam giác ăn chơi". Đây là một khu tập trung các quán rượu ốc, quán game, lô đề dày đặc. Một thời, đó là địa điểm ẩu đả, thanh toán nợ nần trong giới "giang hồ" với nhau. Phong trào nhậu nhẹt trong ký túc xá vẫn rất sôi động. Mạnh, K49 Cơ khí, phân bua: "Lên ký túc xá, nhớ nhà: uống rượu; làm quen: uống rượu, cãi nhau rồi làm hòa cũng uống rượu. Mình không uống, bạn bè bảo không nhiệt tình".
Anh Đinh Văn Huân, Đội trưởng Đội thanh niên xung kích cho biết, chuyện những sinh viên yêng hùng, thủ mã tấu, kiếm... trong phòng không hiếm. Khu B5B được mệnh danh là "xóm liều" trong ký túc xá. Các sinh viên lão làng hay chọn các phòng ở khu này làm địa điểm trú chân. Ban quản lý ký túc đã đóng cửa một số phòng nhưng có phòng đã bị phá cửa, lôi những người ngoài vào đánh bạc.
Ông Phạm Thanh Nghì, Giám đốc Trung tâm Quản lý ký túc xá lo ngại: "Nếu đuổi các sinh viên này ra khỏi ký túc, đề nghị đình chỉ rất dễ. Nhưng sau đó có người quay lại gây sự đánh nhau theo kiểu trả thù đời".
(Theo Sinh Viên Việt Nam)