
Một số bệnh nhân được nằm trong các lán dựng tạm bên ngoài Bệnh viện Y tế quốc gia Ấn Độ ở bang Delhi vào đầu tháng 4. Ảnh: AFP.
Tối 7/4, bà mẹ 40 tuổi Shahjahan phải thở máy do bị nhiễm trùng cấp tính sau gần hai tuần rời bệnh viện Lok Nayak. Cô qua đời tại nhà riêng ở Delhi vào sáng hôm sau. Các bệnh viện khác cũng quay lưng với cô vì mải đối phó với đại dịch. "Các nhà chức trách đã để cô ấy chết. Họ giới thiệu chúng tôi đến một bệnh viện khác nhưng họ lại không cho chúng tôi xe cứu thương", Mohammad Khalid, một người họ hàng của Shajahan, cho biết.
Theo AFP, các cơ sở y tế trên thế giới hầu hết bị quá tải bởi sự gia tăng của các bệnh nhân Covid-19 khi đại dịch bùng phát. Điều này có thể khiến những người mắc bệnh hiểm nghèo bị lơ là trong khâu chăm sóc, đặc biệt là ở những nước như Ấn Độ, nơi hệ thống y tế đang xuống cấp.
Bên ngoài Bệnh viện Y tế quốc gia, hàng chục bệnh nhân nguy kịch phải nằm trong các lều trại được chính quyền bang Delhi dựng tạm. Nhiều người trong số họ là dân ở các địa phương khác đến đây nhưng bị huỷ lịch khám và cũng không thể quay về quê nhà do lệnh phong toả toàn quốc kéo dài 21 ngày, bắt đầu từ 25/3.
Ngoài ra, các khoa ngoại trú tại Viện Khoa học Y tế Toàn Ấn Độ (AIIMS) cũng đã bị đóng cửa, buộc các bệnh nhân ung thư và những bệnh nhân khác phải ở trên các lối đi trong ga tàu điện ngầm và trong các lều bạt. Ga tàu điện ngầm này (ảnh dưới) hiện là "nhà" của hơn 10 gia đình không thể trở về quê hương. Họ nằm trên những tấm thảm xếp nhau san sát, gần đến nỗi không thể giãn cách xã hội.
Mặc dù được viện trợ một số thực phẩm và thuốc men nhưng đã 12 tiếng liền Saryu Das không được ăn gì khi AFP gặp ông. Con trai của Das, bị ung thư khoang miệng, phải nằm trên một tấm bìa các tông và được phủ trên mặt một chiếc khăn. Ruồi muỗi vo ve bay lượng vong quanh anh. Bốn ngày sau, con trai của Das qua đời.

Một bệnh nhân ung thư nằm ở ga tàu điện ngầm tại bang Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP.
Tối 24/3, khi ra thông báo trên truyền hình, Thủ tướng Narendra Modi chỉ cho hàng triệu người Ấn Độ 4 tiếng để đi mua thuốc trước khi lệnh giới nghiêm chính thức có hiệu lực vào 0h. Theo Amulya Nidhi, một nhà hoạt động y tế ở bang Madhya Pradesh, chính phủ Ấn Độ nên hiểu rằng những bệnh nhân dễ bị tổn thương - bao gồm những người mắc bệnh phổi và lao, căn bệnh giết chết hàng chục nghìn người mỗi năm ở nước này, cũng như phụ nữ mang thai - có nguy cơ cao về sức khoẻ.
"Tôi nhận được các cuộc gọi kêu than từ khắp nơi trên cả nước về việc không thể mua được các loại thuốc thông thường hay được điều trị. Quan trọng lúc này là phải mở rộng các cơ sở chăm sóc sức khoẻ chống Covid-19. Đồng thời, bệnh viện và xe cứu thương cũng phải sẵn sàng cho những bệnh nhân gặp các vấn đề sức khoẻ khác", Nidhi phát biểu.
Vào tháng 2, Maitri Lakra (39 tuổi) được phát hiện bị ung thư lưỡi giai đoạn đầu, cộng thêm xét nghiệm dương tính với HIV càng làm tăng tai ương cho cô. Hồi giữa tháng 3, các bác sĩ tại AIIMS đã giới thiệu cô đến chi nhánh của họ ở bang Haryana để làm các xét nghiệm trước khi phẫu thuật. Nhưng 10 ngày sau, Lakra được thông báo rằng tất cả các cuộc hẹn chụp X-quang đều bị hoãn.
Khi tình trạng của Lakra xấu đi - chảy máu lưỡi và đau đớn không chịu nổi - cô đã đệ đơn lên Toà án tối cao Delhi và cuối cùng được nhận vào AIIMS. "Bệnh ung thư của mẹ tôi đã chuyển sang giai đoạn ba. Nếu được điều trị kịp thời thì điều này đã chẳng xảy ra", con trai của Lakra, Debashish Dag, cho biết.
Trong khi đó, Vinay Shetty, thuộc tổ chức Think Foundation có trụ sở tại Mumbai, chuyên làm việc với những người mắc bệnh thiếu máu thalassemia và tổ chức hiến máu, cho biết những người cần truyền máu cũng là những người bị đe doạ sự sống cao nhất giữa Covid-19. Với mong muốn chính phủ khuyến khích hiến máu, Shetty nói: "Những người cần thuốc có thể không chuyển biến nghiêm trọng lắm nhưng bất cứ ai cần máu đều nguy cấp".
Còn chuyên gia sức khoẻ cộng động, Anant Bhan, cho rằng việc Ấn Độ tập trung chống Covid-19 có thể dẫn đến các bệnh khác lây lan, ví dụ như bệnh lao. "Người nhà bị cách ly với bệnh nhân lao cũng có nguy cơ nhiễm bệnh. Sau khi hết phong toả và mọi người bắt đầu giao tiếp ngoài xã hội thì bệnh này có khả năng lây nhiễm giống như các bệnh nhân nCoV. Những cái chết vì Covid-19 và cả những cái chết không trực tiếp liên quan đều khiến chúng ta lo lắng. Chúng ta cần đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho những người cần nó", Bhan cho biết.

Mohammed Shan-e-Alan (25 tuổi), bệnh nhân ung thư, chờ đợi được khám chữa khi sống tạm trong lều ngoài AIIMS, bang Delhi, Ấn Độ. Ảnh: AFP.
Nhưng thời gian dành cho các bệnh nhân giống Shahjahan phải nằm trong tàu điện ngầm và các lều trại bên ngoài AIIMS sắp cạn kiệt. "Các bác sĩ bảo tôi rằng hiện tại họ không thể hóa trị cho tôi và họ sẽ gọi cho tôi khi lệnh phong toả được dỡ bỏ. Có lẽ phải chờ vài tuần cho cuộc gọi đó. Bây giờ tôi không thể về nhà cũng không thể đến bệnh viện", Mohammed Shan-e-Alan (25 tuổi), một bệnh nhân ung thư người Rampur, chia sẻ.
Tính tới nay, Ấn Độ ghi nhận 8.540 ca nhiễm nCoV và 289 người chết, 972 người đã phục hồi. Đất nước 1,3 tỷ dân dự kiến sẽ kết thúc lệnh phong toả vào ngày 15/4.
Tùng Anh (Theo Channel News Asia)