Thuốc lá, kẹo... bán cạnh nhà vệ sinh trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1. |
Nhà vệ sinh công cộng trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1 có 2 buồng và một phòng nhỏ cỡ chừng 2 m2. Mặc dù diện tích khiêm tốn nhưng cũng đủ để trưng bày các loại đồ uống như Coca, Pepsi, sữa đậu nành... Ngồi vắt vẻo trên chiếc ghế cao, ông chủ gian hàng cỡ chừng 15 tuổi xưng tên Vũ vui vẻ khoe, ở đây em còn có cả dịch vụ điện thoại công cộng. Vũ nói: "Tiền thu từ dịch vụ này cũng kha khá. Ngày thu được 80.000 đồng, nộp lại cho công ty Công trình công cộng quận 160.000 đồng, rồi trừ chi phí ăn uống, mỗi tháng em tiết kiệm được 200.000 đồng".
Chủ nhân đích thực của nhà vệ sinh công cộng là chị của Vũ - một công nhân của công ty Công trình công cộng quận 1. "Sợ em ham chơi, đi lêu lổng với bạn bè khi nhàn rỗi nên chị nhận và đầu tư thêm cho cái toilet này cho em trông coi" - Vũ cho biết.
Cũng chỉ có 2 buồng vệ sinh, nhưng toilet công cộng trên đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5 lại có quy mô hơn nhà vệ sinh của Vũ. Với cách thiết kế dành hẳn một quầy dài khoảng 2 m bên cạnh buồng vệ sinh, chủ nhân nhà vệ sinh này thiết kế như một tiệm tạp hóa. Góc này thì bày báo, tạp chí, phong bì, bút bi, góc kia lại bày khẩu trang, áo mưa, kẹo cao su, thuốc lá, nước giải khát… Khách ghé vào đây khá tấp nập, sau khi trút "bầu tâm sự" xong nếu có nhu cầu giải khát thì sẽ được phục vụ ngay. Có người chỉ vào uống nước, có người vô tư nhâm nhi cà phê sau khi đi vệ sinh.
Một khách hàng ở quán "cà phê" toilet này nhận xét, vấn đề vệ sinh hay sạch sẽ ở đây chỉ là yếu tố tâm lý của từng người. Cà phê rẻ, chất lượng tàm tạm, phục vụ chu đáo là có thể thu hút người dân lao động.
Theo VnExpress, nhà vệ sinh số 4 nằm trên đường Hùng Vương (quận 5) trở nên đặc biệt hấp dẫn người đi đường về sự "tiện nghi" xung quanh nó. Trông coi toilet này là một người phụ nữ khá lớn tuổi và một cô gái tuổi ngoài 20. Ngoài việc bày bán đủ các mặt hàng phục vụ cho khách đi vệ sinh, nơi đây còn được tận dụng làm chỗ ăn, uống sinh hoạt cho hai mẹ con chị ta nào là tủ đựng quần áo, nồi cơm điện, chén bát, chiếu… Còn phía bên trái nhà vệ sinh này là một cụ già bày bán giày, dép cũ, bên phải là một phụ nữ bán quần áo second hand. Thêm nữa là một quán cà phê "cóc" một cái bàn và ba bốn ghế, khách ra vào để đi vệ sinh và mua đồ làm nhộn nhịp cả đoạn đường.
Người phụ nữ bán cà phê ở đây cho biết, trước đây khu vệ sinh này bẩn lắm, chỉ có vài người bán đồ quần áo cũ tụ tập, vừa bán vừa "chạy" công an. Chỉ khi nhà vệ sinh được tu sửa sạch sẽ thì tôi tới bán cà phê. Nhà vệ sinh và các loại hàng hóa bán ở đây bổ sung lượng khách cho nhau.
Trong khi những khu vệ sinh công cộng "ăn nên làm ra" như vậy thì các phòng vệ sinh trong các quán bar, nhà hàng, quán nhậu, cà phê cũng có cách làm ăn hiệu quả không kém. Ở nhà hàng trên đường Hùng Vương, Thuận Kiều (quận 5), Nguyễn Thị Minh Khai (quận 1), Hoàng Văn Thụ (quận Tân Bình)... trước cửa phòng vệ sinh luôn có một người phục vụ xà phòng rửa tay và khăn lạnh.
Thường thì khách hàng của những quán ăn được phục vụ miễn phí. Nhưng với sự nhiệt tình "thái quá" của các nhân viên như: mở giúp vòi nước, rũ rộng khăn cho thêm phần thuận tiện thì ít người quên khoản tiền boa (tiền bồi dưỡng) trung bình 2.000 đồng cho họ. Có nơi còn vô tư nhắc tiền khách hàng khi lỡ dùng khăn lạnh để sẵn bên ngoài.
Dường như nắm bắt được sự dễ tính của những người vừa được "giải thoát", nhất là đối với đấng mày râu, các em bán hoa tươi thường chờ họ ở trước cửa toilet trong các vũ trường, quán bar. "Bán ở đó được nhiều hơn là đi mời từng bàn" - cô bé bán hoa trong quán bar trên đường Lý Tự Trọng (quận 1) nói - "Em có những anh "khách ruột" vì nắm được tâm lý này. Khi nhậu rồi, các anh thích vừa kết hợp giải quyết nỗi buồn vừa chiều được bạn gái bằng những bông hoa".
Việc xuất hiện ngày càng nhiều nhà vệ sinh công cộng do công ty môi trường đô thị TP HCM lắp đặt trên những vẻ hè vắng người gần đây đã giúp cho thành phố chấm dứt cảnh những anh chàng đứng "tè" tỉnh queo, vừa đứng xả vừa huýt sáo, đầu ngất lên trời không cần biết mình đang đứng đâu. Tuy nhiên, việc hình thành các dịch vụ kinh doanh ăn theo đang có nhiều ý kiến khác nhau. Nhiều người không khỏi khen ngợi vì sự nhạy bén của các chủ dịch vụ xung quanh cái toilet. Tuy nhiên, cũng không ít người đặt vấn đề văn hóa Việt Nam sẽ bị hiểu sai lệch trước việc kinh doanh ở những nơi "nhạy cảm" như vậy. Đó là chưa nói đến chuyện mất vệ sinh của các dịch vụ ăn uống kề bên toilet.