Về phương pháp lấy mẫu của Cục BVTV, tất cả các mẫu rau đều được lấy theo 10TCN 386-99 tại thời điểm thu hoạch. Trước khi quyết định số mẫu tối thiểu, đoàn này đã xác định tổng số ruộng rau trong thời điểm thu hoạch. Trên cơ sở đó, đoàn chọn ngẫu nhiên 50% số ruộng rau đó, tại mỗi ruộng được chọn, lấy ngẫu nhiên 5 mẫu đơn tại 5 điểm chéo góc trên ruộng, trộn 5 mẫu đơn đó lại với nhau để lấy 1 mẫu trung bình đem đi xét nghiệm. Tất cả các xét nghiệm đều được tiến hành tại Phòng Kiểm định chất lượng và dư lượng thuốc (Trung tâm Kiểm định thuốc BVTV phía Bắc) đã được công nhận phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế ISO 17025, mang số hiệu VILAS 168.
Dự án "Phát triển nông nghiệp bền vững vùng ven đô trong mối tương tác nông thôn - đô thị" (Rubifarrm) đã đưa ra các mẫu phân tích của dự án, trong đó có tới 11/21 mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép của Bộ NN - PTNT, FAO/WHO (1993), 7/21 mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế, thậm chí có mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép 5 - 15 lần.
Khi kết quả này được công bố trên báo chí đã gây hoang mang dư luận, người tiêu dùng ngần ngại không dám sử dụng rau, người trồng rau thì điêu đứng. Các cơ quan chức năng của VN đã vào cuộc để tìm ra thực hư. Cục ATVSTP đã xét nghiệm 9 mẫu với kết quả xét nghiệm khẳng định tồn dư kim loại nặng ở tất cả các mẫu rau đều thấp hơn nhiều so với giới hạn tối đa trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.
Tuy nhiên, Cục ATVSTP cũng tiết lộ trong những mẫu rau đó có dư lượng hoá chất BVTV trong danh mục cấm. Khẳng định của Cục ATVSTP đã chứng minh sự vô can của Cục này và đưa trách nhiệm thuộc về Cục BVTV.
Biết việc, ngày 22/3, Cục BVTC cũng đã tổ chức đoàn kiểm tra gồm Thanh tra Cục BVTV, Trung tâm kiểm định thuốc BVTV phía Bắc, Chi cục BVTV Hà Nội lấy mẫu rau tại thôn Bằng B để kiểm tra các chỉ tiêu về dư lượng thuốc BVTV. Sau khi xét nghiệm, Cục BVTV đã công bố một kết quả ngược lại: Không hề có dư lượng thuốc BVTV vượt quá mức cho phép trong tất cả các mẫu rau. Đại diện cả 2 cục (Cục ATVSTP và Cục BVTV) đều khẳng định rau ở khu vực này vẫn sử dụng được.
Khi được hỏi phương pháp lấy mẫu của đoàn kiểm tra do Cục ATVSTP chủ trì, đại diện của Chi cục BVTV Hà Nội trong đoàn cho biết đã lấy 9 mẫu đơn trên những ruộng rau muống, rau cần, rau cải soong mà họ gặp, không cần biết ruộng rau đó có trong thời điểm thu hoạch hay không. Khi đại diện của Chi cục BVTV Hà Nội có ý kiến về cách lấy mẫu không hợp lý đó thì đã không được chấp nhận.
Trong đoàn kiểm tra của Cục BVTV 5 ngày sau đó, cũng đại diện này của Chi cục BVTV Hà Nội đã thấy những ruộng rau mà 5 ngày trước Cục ATVSTP đã lấy mẫu vẫn còn y nguyên, chưa hề thu hoạch. Việc lấy mẫu không ở thời điểm thu hoạch này đã cho kết quả không thoả đáng, rau vẫn trong thời gian cách ly, thuốc BVTV vẫn trong thời gian phân huỷ. Hơn nữa, Cục BVTV lên tiếng khẳng định những hoạt chất thuốc BVTV trong danh mục cấm mà Cục ATVSTP đưa ra với hàm lượng cao sau khi xét nghiệm vốn đã bị cấm sử dụng cách đây trên 20 năm và cũng không bị nhập lậu từ nước ngoài vào VN.
Trước những kết luận của Cục BVTV, người tiêu dùng phần nào cảm thấy thuyết phục vì đây là một cơ quan chuyên trách có những hành xử khá thận trọng. Nhưng những ý kiến khác nhau, thậm chí trái ngược nhau về chất lượng rau tại thôn Bằng B của các cơ quan hữu quan khác cần phải được chính các cơ quan này lý giải trước công chúng. Bởi lẽ, việc đưa ra những ý kiến này có thể là chuyện nhỏ với các cơ quan trên nhưng lại gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới dân sinh, nhất là nông dân.
(Theo Diễn Đàn Doanh Nghiệp)