![]() |
Ông Rick Wagoner. |
Ông Rick Wagoner, Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành GM, đã tình nguyện chỉ nhận một nửa trong mức lương 2,2 triệu USD/năm của mình. 4 người còn lại cũng chấp nhận cắt một khoản lớn trong lương để góp phần cải thiện tình hình tài chính của công ty.
Không một lãnh đạo nào nhận khoản thưởng (chiếm một khoản ngân sách khá lớn của GM) trong năm 2005, thậm chí, trong tương lai, các lãnh đạo GM có thể sẽ không được trả lương.
Ngoài ra, các cổ đông lớn của GM cũng chấp nhận cắt giảm 50% khoản lợi tức được nhận khoảng 565 triệu USD. Đây là lần đầu tiên trong vòng 13 năm, hãng này buộc phải cắt giảm cổ tức của các nhà đầu tư.
Lý giải điều này, ông Wagoner nói: “Chúng ta đang phải đối mặt với những thay đổi mạnh mẽ trong ngành công nghiệp nước Mỹ và môi trường cạnh tranh toàn cầu. Do đó, chúng ta cần giảm thiểu những rủi ro tài chính và nâng cao sức cạnh tranh trong một thời gian dài".
Nhiều nhà phân tích nghi ngờ sự vực dậy này của GM và cho rằng hãng đang sắp sửa rơi vào tình trạng phá sản. Song GM vẫn khẳng định, sẽ không có điều đó và cho rằng: GM sẽ thực hiện cắt giảm chi phí, đưa ra nhiều mẫu xe mới, nhằm chiếm lại các thị phần đã mất.
Giá nguyên liệu tăng, chi phí thuê công nhân đắt đỏ và tình trạng buôn bán ảm đạm khiến cho tình hình tài chính của công ty khó khăn. Mới đây, hãng này cũng đã buộc phải sa thải 30.000 công nhân và đóng cửa 9 nhà máy sản xuất ôtô ở Bắc Mỹ do tình hình kinh doanh liên tiếp thua lỗ và sự tiến công ồ ạt của các hãng xe hơi đến từ châu Á. Riêng trong quý 4/2005, GM lỗ 4,8 tỷ USD.
GM không phải là nhà sản xuất ôtô duy nhất ở Mỹ đối mặt với khó khăn tài chính. Tháng trước, hãng Ford cũng đã cắt giảm 30.000 công nhân, đóng cửa 14 nhà máy ở Bắc Mỹ và giảm 50% các chi phí khác để nhằm giảm thiểu áp lực về tài chính.
(Theo Thời Báo Kinh Tế VN)