![]() |
Khách Việt đến thưởng thức món ăn Nhật tại nhà hàng Nagomi trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, TP HCM. |
Ngoài những nhà hàng, quán ăn quen thuộc của Trung Quốc, Mỹ, Nhật..., gần đây tại TP còn có các nhà hàng của Campuchia, Lào, Ấn Độ, Brazil, Đức... với giá bán cũng chỉ “thường thường bậc trung”
Theo giới kinh doanh nhà hàng, quán ăn, tại TP HCM hiện nay có trên 100 nhà hàng, quán ăn chuyên kinh doanh ẩm thực nước ngoài, do người nước ngoài hoặc Việt kiều mở. Do các nhà hàng này rất chú trọng đến việc chọn mua thực phẩm nguyên liệu, thành phần gia vị và sử dụng đầu bếp “chính quốc” nên thức ăn ít bị “Việt hóa”.
Nhà hàng Lào trên đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 là một trong 2 địa chỉ kinh doanh món ăn Lào tại TP HCM. Nhà hàng có hơn 20 món ăn truyền thống Lào như cơm lam gà nướng, bún Lào, canh chua cá, thịt một nắng... Đặc biệt nhất là các món lạp (tiếng Lào nghĩa là “hên”) được làm từ thịt động vật kết hợp với gia vị, không dùng đường; vị chua cay, dùng chung rau húng lủi, ngò gai, là món ăn truyền thống trong ngày Tết, lễ ở Lào, giá 40.000 đồng/phần. Nộm đu đủ Lào dùng đu đủ băm trộn với đường, chanh, mắm ruốc, mắm cá, đậm đà hương vị, giá 25.000 đồng... Chị Muonphanh Souphanouvong, chủ nhà hàng, nói: Đặc trưng của món Lào là ít sử dụng dầu mỡ, đường, nhưng dùng nhiều gia vị (chủ yếu là riềng, sả, hành, tỏi, ớt), gần gũi với khẩu vị người Việt.
Là nhà hàng Campuchia duy nhất ở Việt Nam, Angkor-Encore (trên đường Ngô Văn Năm, quận 1) đã tạo sự chú ý cho khách bởi những món ăn truyền thống. Campuchia nổi tiếng với món mắm bò hóc. “Nó hoàn toàn không đáng sợ như người ta nghĩ, mà đây là món mắm được làm từ cá có hương vị đậm đà, đặc trưng của Campuchia”, anh Bích Chính, quản lý nhà hàng, cho biết. Hương thơm đặc biệt của trái chúc (chanh rừng), trái ngải bún dùng để chế biến món canh chua kreơưng không thể lẫn lộn với bất cứ món canh chua của nước nào.
Món cá amok được trộn ướp gia vị của Campuchia, sau đó gói lá chuối hấp bằng nước cốt dừa cũng khá hấp dẫn... Anh Daniel Hùng, chủ nhà hàng Angkor Encore, cho biết nhà hàng có trên 100 món ăn hoàn toàn không sử dụng bột ngọt, chỉ dùng đường thốt nốt và các gia vị nhập từ Campuchia. Tại đây, với 70.000 đồng, bạn đã có bữa tiệc buffet. Thực đơn từng món có giá 45.000- 75.000 đồng/món.
Nhà hàng Nhật Nagomi trên đường Lê Thánh Tôn (quận 1) có trên 300 món, được bài trí đẹp mắt. Nếu món kim chi là đặc trưng của Hàn Quốc thì Sushi và Shasimi là món chủ yếu của người Nhật Bản. Susi là món ăn thay cơm, được chế biến từ cơm vắt trộn với cá. Còn Shasimi chủ yếu là cá tươi sống philê. Với khoảng 50.000- 150.000 đồng, khách có thể đến Nagomi để thưởng thức một vài món ăn của Nhật và rượu sakê.
Tại TP có một quán phở Nhật nằm khuất trong một căn nhà trang trí đầy đồ gỗ sơn mài gần góc đường Đồng Khởi, Ngô Đức Kế, nếu không có chủ ý tìm kiếm, bạn sẽ dễ lầm tưởng đó là cửa hàng đồ gỗ. Giới sành ăn và thích sưu tầm món lạ không ai không biết quán phở này và thường nói đùa “đó là sự “giao lưu” văn hóa ẩm thực Việt - Nhật” và là một hiện tượng lạ. Lạ bởi vì ông chủ là người Nhật, có cả hệ thống nhà hàng khách sạn ở Nhật nhưng khi sang Việt Nam chỉ bán mỗi món phở, món ăn truyền thống của người Việt.
Giá phở Nhật 18.000-25.000 đồng/tô, mỗi ngày quán thu hút khoảng 300-400 khách cả Á, Âu, Việt. Ông Tezuka Katsuyoshi, chủ quán, vui vẻ tiết lộ: “Tôi đến Việt Nam du lịch hơn 10 năm trước, rất thích món phở và “nghiện” phở khi nào không biết. Tôi thử dùng các gia vị của người Nhật để nấu phở. Vậy mà ăn thấy lạ, thấy ngon... và quán phở Nhật này ra đời. Vẫn là nước dùng, bánh phở, thịt, rau thơm, tương ớt... nhưng món phở Nhật có nét hấp dẫn riêng bởi có vị thơm của gia vị Nhật.
Đặc trưng của nhà hàng Brazil Churrascaria trên đường Trương Định (quận 3) là tiệc buffet với trên 20 món thịt nướng và salach các loại, giá trung bình 15 USD/người (các món nướng) và 11 USD/người (các loại salach). Trong đó có món thịt bò, trừu nướng nổi tiếng của Brazil. Theo ông Phạm Đức Toàn, quản lý nhà hàng Brazil Churrascaria, khách hàng người Việt rất thích hai món này.
Ông Geeghhand, bếp trưởng nhà hàng Đức Bảo (Đồng Khởi, quận 1), giới thiệu: “Nhà hàng có khoảng 60 món Đức như: xúc xích, xúc xích hun khói, bắp chuối heo nướng, thịt heo tẩm bột bánh mì chiên ăn với khoai tây xào... Các món tráng miệng như bánh táo kiểu Đức, trái cây đốt lửa... giá trên dưới 100.000 đồng/món”. Thực khách khó quên vị béo đậm đà của bơ, sữa, vị thơm ngon của thịt, cá tươi nguyên chất trong thực phẩm Đức.
Nhà hàng Ấn Độ Alibaba trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1, từ nhiều năm nay thu hút khá đông khách Việt. Chị Nguyễn Thị Công Tâm, quản lý nhà hàng, cho Người Lao Động biết: “Alibaba có trên 100 món ăn của Ấn Độ, với gia vị chủ yếu là hương tự nhiên lấy từ các loại lá cây. Món khách ưa thích nhất là cà ri dê nổi tiếng”.