Trước đây, khi các nguyên liệu nấu ăn còn khan hiếm, mỡ lợn là nguyên liệu không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nó thường được sử dụng để chế biến các món chiên xào thơm ngon. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nguyên liệu nấu ăn ngày càng phong phú, các loại dầu trên thị trường ra đời và ngày càng đa dạng, nhiều người chọn dầu thực vật thay mỡ lợn trong nấu nướng.
Hiện có nhiều thông tin về việc có nên ăn mỡ lợn hay không. Trong khi có người cho rằng mỡ lợn tốt hơn cả thuốc, rằng thể chất của con người trong cuộc sống hiện đại ngày càng kém do ăn ít mỡ lợn, số khác nhận định mỡ lợn không chỉ gây béo, còn không có lợi cho sức khỏe tim mạch và có thể gây ung thư. Vậy mỡ lợn có lợi hay hại?
1. Giá trị dinh dưỡng của mỡ lợn
Mỡ lợn được nhiều người lựa chọn khi xào rau, vì nó khiến món ăn trở nên thơm ngon. Mỡ lợn khi được nấu ở nhiệt độ cao sẽ trải qua phản ứng hóa học Maillard. Các hợp chất carbonyl trong mỡ lợn có thể phản ứng với protein, axit amin và các chất khác để tạo ra mùi thơm khác nhau như aldehyd và hợp chất dị vòng, kích thích vị và khứu giác của người sử dụng.
Về giá trị dinh dưỡng, thành phần chính của mỡ lợn là axit béo, vitamin và khoáng chất. Một thìa mỡ lợn chứa 5 g chất béo bão hòa, 5,8 g chất béo không bão hòa đơn, 1,4 g chất béo không bão hòa đa, 1.000 đơn vị quốc tế (IU) vitamin D, vitamin A, vitamin B và các chất dinh dưỡng khác.
Với các chỉ số trên, mỡ lợn là thực phẩm có thành phần dinh dưỡng phong phú, nếu ăn uống đúng cách sẽ có lợi cho sức khỏe.
2. Ăn mỡ lợn lâu ngày có lợi hay hại?
Thông thường, dầu hay mỡ có ngon hay không chủ yếu phụ thuộc vào lượng chất béo. Thành phần chính của dầu mỡ là chất béo, có thể chia thành ba loại: axit béo bão hòa, axit béo không bão hòa đơn và axit béo không bão hòa đa.
Chức năng chính của axit béo bão hòa là cung cấp năng lượng, nhưng ăn quá nhiều sẽ làm tăng cholesterol và khiến bạn thừa chất béo. Ngược lại, axit béo không bão hòa đơn và axit béo không bão hòa đa (omega-3 và omega-6) lại có lợi ích sức khỏe.
Chất béo bão hòa trong mỡ lợn chiếm khá nhiều, cứ 100 g mỡ lợn có 39,2 g chất béo bão hòa, khiến nó được gọi là "vua của chất béo bão hòa", mang lại độ thơm ngon, béo ngậy cho món ăn.
Tuy nhiên, một khi chất béo bão hòa được tiêu thụ quá nhiều, nó có thể làm tăng đáng kể quá trình tổng hợp cholesterol trong cơ thể, làm tăng mức độ LDL, hay cholesterol xấu, trong máu và tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như xơ cứng động mạch. Ngoài ra, hấp thụ quá nhiều chất béo dễ dẫn đến béo phì và không có lợi cho sức khỏe tim mạch.
Do đó, kiểm soát lượng mỡ lợn khi ăn là điều quan trọng. Nhìn chung, năng lượng chất béo hàng ngày với mỗi người chỉ nên chiếm 25% tổng năng lượng cơ thể cần.
Theo một báo cáo trên BBC hồi tháng 1/2018, các nhà nghiên cứu đã phân tích hơn 1.000 loại thực phẩm thô và nhận thấy mỡ lợn nằm trong số 10 loại thực phẩm hàng đầu cung cấp sự cân bằng tốt nhất cho nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày của một người, với điểm dinh dưỡng là 74. Nó được liệt kê là có chứa "một nguồn vitamin B, khoáng chất tốt và tốt cho sức khỏe hơn mỡ cừu hoặc mỡ bò".
Như vậy, miễn được tiêu thụ ở mức hợp lý, mỡ lợn không gây ra bất cứ mối đe dọa nào mà còn tốt cho sức khỏe.
Hướng Dương (Theo Sohu, Asia One)