>> Cảm nhận sách hay, nhận điện thoại
Nguyễn Duy Thanh
(Cuốn sách của tôi)
Có người từng nói với tôi: "Chiến tranh là nơi tập trung đỉnh điểm cảm xúc con người, đó là nơi sinh tử trong gang tấc, là nơi xuất hiện anh hùng và cả những kẻ hèn nhát, là nơi có vinh quang, ánh sáng, lý tưởng và có cả sự ích kỷ, độc ác, tàn bạo...". Người ta biết đến chiến tranh không chỉ bởi sự đau thương, khổ hạnh mà ở đó còn có cả tình yêu và lý tưởng. Tôi đã đọc rất nhiều tiểu thuyết, ký sự và cả truyện ngắn chiến tranh. Nhưng thực sự Ăn mày dĩ vãng đã để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất.
Hai tháng để một người lính, một anh hùng, tìm lại quá khứ, tìm lại đồng đội, người yêu dấu xưa, rồi để khóc, để buồn, căm giận, vấn vương. Hai Hùng - người rừng - nhân vật "tôi", là người chỉ huy ở bên sông Sài Gòn những năm 1968, mạnh mẽ, dũng cảm, mưu trí. Ba Sương - người y tá mảnh dẻ, xinh đẹp, lương thiện. Hai người yêu nhau trong chiến tranh, một tình yêu đẹp, tình yêu từ duyên kiếp. Nhưng chiến tranh thật tàn nhẫn, trong một chiến dịch khiến Hai Hùng đã tưởng Ba Sương ra đi mãi mãi.
Hòa bình về, mang Hai Hùng trở lại bắc, để lại hồn người con gái Ba Sương. Rồi mấy mươi năm sau, người chỉ huy kia trở lại chiến trường và vô tình thấy lại người con gái yêu thương ấy. Người con gái tên "Ba Sương" vẫn chưa chết, không hề chết. Một cuộc hành trình lạ lùng, ký ức được khơi dậy sống động, có máu, có nước mắt.
Những người bạn chiến xưa như ba Thành, Tuấn, Quân, Tường... mỗi người một cuộc sống, một quan điểm sống nhưng tất cả họ đều hết mình với đồng đội dù ở bất cứ nơi đâu. Trong chiến tranh, họ đã kề vai, sát cánh bên bìa rừng ven sông Sài Gòn để giành từng mét đất, gốc cây. Chiến tranh ác liệt, bom, pháo dội ngày đêm, giặc càn quét từng đợt. Cái chết của từng đồng chí trong tiểu đội, sự đau thương, mất mát càng làm họ gần nhau hơn. Để rồi trở về hiện tại, họ vui, họ sống với tinh thần người lính, quật cường, không khách xáo. Tình đồng chí mạnh mẽ, keo sơn.
Còn tình yêu của Hai Hùng - người chỉ huy xưa, ngọt ngào, mặn nồng mà cay đắng. Duyên phận đưa họ đến với nhau nhưng lại cách xa mấy chục năm và tình cờ nhìn thấy nhau, cả hành trình tìm lại với nhau. Gặp mặt rồi xa nhau tức khắc.
Qua ngòi bút của mình, Chu Lai đã khắc họa được trạng thái nhân vật một cách thần kỳ. Những con người thăng hoa vì tình rồi lại đau đáu vì tình. Sự khắc khoải, mong ngóng, đau đớn phải lìa xa. Kết thúc là sự ở lại của Hai Hùng và các đồng chí của mình để tìm ra kẻ giết người - tên sĩ quan thám báo Đặng thanh Địch, tức Hai Hợi.
Kết thúc của cuốn tiểu thuyết có lẽ buồn nhưng chính là thực tế như chính chiến tranh, chính sự bon chen của đời người để lại. Thực sự đúng như một tác giả từng nhận định Ăn mày dĩ vãng của Chu Lai là một tiểu thuyết chiến tranh nhưng kỳ thực nó phô bày hết mọi mặt của cuộc sống.
Từ cuộc chiến tranh đẫm máu giữa hai phe: "ta" và "kẻ thù" đến tâm sinh lý con người, đến tình yêu lãng mạn trong thời kỳ khốc liệt, rồi cả những mặt trái trong thời chiến lẫn thời bình, đều được trưng bày cho độc giả "nhấm nháp", chiêm nghiệm và suy tư.
Tôi mong rằng những người đọc tiểu thuyết Ăn mày dĩ vãng sẽ hiểu, suy ngẫm để thấy một phần mình trong đó. Thấy rằng đâu đó có những con người vẫn sống bằng những hoài niệm, bằng ký ức từ một thời xa xưa. Và xin hãy tôn trọng ký ức của mình dù nó tàn bạo, khổ đau hay đầy mơ mộng và ngọt ngào.