Kỷ tử, hay câu kỷ tử, là một vị thuốc được sử dụng trong y học cổ truyền nhằm bồi bổ cơ thể, kéo dài tuổi thọ. Kỷ tử có thể làm thuốc giảm đau và làm thức ăn bốn mùa, tuy giá trị dinh dưỡng không cao bằng nhân sâm nhung hươu và đông trùng hạ thảo nhưng lại là sản phẩm bổ dưỡng, giá thành phù hợp đại đa số người dân. Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng quả kỷ tử có vị ngọt, tốt cho thận. Tuy nhiên, tùy theo bệnh tật và thể chất khác nhau mà phương pháp ăn kỷ tử cũng khác nhau.
Dưới đây là ba cách ăn kỷ tử giúp bổ thận:
1. Ngâm kỷ tử với nước
Ngâm kỷ tử với nước là cách đơn giản nhất để chữa mệt mỏi, suy nhược do chứng thận âm hư, với các biểu hiện như eo lưng, đầu gối đau nhức, hoa mắt, chóng mặt ù tai. Bạn có thể lấy khoảng 20 đến 30 g kỷ tử hãm với nước sôi, đậy nắp ủ từ 10 đến 20 phút rồi uống. Nên ngâm hai đến ba lần nước trước khi ăn cả quả.
Ngoài ra, nhai trực tiếp kỷ tử sẽ giúp bạn hấp thụ tối đa dinh dưỡng từ quả này. Theo Zhang Xichuan, một bác sĩ 50 tuổi, nên nhai 30 g kỷ tử mỗi tối trước khi đi ngủ để tốt cho thận. Tuy nhiên, Zhang cho biết người có thể trạng lạnh không nên nhai sống kỷ tử mà nên cho vào nồi, hấp cách thủy 30 đến 40 phút rồi ăn như món ăn vặt.
2. Nấu cháo kỷ tử
Biểu hiện chủ yếu của thậm âm hư ở người già là mắt mờ, hay chảy nước mắt và món cháo kỷ tử được coi là rất có ích trong việc cải thiện tình trạng này.
Bạn có thể cho 150 g gạo cùng lượng nước thích hợp để nấu cháo, sau đó cho 30 g kỷ tử vào khi cháo gần chín. Món cháo kỷ tử rất tốt với nam giới bị thận âm hư, cải thiện tình trạng liệt dương, hiếm muộn, tiểu đêm, xuất tinh sớm, đau thắt lưng, tiểu tiện không tự chủ...
Trong khi đó, phụ nữ bị thận âm hư với các biểu hiện như kinh nguyệt không đều, da dẻ tái nhợt, mất ngủ có thể ăn cháo kỷ tử để bồi bổ cơ thể. Ngoài ra, có thể dùng 25 g kỷ tử, 15 g mộc nhĩ trắng, thêm nước và 20 g mật ong rồi hầm 5 phút, uống khi ấm để cải thiện sức khỏe rất tốt.
3. Rượu kỷ tử
Lấy 200 g kỷ tử, rửa sạch và phơi khô, sau đó đổ vào 1 lít rượu trắng. Sau 14 ngày, có thể chắt uống dần, mỗi ngày 10 ml. Loại rượu này rất tốt trong việc cải thiện các biểu hiện bơ phờ, chân tay lạnh, lưng gối mỏi, tiểu đêm ở người bị thận dương hư.
Hướng Dương (Theo Sohu)