Đã bước vào tuổi trung niên nhưng nữ phạm nhân Ngô Thị Nguyền (quê ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) vẫn có những nét thanh tú của người phụ nữ miền Tây Nam bộ. Đến thời điểm hiện tại, bà Nguyền đã gần 7 năm “ăn cơm tù” tại trại giam Hoàng Tiến, tỉnh Ninh Bình về tội mua bán phụ nữ, trẻ em.
Giọng nhỏ nhẹ, bà Nguyền tâm sự về bản án của pháp luật và chính lương tâm cắn rứt của người mẹ đã bán con gái 14 tuổi sang Trung Quốc. Người phụ nữ 55 tuổi trong bộ quần áo phạm nhân luôn cúi gằm mặt khi nói về tội lỗi gây ra cho con gái bà ta.
Sinh trong gia đình nghèo, đông anh chị em, không được học tới nơi, nên năm 17 tuổi, Nguyền bị cha mẹ ép gả cho người đàn ông hơn cô 30 tuổi. Nguyền không chấp nhận, bỏ nhà lên Sài Gòn học nghề cắt tóc rồi sang Camphuchia mở một cửa hàng với giấc mộng đổi đời.
Trong cuộc mưu sinh nơi xứ người, Nguyền gặp một người đàn ông Việt Nam và đem lòng yêu. Hai người sống với nhau và có cô con gái xinh xắn. Khi con gái 3 tuổi, Nguyền mới biết anh ta đã có gia đình.
![]() |
Bà Nguyền đang thụ án tại trại giam Hoàng Tiến, Bộ Công an. Ảnh: Việt Dũng. |
Một buổi sáng giữa năm 1993, đang ở cửa hàng, Nguyền hoảng hốt khi thấy người phụ nữ cầm chai axit tìm “kẻ cướp chồng” để xử lý. Cô cay đắng và hoảng sợ không dám lộ thân phận cho chị ta biết. Sau buổi đó, Nguyền mang con gái về Việt Nam.
Suốt quãng đường dài, Nguyền khóc thật nhiều, và tự dằn vặt bản thân. Cô muốn về quê thật nhanh để tạ lỗi với bố mẹ. Trên đường đi, Nguyền nghe tin mẹ mất nên càng ân hận, đau đớn. Cô quyết định không về chịu tang mẹ, mang con lên Sài Gòn.
Nguyền sống ở Sài thành với em gái được một thời gian, rồi cô em này bị bắt vì buôn bán ma túy, phải lĩnh án 13 năm tù. Hai mẹ con cô thành “tứ cố vô thân”, phải dạt về đất Cần Thơ mưu sinh bằng nghề bán vé số.
Cuối năm 2003, cuộc đời thay đổi rẽ sang ngả đường khác khi Nguyền gặp một người đàn bà hào phóng mua vài chục tấm vé số. Hai người trò chuyện như đã quen nhau từ lâu. Nguyền kể về cuộc sống vất vả của hai mẹ con và những nỗi đắng cay phải trải qua.
Người phụ nữ kia bày tỏ sự chia sẻ và hứa giúp kiếm công việc hái hồ tiêu cho một cơ sở bên Trung Quốc, ngày kiếm được vài trăm nghìn. Đang lúc khó khăn, nghe vậy, Nguyền đồng ý, theo bà ta ra Bắc, tới khu vực Móng Cái, Quảng Ninh.
Tới cửa khẩu Móng Cái, người đàn bà đi cùng Nguyền đột nhiên bị người lạ kéo đi với lý do phải giải quyết chuyện nợ nần. Đến tối, hai mẹ con Nguyền đợi nhưng không thấy bà ta quay lại. Đang lúc lo lắng, một phụ nữ lạ mặt đến và nhận là người đưa mẹ con Nguyền qua biên giới.
Ở được vài ngày, chị ta nói với Nguyền để cô con gái 14 tuổi lại “giúp việc”, đến khi lớn sẽ mai mối cho người đàn ông giàu có. Chị ta còn dặn Nguyền về Việt Nam tìm các cô gái khác dẫn sang sẽ được trả nhiều tiền. Cầm 4.000 nhân dân tệ tiền bán con, Nguyền về quê để tìm “hàng”.
Ngoài số tiền trên, Nguyền còn được “Tú Bà” này ứng trước 1.000 nhân dân tệ làm lộ phí. Về đến quê, Nguyền bịa ra chuyện đã ổn định cuộc sống ở Trung Quốc, với công việc cắt chỉ may, kiếm tiền tốt. Thấy con của em gái đang tuổi lớn, Nguyền rỉ tai bảo sẽ lo việc cho.
Người em tưởng thật, để con và một người bạn gái khác theo Nguyền ra Bắc. Một ngày đầu tháng 6/2004, khi đang chuẩn bị dẫn hai thiếu nữ 15 và 17 tuổi sang Trung Quốc, Nguyền bị bắt. TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên phạt Nguyền 15 tù.
“Tới lúc hối hận thì đã quá muộn, đâu còn ai ở bên để nghe tôi sám hối nữa…”, bà Nguyền trải lòng về ngày nhận được tin bố mất. Gần 7 năm sống trong trại, không một người thân đến thăm hỏi, tiếp tế khiến người đàn bà đã được “cảm hóa” thấy rớt nước mắt.
Nhưng nỗi dằn vặt lớn nhất với người phụ nữ này là không biết số phận con gái hiện giờ ra sao: “Tôi vẫn không biết giờ này con tôi đang ở đâu. Nó có còn sống trở về để tôi được quỳ xuống xin tha thứ”.
Việt Dũng