Khi các gia đình hiện tiếc thương sự ra đi của người thân, sự chú ý đang đổ dồn vào việc vì sao cây cầu treo đi bộ, được xây dựng từ thế kỷ 19, khi Ấn Độ còn là thuộc địa của Anh và được trang web du lịch của bang Gujarat ca ngợi như một "kỳ quan nghệ thuật và công nghệ", bị sập và ai sẽ phải chịu trách nhiệm. Cây cầu mở cửa trở lại chỉ bốn ngày trước khi thảm họa xảy ra.
Tổng thanh tra Ashok Yadav cho biết cảnh sát đã thành lập một đội điều tra đặc biệt và bắt 9 người liên quan. Những người bị bắt bao gồm các quản lý của Tập đoàn Oreva, công ty vận hành cầu và nhân viên công ty này.
"Chúng tôi sẽ không tha cho những kẻ phạm tội, không bỏ qua cho bất cứ ai", ông Yadav nói.
Theo ABC News, giới chức bang Gujarat đã mở cuộc điều tra với Oreva vì nghi ngờ giết người, cố gắng giết người và các vi phạm khác.
Hồi tháng Ba, chính quyền thị trấn Morbi ký hợp đồng 15 năm bảo dưỡng, quản lý cây cầu với Oreva (nhóm các công ty thường sản xuất đồng hồ, máy quét muỗi và xe đạp điện). Cùng tháng, Oreva đóng cửa cây cầu bắc qua một đoạn rộng của sông Machchu để sửa chữa.
Cây cầu từng được tu sửa vài lần và nhiều bộ phận ban đầu đã được thay thế vài năm qua. Đến ngày 26/10, cầu được mở lại sau gần 7 tháng đóng cửa, thu hút hàng trăm khách đến tham quan.
Sandeepsinh Zala, quan chức thị trấn Morbi, nói với Indian Express rằng Oreva đã mở cửa lại cây cầu mà không có giấy kiểm định.
Giới chức cho biết cây cầu treo bị sập do phải chịu sức nặng của hàng trăm người. Video về thảm họa này cho thấy cầu bị rung lắc dữ dội, người dân cố tóm lấy dây cáp và hàng rào kim loại trước khi lối đi bằng nhôm trên cầu bị gãy ở giữa và rơi xuống sông.
Cảnh sát cho biết ít nhất 140 người được xác nhận đã chết và nhiều người khác nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Các nhân viên ứng phó khẩn cấp và cứu hộ đã làm việc suốt đêm để tìm kiếm người sống sót. Harsh Sanghivi, người đứng đầu cơ quan nội vụ bang Gujarat, cho biết hầu hết nạn nhân là thiếu niên, phụ nữ và người lớn tuổi.
Jigar Khunt, một quan chức sở thông tin ở Gujarat, cho biết ít nhất 177 người sống sót được kéo từ dưới sông lên. Không rõ bao nhiêu người trên cây cầu khi nó sập và bao nhiêu người còn mất tích, nhưng những người sống sót cho biết cầu chật kín đến mức không thể nhanh chóng thoát ra khi dây cáp bắt đầu đứt.
"Có rất nhiều người trên cầu lúc đó. Chúng tôi gần như không thể nhúc nhích", Sidik Bai, 27 tuổi, nói khi đang nằm phục hồi trong bệnh viện ở Morbia.
Sidik cho biết anh đã nhảy xuống sông khi cầu bắt đầu gãy và nhìn thấy bạn mình bị lối đi bằng kim loại của cầu đập trúng người. Sidik may mắn sống sót nhờ bám vào dây cáp.
"Tất cả mọi người đều kêu cứu, nhưng rồi từng người một dần biến mất dưới nước", Sidik nhớ lại.
Gujarat là bang quê nhà của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Thời điểm thảm họa xảy ra, ông cũng đang có mặt ở bang. Modi cho biết ông "đau buồn trước thảm kịch này" và văn phòng ông tuyên bố sẽ bồi thường cho người nhà có nạn nhân thiệt mạng, đồng thời kêu gọi các nỗ lực cứu hộ nhanh chóng.
"Hiếm khi trong đời tôi phải trải qua nỗi đau này", Modi nói trong sự kiện trước công chúng hôm 31/10.
Vụ sập cầu trên là thảm họa lớn thứ ba ở châu Á liên quan đến đám đông trong một tháng qua. Hôm 29/10, hơn 150 người thiệt mạng khi dự lễ hội Halloween ở Itaewon, một khu phố nổi tiếng của thành phố Seoul, Hàn Quốc. Trước đó, vào ngày 1/10, cảnh sát Indonesia bắn hơi cay vào đám đông tại một trận đá bóng, khiến cổ động viên cố bỏ chạy và giẫm đạp nhau, làm 132 người chết.
Hướng Dương (Theo ABC News)