Nằm bên bờ kênh Nhiêu Lộc, phía sau ngôi chùa Miên, quán cơm chay Thiện Tâm ở trong bãi đất rộng rãi, thoáng mát và sạch sẽ. Quán mở cửa từ 10 giờ đến 12 giờ, phục vụ hoàn toàn miễn phí cho bất kỳ người nào có hoàn cảnh khó khăn, sa cơ lỡ bữa.
Khách xếp hàng chờ đến lượt phát cơm tại quán Thiện Tâm. Ảnh: Tá Lâm. |
Khách đến quán, hầu hết là những mảnh đời cơ cực, đói rách. Người mang theo cả chiếc xe ba gác đang hành nghề, hay chiếc xe đạp chở đầy ve chai, lại có đứa nhỏ chừng 7 tuổi bế đứa em gái lên 4 khuôn mặt xanh xao, ốm yếu và cả những bà cụ ăn xin quần áo tả tơi... Phần ăn ngoài món chính gồm đậu hũ kho, rau cải xào, còn có tráng miệng quả chuối chín.
Chị Phụng (nhân viên của quán) vừa bới cơm vừa ôn tồn nói nhỏ nhẹ với bác xe ôm: "Thêm cơm nữa không bác?". Đưa mắt sang cậu bé chừng 6 tuổi, chị nhẹ nhàng: "Thế này được chưa cháu?"... Trên gương mặt nhễ nhại mỗ hôi của người phụ nữ ánh lên niềm rạng rỡ.
* Ảnh phát cơm miễn phí ở Sài Gòn |
Dường như cảm động trước thái độ ân cần của những người trong quán, khách đến ăn cũng rất ý tứ giữ vệ sinh, trật tự đi lại không chen lấn nhau, tự lấy đĩa muỗng đến nhận cơm rồi tự rửa chén bát mỗi khi ăn xong.
Cụ Nết, 82 tuổi, quê ở Nghệ An, lên TP HCM kiếm sống đã hơn 20 năm nay, miệng nói hom hem chữ được chữ không: "Tui bán vé số bữa được 20 nghìn đồng. Bán ở mô tui cũng về đây ăn cơm. Các cô chú ở đây tốt lắm, cho ăn không lấy tiền, nên tui dành số tiền đó gửi về quê cho đứa cháu học. Ở ngoài nớ nghèo lắm. Các chú không biết mô, kiếm được 20 nghìn đồng là cả một gia tài đó".
Bác Lê Công Lượng (những người yêu mến ông thường gọi là thầy Sáu địa lý), năm nay 71 tuổi, chủ quán cơm Thiện Tâm cho biết, quán mở từ tháng 6/2007. Lúc đó thấy nhiều người đói khổ quá, bác động tâm lắm, tìm đủ mọi cách để giúp người nghèo. Được sự hợp tác của cậu học trò giờ làm giám đốc một ngân hàng, bác đã mở được quán cơm này. Các nhân viên trong quán đều là những người tình nguyện, không lấy tiền công.
Khách ăn tại chùa Diệu Pháp. Ảnh: Tá Lâm. |
Không chỉ phục vụ miễn phí vào các buổi trưa 3, 5, 7 như ở Thiện Tâm, quán cơm chay chùa Diệu Pháp (188 Nơ Trang Long, phường 13, quận Bình Thạnh) còn phục vụ cả ngày chủ nhật, ngày rằm, ngày lễ trong năm.
Bác Dương, chủ quán tâm sự, 2 năm trước, khủng hoảng lương thực làm nhiều người nghèo không có cơm ăn, đến đây xin gạo. Nhà chùa liền mở quán cơm này hy vọng giúp những người nghèo có chút cơm lót lòng. Tiếng lành đồn xa, số người tìm đến chùa ngày một tăng.
Theo ghi nhận của Ngoisao.net, chỉ trong 2 tiếng đồng hồ buổi trưa 27/6, có trên 200 người vào quán. Họ đều là những người tàn tật, người nghèo hay sinh viên ở tỉnh lên thành phố trọ học...
Mồ hôi nhễ nhại, nhưng nở nụ cười tươi, bạn Văn Nghĩa, sinh viên ĐH Kỹ Thuật Công Nghệ TP HCM nói: "Nhà nghèo có tới 5 chị em ăn học nên mình phải tự trang trải chi phí. Bình thường em cũng đi làm nhưng đợt này đang trong giai đoạn thi học kỳ nên phải dành thời gian ôn thi. Quán cơm của bác Dương nuôi mình qua 3 mùa thi đấy". Với Nghĩa, bữa cơm với đậu phụng, cà chua, bầu luộc và canh bí đã là "thịnh soạn" lắm rồi.
Còn bạn gái có khuôn mặt trái xoan Mỹ Pha (ĐH DL Hùng Vương) thì không ngần ngại vừa ăn, vừa bày tỏ hồn nhiên: "Đi làm rồi, có nhiều tiền thì em cũng mở một quán cơm miễn phí thế này".
Tiếp sức mùa thi ĐH năm nay, chùa Diệu Pháp phối hợp với ĐH Luật phát 3.000 phần cơm chay miễn phí vào trưa ngày 4/7 tại 3 điểm thi trong thành phố: THPT Nguyễn Trãi (đường Nguyễn Tất Thành, quận 4), THPT Trương Công Đinh (đường Đinh Tiên Hoàng, quận Bình Thạnh) và THPT Võ Trường Toản (đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1). Mỗi phần cơm trị giá 15 nghìn đồng.
Khác với những quán cơm trên, Bếp ăn từ thiện Bảo Hòa (220 Đinh Tiên Hoàng, quận 1, TP HCM) lại có cách làm khác. Vào 7 giờ sáng hàng ngày, cô Bảy Sữa cùng anh chị em trong tổ chuyển cơm, thức ăn lên xe đến phát miễn phí cho bệnh nhân nghèo ở các bệnh viện Ung Bướu, Gia Định, Chợ Rẫy, bệnh viện Mắt... Mỗi ngày nơi đây phát đến 3.000 phần cơm. Riêng bệnh viên Ung Bướu, bếp ăn Bảo Hòa còn cho bệnh nhân tiền mua thuốc và tiền xe về quê.
Sáng sáng, hàng trăm người bệnh, thân nhân tay cầm cặp lồng xếp hàng chờ đến lượt. Cầm phần cơm mới nhận trên tay, chị Thư (quê ở Bến Tre) đưa mẹ đi chữa bệnh ung thư, xúc động nói: "Tôi đưa mẹ lên bệnh viện Ung bướu chữa bệnh đã được 3 tháng. Hai tháng vừa rồi tiền để chữa bệnh sắp hết, may mà mọi người chỉ cho biết có Bảo Hòa phát cơm miễn phí, chứ không chết đói mấy ngày nay rồi".
Ngoài ra, nhiều nơi khác ở Sài Gòn cũng chia sẻ người nghèo bằng những bữa cơm ấm tình như chùa Vạn Thiên (nằm sâu trong con hẻm 136 đường Trần Phú, quận 5, TP HCM), quán Tre Việt Nam (40 Đặng Văn Bi, quận Thủ Đức, TP HCM)... Có lẽ đây cũng là nét rất riêng của Sài Gòn vốn phồn hoa và đắt đỏ.
Tá Lâm