Đi đến Huế
Máy bay: Sân bay Phú Bài vừa nâng cấp hồi cuối năm 2013 để phục vụ du lịch Huế. Hàng ngày đều có chuyến bay từ TP HCM và Hà Nội đến Huế với nhiều hãng như Vietnam Airlines, VietjetAir giá vé khoảng từ 800.000 đồng/chiều nếu đặt trước trong đợt khuyến mại. Tuy nhiên nếu muốn đặt vé đến Huế ngay dịp Festival này thì bạn sẽ mất ít nhất 1,6 triệu đồng/chiều.
Tàu hỏa: Với những ai dư dả thời gian và muốn trải nghiệm cảnh đẹp trên đường đi thì nên chọn phương tiện này. Giá vé tàu nhanh nhất SE3-4 từ 370.000 đồng/chiều (ghế cứng) đến 900.000 đồng/chiều (giường nằm) nếu xuất phát từ Hà Nội và từ 530.000 đồng/chiều (ghế cứng) đến 1.250.000 đồng/chiều (giường nằm) nếu xuất phát từ TP HCM.
Xe khách: Rẻ và dễ dàng, tốn khoảng 18 - 20 tiếng để di chuyển từ Hà Nội/ Sài Gòn đến Huế. Bạn có thể đi xe giường nằm của các hãng lớn như Hoàng Long, Hưng Thành, Phượng Hoàng, Thuận Thảo với giá dao động 300.000 - 400.000 đồng/chiều từ Hà Nội đến Huế và 600.000 - 700.000 đồng/chiều từ TP HCM đến Huế.
Di chuyển trong nội thành Huế: Bạn có thể thuê xe máy để di chuyển và khám phá du lịch Huế. Giá thuê từ 100.000 đến 200.000 đồng/xe/ngày. Tham quan Đại Nội thì nên thử xích lô để dảm nhận hết nét mộc mạc, bình dị ở đây.
Chỗ nghỉ ở Huế
Khu vực đường Lê Lợi, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương là những tuyến phố trung tâm để tìm khách sạn. Giá cả cho một phòng đôi ở Huế trong ngày thường là từ 300.000 đồng trở lên, tùy loại và tùy thuộc vào nhu cầu của bạn. Vào dịp lễ, phòng thường hết sớm giá cũng đã tăng lên gấp đôi, gấp ba, bạn nên đặt trước ngay từ bây giờ nếu có ý định đến Huế đúng vào đợt Festival.
Đi chơi ở Huế
Những lễ hội chính dịp Festival Huế 2014
- Chương trình nghệ thuật khai mạc: 20h ngày 12/4 tại Quảng trường Ngọ Môn.
- Đêm Hoàng Cung vào các tối 15 và 19/4 tại Đại Nội (có dạ nhạc tiệc).
- Lễ hội Áo dài: 20h ngày 14 và 17/4 trên sân khấu đặt trước Quảng trường Ngọ Môn, lấy phông cảnh là Kỳ đài Huế với diện tích trên 1.000 m2.
- Chương trình sân khấu hóa tôn vinh Ca Huế: 20h ngày 16/4/2014 tại Nghinh Lương Đình.
- Chương trình “Đêm Phương Đông” vào các tối 13, 15 và 16 và 18/4 tại sân Điện Thái Hòa - Đại Nội.
- Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” của các nước khu vực Đông Á - Mỹ La Tinh vào các buổi chiều trong thời gian Festival tại các đường phố chính trung tâm TP Huế.
- Chương trình nghệ thuật bế mạc: 20h ngày 20/4 tại Quảng trường Ngọ Môn.
Ngoài ra còn có các Lễ hội cộng đồng như: Lễ hội “Hương xưa làng cổ” - Phước Tích, Phong Điền (14 - 16/4); “Chợ quê ngày hội” - Cầu ngói Thanh Toàn Hương Thuỷ (13 - 16/4); Lễ hội thiếu nhi “Sắc màu tuổi thơ” (18-20/4); Sóng nước Tam giang - Quảng Điền (30/4 – 2/5); Thuận An biển gọi - Phú Vang (30/4 - 1/5) và nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú khác.
Lăng tẩm
Ở Huế chủ yếu là đi thăm các lăng tẩm lớn như Tự Đức, Khải Định, Minh Mạng, Gia Long và Đại nội, chùa Thiên Mụ. Các lăng tẩm thường cách xa nhau và xa thành phố Huế. Nếu bạn không cho em bé đi thì có thể thuê xe máy để đi. Nhưng theo nhiều du khách thì tốt nhất là đi taxi hoặc thuê một chiếc ôtô con (khoảng 300.000 đồng cho tour đi thăm Lăng Tự Đức, Minh Mạng, Khải Định), sẽ tiện và đỡ mệt hơn rất nhiều, đi thăm Đại nội thì có thể đi xích lô, rất thú vị.
Đại Nội: Dĩ nhiên tới Huế thì ai cũng muốn đi Đại Nội. Đây là nơi sinh hoạt của 13 đời vua nhà Nguyễn từ vua Gia Long cho đến vua Bảo Đại. Ðại Nội bao gồm Hoàng Thành và Tử Cấm Thành với lối kiến trúc nghệ thuật cung đình và vườn hoa độc đáo.
Lăng Tự Đức: là một quần thể công trình kiến trúc, trong đó có nơi chôn cất vua Tự Đức tọa lạc trong một thung lũng hẹp . Lăng Tự Đức có kiến trúc cầu kỳ, phong cảnh sơn thủy hữu tình và là một trong những lăng tẩm đẹp nhất của vua chúa nhà Nguyễn. Mất khoảng 2 tiếng để tham quan hết lăng.
Lăng Minh Mạng: Trong các lăng thì lăng Minh Mạng là xa nhất. Kiến trúc lăng đẹp, hài hòa với thiên nhiên. Nếu có điều kiện thì bạn nên thuê 1 chiếc đò chạy ngược dòng sông Hương, vừa đi vừa ngắm cảnh lên đến lăng Minh Mạng.
Lăng Khải Định: So với 6 khu lăng của các vua nhà Nguyễn, lăng Khải Định là lăng sau cùng, và mặt bằng kiến trúc nhỏ hẹp nhất, nhưng đây lại là công trình đòi hỏi nhiều nhất về thời gian, công sức và tiền của.
Chùa chiền
Chùa Thiên Mụ: Hòa quyện với phong cảnh của sông Hương, núi Ngự, chùa Thiên Mụ (Thừa Thiên – Huế), ngôi chùa nổi tiếng nhất đất cố đô đã đi vào tâm thức của bao người dân, tô đẹp, gắn bó và là một bộ phận không thể tách rời của xứ Huế. Sự hài hòa giữa thiên nhiên và kiến trúc nơi đây khiến du khách dù bận rộn đến mấy cũng phải ghé qua nếu đã đến với Huế mộng, Huế mơ.
Chùa Từ Hiếu: Cách thành phố Huế năm cây số về phía Tây Nam là một vùng đồi được trồng thông xanh biếc, chùa Từ Hiếu là một trong những ngôi chùa cổ lớn và đẹp bậc nhất ở Huế.
Chùa Huyền Không 1, 2: Cách TP Huế chừng 10 km, đi qua ngôi làng bình dị, tiếng thông và tiếng suối reo sẽ đưa bạn theo một con đường đất gập ghềnh dẫn lên núi Chằm, nơi có một ngôi chùa Huyền Không đơn sơ nhưng lại cuốn hút đến lạ kỳ.
Ngoài ra, thành phố Huế còn có chùa Báo Quốc, chùa Túy Vân…
Đi thuyền trên sông Hương
Ở Huế còn có thú vui là buổi chiều ngồi trên thuyền ngắm cảnh hoàng hôn ở ngay ngã ba sông chỗ khách sạn Hương Giang (nhưng phải đi đò chèo và thời tiết phải vào mùa hè thì mới thấy thi vị). Buổi tối bạn có thể mua vé đi nghe ca trù trên sông Hương (50.000 đồng/vé), rẻ hơn rất nhiều so với việc cả đoàn bạn định thuê riêng một thuyền.
Biển
Biển Thuận An: Cách TP Huế chỉ 12 km, khi đặt chân đến đây, khách du lịch sẽ có cảm giác thư thái, tránh xa khỏi sự chật chội của thành phố, đặc biệt là khi bình minh lên. Cũng vào buổi bình minh, những phiên họp chợ cá họp ngay tại bãi biển và chỉ diễn ra trong chớp nhoáng, khi bóng nắng trải dài trên bãi cát là kết thúc.
Biển Lăng Cô: Với bờ biển thoải, cát trắng, nước biển trong xanh, và nhiệt độ trung bình khoảng 25 độ C vào mùa hè, Lăng Cô là nơi lý tưởng cho những ai đam mê tắm biển. Ngoài việc tận hưởng những món ăn hải sản tuyệt vời, khách du lịch có thể đến thăm thắng cảnh Chân Mây và làng chài Lăng Cô gần bãi biển.
Ngoài ra Lăng Cô có hai vị trí khá đẹp rất được dân địa phương hay đến chơi là Vũng Voi và biển Cảnh Vân. Ở Vũng Voi có thác nước, nước trong vũng rất trong và mát, còn biển Cảnh Vân thì rất cạn, rất sạch cảnh quan hình vòng cung như biển Quy Nhơn hay bãi Cát Cò ở Cát Bà và ở đó bạn có thể nhìn thấy cảng Chân Mây - một cảng mới được xây của Huế. Ăn hải sản ở Cảnh Vân rẻ hơn rất nhiều so với Lăng Cô nhưng bất tiện của Cảnh Vân là không có phòng nghỉ.
Phá Tam Giang
Từ biển Thuận An, xuôi theo dòng sông Ô Lâu để đi dọc theo chiều dài đầm phá. Hơn 15 km chạy dọc theo những con sóng, những cánh đồng và những cây cầu, dọc theo con đầm phá đến với làng chài Thái Dương Hạ. Mời bạn ghé thăm Phá Tam Giang, đầm phá nằm cách thành Huế 15 km về phía Bắc, để khám phá mảnh đất anh hùng và thưởng thức hải sản ngon tuyệt tại đây.
Các điểm đến khác
Đã đến Huế thì ngoài các lăng tẩm còn có điện Hòn Chén được người dân truyền tai là rất thiêng. Thích lãng mạn thì có thể lên đồi thông Thiên An, rất giống một phần của Đà Lạt. Ngoài ra bạn có thể đi tắm suối nước nóng Thanh Tân, cách Huế khoảng 20 km. Rừng quốc gia Bạch Mã cũng cách Huế khoảng hơn 40 km, là nơi các quan chức Pháp hồi xưa nghỉ mát, cũng cao lưng chừng núi, ngày mây nhiều thì khó mà lên đến đỉnh được.
Lưu ý: Nếu bạn cho em bé đi thì sẽ vất vả vì các khu này rất xa nhau. Mặt khác các lăng tẩm rộng nên phải chuẩn bị phương tiện đi lại cho bé. Còn đi du lịch nếu như có sức khoẻ không kèm theo em bé thì thuê xe máy đi cũng được. Gia đình đi nhiều người thì nên đi taxi, vừa rẻ vừa đỡ nắng. Buổi tối như đã nói trên, nếu đi chơi thì nên đi bằng xích lô vừa rẻ lại có thể tha hồ ngắm cảnh Huế. Khi đi taxi hay xích lô đến địa chỉ nào mà mình đã biết thì phải nói rõ là mình đã biết trước địa chỉ, không cần chờ, nếu không họ sẽ đòi tiền hoa hồng của chủ khách sạn hay đòi bạn tiền chờ nếu như bạn đi lại cuốc thứ hai…Tất nhiên chỉ tuỳ từng người thôi.
Ăn uống ở Huế
Các loại bánh
Quán Tranh bánh bèo nậm lọc, đường Chi Lăng
Bánh bèo nậm lọc bà Đỏ, 71 Nguyễn Bỉnh Khiêm
Bánh bèo Bà Cư, 47 Nguyễn Huệ
Bánh bèo nậm lọc Mợ, đường Điện Biên Phủ
Bánh bèo Long 89, 89 Nguyễn Huệ
Bánh khoái Hồng Mai, Đinh Tiên Hoàng
Bánh khoái Lạc Thiện, 6 Đinh Tiên Hoàng
Các loại bún
Bún riêu cua, 56 Nguyễn Huệ
Bún chả cá, 124 Nguyễn Huệ
Bún chả cá, 110 Nguyễn Huệ
Bún - cháo - cơm hến, 98 Nguyễn Huệ
Bánh ướt, bún thịt nướng Kim Long
Bún bà Tuyết, 37 Nguyễn Công Trứ
Bún bà Mỹ, 71 Nguyễn Công Trứ
Bún bò Huế, 14 Lý Thường Kiệt
Bún bà Tâm, 43 Nguyễn Công Trứ
Bún bò Huế bà Phụng, đường Nguyễn Du
Bún Hiền, 29 Bà Triệu
Bún mắm nêm, bún thịt nướng Bà Triệu
Bún bò Huế đường Chi Lăng ngay ngã 3 Chi Lăng, Nguyễn Bỉnh khiêm
Các loại chè
Chè Cung Đình Huế, 31 Nguyễn Huệ
Chè Sao, 60 Phan Chu Trinh
Chè Hẻm, 17 Hùng Vương
Yaourt, 68 Nguyễn Huệ
Cơm hến
Cơm hến và chè bắp Cồn Hến, Cồn Hến, Vĩ Dạ
Năm châu hội quán, số 4 đường Kim Long và số 3 đường Vạn Xuân, phường Kim Long
Quán ngay gần chân cầu, phía bên trái đường Ưng Bình
Cháo, bánh canh, mỳ
Cháo ông Lương, 43 Bà Triệu, Huế
Cháo vịt Thuận, 94 Bùi Thị Xuân
Cháo bò Đập Đá, Nguyễn Sinh Cung, Vĩ Dạ, Huế
Bánh canh mụ Đợi, 40 Đào Duy Anh, ở cuối một con hẻm nhỏ có một quán bánh canh không bảng hiệu.
Bánh canh cua Phạm Hồng Thái, đường Phạm Hồng Thái
Bánh canh cua Phan Bội Châu, dốc Phan Bội Châu, Trường An
Bánh canh Nam Phổ mặt tiền đường Nguyễn Công Trứ
Quán mỳ Phước, 62 Nguyễn Huệ
Ốc
Quán ốc Trường An, Trường An
Quán ốc Minh Nghĩa, 253 Phan Bội Châu
Mua sắm khi đi Huế
Ở thành phố Huế, các shop thời trang, cửa hàng lưu niệm, gallery, Studio mỹ thuật… tập trung ở một số đường phố lớn như: Trần Hưng Ðạo, Hùng Vương, Phan Ðăng Lưu, Lê Lợi, Mai Thúc Loan… khi đến du lịch Huế, bạn có thể ghé thăm các cửa hàng, cửa hiệu này để mua sắm một vài thứ cần thiết cho mình hay làm quà cho bạn bè.
Đặc sản
Quà Huế nổi tiếng nhất là nem, chả, tôm chua, mè xững, hạt sen, bánh phu thê, bánh ít đen, các loại bánh hột sen, đậu xanh, bánh trái cây… khách có thể mua dễ dàng ở các chợ Ðông Ba, An Cựu, Bến Ngự, Tây Lộc…
Đồ lưu niệm
Du khách còn ưa chuộng những sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: nón Huế, các vật dụng, tượng bằng đồng, các đồ chạm trỗ bằng gỗ… Các mặt hàng lưu niệm mỹ nghệ có thể mua ở các cửa hàng sau:
Khu vực các shop bán hàng mỹ nghệ Bội Trân, khách sạn Morin.
Sơn mài Ðông Ba số 4 đường Trần Hưng Ðạo chuyên bán hàng sơn mài, mỹ nghệ lưu niệm.
Nguyễn Phúc Long số 8 đường Hùng Vương chuyên bán các sản phẩm đúc đồng, tranh ảnh.
Hướng Dương số 59 đường Phan đăng Lưu chuyên bán các sản phẩm mỹ nghệ: tranh vẽ.
Trường Tiền số 51 Trần Hưng Ðạo chuyên hàng sơn mài, chạm khảm mỹ nghệ, hàng lưu niệm Huế.
Mỹ Nghệ Huế Thương, số 26/1 đường Nguyễn Công Trứ chuyên sản xuất và bán sản phẩm mỹ nghệ, đặc biệt mỹ nghệ xương.
Mỹ Nghệ Phúc Lộc, số 38 đường Lê Lợi chuyên sản phẩm mỹ nghệ các loại.
Lụa, đồ thêu
Phòng tranh thêu lụa Cố Ðô XQ, số 81 Trần Hưng Ðạo chuyên sản xuất và cung cấp tranh thêu nghệ thuật cao cấp.
Cửa hàng Huế, số 7 đường Hùng Vương chuyên bán hàng thêu lụa, tranh ảnh.
Cửa hàng Sông Hương, số 7 đường Hùng Vương chuyên bán tranh thêu lụa, hàng lưu niệm.
Cửa hàng Ðức Thành, số 82 đường Phan Ðăng Lưu chuyên sản phẩm thêu.
Các cửa hàng chuyên kinh doanh lụa tơ tằm dọc đường Lê Lợi và chung quanh các khách sạn Hương Giang, Century…
May áo dài
Rất nhiều khách du lịch đến Huế và may áo dài. So với những nơi khác thì may áo dài ở Huế khá rẻ và nhanh. Nếu bạn đặt hàng buổi sáng thì tối bạn có thể lấy được ngay.
Áo dài Minh Tân, 57 Nguyễn Sinh Cung
Nhà may Tân Đức, 156 Mai Thúc Loan
Thêu máy Đoan Trang, 60 Bạch Đằng
Nhà may Thẩm, 42 Trần Nguyên Hãn
Áo dài Huế Bích Thủy, 35 Bến Nghé.
Hà Đan tổng hợp