Tháng mười vừa qua, Vũ Ngọc Hà (Hải Phòng), một đối tượng chuyên trộm cắp tiền qua mạng Internet, đã bị bắt. Vốn là một hacker khá có tiếng trên các diễn đàn tin học, Hà đã tung virus vào các tài khoản tín dụng của một số công dân Australia để ăn cắp thông tin tài khoản cá nhân của họ. Sau đó, Hà bẻ khóa rồi lấy trộm tiền trong tài khoản của họ bằng các lệnh chuyển tiền dưới hình thức thanh toán mua hàng trực tuyến hoặc chuyển trực tiếp vào tài khoản ngân hàng của mình ở VN. Tổng số tiền Hà đã ăn cắp ước tính khoảng 500 triệu đồng.
Gần đây nhất là vụ hacker “mũ đen” Nguyễn Quang Duy (TP HCM) vừa bị bắt với các tội danh xâm nhập trái phép và đánh cắp thông tin tài khoản tín dụng của người nước ngoài, ăn cắp tiền và chuyển tiền vào tài khoản cá nhân. Cách thức phạm tội của Duy cũng gần giống như của Hà, tức là cũng sử dụng thủ thuật tin học để bẻ khóa mật khẩu, đánh cắp thông tin cá nhân của nạn nhân.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng, Giám đốc Trung tâm An ninh mạng BKIS (Đại học Bách khoa Hà Nội), những thủ thuật tin học mà các tội phạm sử dụng để tiến hành xâm nhập, đánh cắp thông tin tài khoản tín dụng cá nhân của các nạn nhân không có gì phức tạp. Hầu hết các trường hợp đều sử dụng virus hay các phần mềm gián điệp (chủ yếu được cung cấp từ các diễn đàn hacker) dưới nhiều hình thức ngụy trang khác nhau (tùy cách thức lừa đảo mà tội phạm sử dụng) để tấn công. Do đó những ai hiểu biết công nghệ thông tin (dân IT) đều có thể biết về các kỹ năng này và hoàn toàn có thể thực hiện các hành động xâm nhập giống như trên nếu muốn. Vấn đề chỉ đơn giản là ở ý thức của họ, nếu họ thật sự là những dân IT chân chính thì sẽ không bao giờ làm như thế, chỉ có những kẻ xấu, thiếu đạo đức mới làm vậy mà thôi.
Ông Quảng cũng cho biết thêm đối tượng của các hình thức phạm tội này chủ yếu là người nước ngoài bởi những kẻ phạm tội chỉ nghĩ đơn giản rằng người nước ngoài thì ở xa tận đâu đó, trong khi chúng lại thực hiện các hành vi này trên mạng nên khó có thể nào “sờ gáy” chúng được.
Chính những suy nghĩ đơn giản như vậy đã khiến loại tội phạm này dễ phát triển. Tuy nhiên, thực tế chứng minh bọn chúng đã lầm, đã làm việc xấu thì cho dù ở đâu cũng sẽ bị phát hiện. Ông Quảng khẳng định việc truy bắt loại tội phạm này không khó, chỉ cần xác định được người bị hại thì việc truy lùng tội phạm có thể được tiến hành. Như trường hợp của Duy đã nói ở trên, đến lúc bị bắt Duy vẫn còn khá bất ngờ và ngạc nhiên bởi anh ta không hề biết rằng hành vi phạm tội của mình đã bị Phòng cảnh sát điều tra tội phạm công nghệ cao (C15) thuộc Bộ Công an theo dõi.
Ông Quảng cho biết thêm: “Chắc chắn sắp tới đây các cơ quan chức năng sẽ xử lý các vụ việc như vậy càng nghiêm minh và chặt chẽ hơn, vì nó đã bắt đầu xuất hiện nhiều và sẽ bị để ý nhiều hơn”.
Cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, các hình thức lừa đảo qua mạng cũng đang ngày càng phát triển với rất nhiều cách thức và mức độ khác nhau. Những người dùng Internet, đặc biệt là những người bắt đầu có những thanh toán, giao dịch thương mại qua mạng, cần phải hết sức cẩn thận và đề phòng các hình thức lừa đảo qua mạng. Không nên truy cập vào những địa chỉ không rõ ràng, không đáng tin cậy bởi các phần mềm gián điệp luôn được cài đặt ở khắp mọi nơi. Hơn nữa, máy tính sử dụng cho việc truy cập Internet cần phải đảm bảo mức độ an ninh tối thiểu, tức là phải có cài đặt tường lửa, các phần mềm bảo vệ, phòng chống và diệt virus. Hệ điều hành phải được cập nhật các bản vá lỗi thường xuyên. Cách tốt nhất là nên thường xuyên thay đổi mật khẩu truy cập của mình và đừng bao giờ lưu chúng trong các tập tin của máy tính.
(Theo Tuổi Trẻ)